Cha Thánh Phanxicô ngày ấy đã bị Đức Kitô hoàn toàn chiếm đoạt và tình yêu của Người đã “nắm” gọn lấy ngài trong tay. Có lẽ vì thế mà ngài đã dùng nó làm đòn bẩy để nên khí cụ bình an của Chúa bằng cách can đảm buông bỏ tất cả: của cải vật chất, công danh, địa vị quyền thế,… gieo đời mình và trao phó trọn vẹn trong thánh ý Chúa; trở thành khí cụ Yêu Thương của Người, sống đời chứng nhân Nước Trời bằng thực hành đòi hỏi của Hiến Chương Bát Phúc, đặc biệt tinh thần khó nghèo. Đồng thời, sống nên thánh bằng chính tình yêu đơn sơ dành cho Chúa, tha nhân và các loài thụ tạo với một tình yêu phi thường và hiện hữu. Ngài có thể được coi là một con người si tình, điên cuồng vì yêu! Từ sau khi nhận được ơn hoán cải, ngài dâng hiến trọn vẹn con tim, khối óc, mọi dự định và kế hoạch tương lai cho Thiên Chúa quan phòng. Và chính nhờ đức tin mà ngài nhận ra vẻ đẹp của các loài thụ tạo Chúa dựng nên. Nhờ đó mà ngài sẵn sàng mở lòng mình đón nhận tất cả trong một niềm xác tín: chúng ta cùng chung một Cha trên trời. Anh Mặt trời, Chị Mặt trăng, Chị Chết…những cái tên gần gũi làm sao và khiến cho người ta không còn cảm thấy bị giời hạn về khoảng cách! Đó chính là cách sống riêng biệt của vị thánh này: yêu mến Đấng Trên Cao một cách tuyệt đối, hơn nữa không chỉ liên lụy đời mình với người cạnh bên mà còn hòa mình vào với cuộc sống của thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chim muông…Ngài xác tín: Thiên Chúa luôn hiện diện và Người có tính cách “nhập thể” trong thế giới thụ tạo. Đọc lại lịch sử, nghiệm lại câu chuyện đời của Phanxico như là môi trường để nơi đó tôi có thể đan kết với cuộc đời ơn gọi của chính mình.
Tôi có một thói quen là thích xem lại bộ phim về “Cuộc đời thánh Phanxicô” và đọc hạnh thánh của Ngài… Nhờ có những giây phút đắm mình trong sự thánh thiêng với Thánh Phanxico, đã giúp tôi nhìn sâu thêm lần nữa vào lòng mình về tinh thần và thái độ sống từ bỏ-hy sinh-dấn thân cho sứ vụ. “Động lực nào đã khiến Phanxicô có thể buông bỏ tất cả được như vậy để đi theo tiếng gọi tình yêu của Giê-su?”, tôi tự hỏi. Và đó không gì hơn có lẽ chính là vì “tình yêu Đức Kitô thúc bách”. Gương sáng của thánh nhân để lại cho tôi rất nhiều bài học quý giá.
Mỗi thời khắc trôi qua đều mang theo những ý nghĩa riêng của nó. Nhìn lại hành trình đời tu của mình, từ những ngày đầu chập chững, bỡ ngỡ bước vào đời tu với những quyết tâm đi theo tiếng gọi “đặc biệt”, tôi ấp ủ và mang bên mình biết bao dự định và kế hoạch…tương lai, bỏ lại sau lưng một quá khứ đầy ắp kỉ niệm xen chút “tiếc nuối” vào một khoảng thời gian nào đó... Nhưng qua dòng thời gian, vẫn trái tim ấy dành cho Giê su, vẫn lòng yêu mến ấy dành cho Hội dòng, tôi lần nữa tự hỏi lòng mình: “Tôi đã thực sự dám buông bỏ con người và cuộc đời để phiêu lưu với chính sứ mạng của Chúa trao ngang qua Hội dòng chưa?” Giờ đây, sống trong đời sống cộng đoàn, tôi biết rằng mình không thể ích kỷ sống cho riêng mình nhưng là sống vì, sống với và sống cùng người khác. Như Phanxicô, cảm thức “thuộc về” là điều cần thiết. Chỉ khi con người ta thuộc về nhau, thuộc về cộng đoàn, ta mới sống trách nhiệm và liên đới với nhau. Cái tôi lúc này dù có “lên ngôi” thì cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa khi tình yêu trong ta đã đầy ắp. Hơn nữa, lãnh nhận trọn vẹn hội dòng, chị em như một ý nghĩa sống trong cuộc đời của mình. Cuộc sống vốn không giống cuộc đời. Trong đời tu càng không có kiểu ví von “cuộc sống như một bài toán: thuận mua-vừa bán”; mà chính là những tâm tình thuộc về - một bình an nội tại giúp chúng ta trao tặng hết con người của mình, là những sự góp ý chân thành yêu thương, là dám chấp nhận sự thành đạt của chị em trong đời sống sứ vụ là niềm vui, là hạnh phúc của mình, là trân quý những lời dạy dỗ, cắt tỉa của những người có trách nhiệm trên ta, những người sống cạnh mình, và những gì là của nhau!
Đã có một câu nói khiến con được đánh động và rất tâm đắc “ Xin đừng đi tu để hưởng thụ”! Có lẽ ai cũng hiểu đời tu hoàn toàn không để người ta hưởng thụ. Người tu sĩ chúng ta luôn được huấn luyện với những đòi hỏi gắt gao của nhà Dòng. Ta được Thiên Chúa thử luyện và giúp đỡ để nên người loan báo Tin Mừng tốt. Theo đó, người tu sĩ là người của mọi người, người thuộc về Thiên Chúa và sống theo Tin Mừng. Là tu sĩ thật, chúng ta phải bước vào con đường hẹp, phải từ bỏ nhiều thứ, nhất là bỏ những nhu cầu hưởng thụ vốn có nơi mỗi người. Có khi trên con đường đó, ta cảm thấy cô đơn, trống vắng; có khi phải đương đầu với tình trạng không có chỗ nương thân. Tất cả những thách đố ấy nhằm giúp chúng ta biết ta phải tin vào Ai và sống vì Ai! Thách đố trên càng lớn hơn cho người tu sĩ chusngta trong thế giới này nay: Chủ nghĩa hưởng thụ. Người sống hưởng thụ chỉ dành toàn phần tốt về cho mình. Họ sẽ chỉ tìm những điều họ thích. Họ bỏ mặc nhu cầu người khác; ngược lại, họ luôn ở trong vỏ bọc an toàn. Bất cứ điều gì làm cho họ thoải mái, thư thái là họ thụ hưởng điều ấy. “Vậy thì tôi có đang nằm trong danh số những người trong nhóm này hay không!? Liệu tôi đang buông bỏ hay thu tích?”. Đó là những câu hỏi buộc con phải phản tỉnh luôn luôn.
Đời tu luôn là một tiến trình lớn lên. Một dấu hiệu trưởng thành của người tu sĩ là mỗi ngày buông bỏ một chút, cho bản thân thoát khỏi tinh thần hưởng thụ. Ở đây thì hình ảnh của người leo núi lại là hình mẫu cho tôi. Để leo được lên tới đỉnh, ta cần biết đặt lại những vật vốn làm cản trở bước tiến của ta, khiến ta nặng nề. Điều quan trọng ở đây, ta cần phải biết lúc nào ta cần và nên “buông” để đời nhẹ nhàng. Ngày nay người ta nói nhiều đến hai chữ “Buông bỏ” như là phương thế giúp ta sống an nhiên tự tại. Buông bỏ để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của “Tham, sân, si”, để thoát khỏi những ràng buộc của vật chất hư vô, của cái “Tôi” nặng nề ích kỷ, của cuộc sống quá ư là đa đoan phức tạp…Từ ngày bén duyên với đời sống này, tôi ý thức rằng: giờ đây, tôi sống không chỉ cho mình nữa, nhưng trên hết, Thiên Chúa và sứ mạng luôn lôi quấn tôi bước vào với niềm dâng hiến say mê. Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với các tu sĩ: “Trái tim nếu không co giãn, nó sẽ bị teo đi.” Thử hỏi một người đi tu để tìm mọi thứ thoải mái cho mình, làm sao ta có cùng nhịp đập với Thánh Tâm Đức Giêsu? Làm sao nhảy chung một điệu với sứ mạng của Hội dòng?? Trong hoàn cảnh ấy, làm sao ta hiểu Đức Giêsu và ý muốn của Người. Thiên Chúa và nhà dòng muốn một đường, người tu sĩ hưởng thụ lại đi một nẻo. Hai khung trời cách biệt! Hệ quả người ta có thể đoán ra: Nếu người tu sĩ không lớn lên, không từ bỏ, đương nhiên cuộc sống họ sẽ úa tàn. Thế gian sẽ bóp nghẹt cuộc đời hiến dâng của ta.
Mỗi tu sĩ chúng ta, ai cũng đều có một sứ mạng cụ thể để chu toàn, cho vinh danh Chúa hơn. Một khi lửa dấn thân tắt dần, không ai dám chắc liệu ta có bước với Đức Giêsu đến cuối con đường trong đời tu hay không. Chính vì thế, như dầu cần cho đèn bao nhiêu, đời sống thánh hiến cũng cần có những chất dầu là những “buông bỏ” để thêm vào cho ngọn đèn dâng hiến cháy sáng mãi. “Sẽ không có hoa trái nếu không chịu cắt tỉa, sẽ không có chiến thắng nếu thiếu chiến đấu”. Từ bỏ và cắt tỉa nhánh cây hưởng thụ, sung sướng không dễ chút nào. May thay, nhà Dòng và Giáo Hội có những phương cách tốt để giúp người tu sĩ chúng ta dám chọn khó nghèo hơn giàu sang, chọn sống khiêm nhường hơn kiêu kỳ, cao ngạo và chọn bám rễ sâu vào Thiên Chúa hơn là thế gian. Tuy nhiên, chắc một điều là nơi đó, chúng ta có Thiên Chúa ở cùng, có nhà Dòng giúp đỡ và có chị em đồng hành. Trong môi trường đó, chúng ta cầu nguyện cho nhau loại bỏ dần tinh thần thế gian, nói không và buông bỏ với cuộc sống hưởng thụ. Một khi ta liên lỉ chiến đấu, tu sửa và bước theo Giêsu, đời tu của ta sẽ đẹp vô cùng. Được như thế, chính ta sống hạnh phúc bình an; chính Thiên Chúa, Giáo Hội và Hội Dòng cũng được nhờ.
Tuy nhiên, còn đó những cản trở để ta có thể sống và thuộc trọn cho thánh ý Thiên Chúa khi nơi thâm cung nội tâm lòng mình vẫn có những giằng co, đấu tranh. Mỗi ngày đều là những KHỞI ĐẦU MỚI. Là một người ưa thích những điều mới lạ, nhưng có một điều con phải thừa nhận rằng bên cạnh những giây phút đẹp đẽ của ngày đầu gặp gỡ thì luôn đi kèm với đó là những cảm giác lo sợ khi đương đầu với những điều mới lạ. Đã có biết bao nhiêu cái được gọi là lỡ hẹn chỉ vì con không dám vượt qua ranh giới an toàn của bản thân. Không dám buông bỏ khỏi tay mình những gì vốn đã gắn bó từ lâu: cái tôi, tật xấu cố hữu, quan điểm cứng nhắc, rồi cả những định kiến, … để trở nên con người mới. Phải chăng do con lo sợ là cái giá phải trả để đổi lấy những điều mới lạ. Có những việc tưởng chừng như không thể làm được nhưng hóa ra là vì mình chưa dám thử. Nó như tấm màn che của trí óc ngăn cản bản thân con khám phá vẻ đẹp của cuộc sống, của ơn gọi này. Làm sao con biết mình không thể làm được trong khi chưa bắt đầu!? Biết cầm lên thì cũng biết đặt xuống, nắm vào được thì cũng buông ra được. Tập buông bỏ từ những điều nhỏ nhặt nhất trong đời sống hàng ngày.
Như vậy, để nên khí cụ bình an Chúa dùng chẳng gì hơn là khi ta để Chúa hoàn toàn chiếm hữu lấy trọn vẹn ước muốn, trí nhớ, trí hiểu và mọi việc làm của ta! Noi gương thánh Phanxicô, từ một thanh niên thuộc gia đình qúy tộc với mọi đặc lợi, đặc quyền của xã hội, Phanxicô đã có một đời sống rất xa Tin Mừng, khác biệt với những đòi hỏi của Nước Trời như khó nghèo, hiền lành, khiêm nhường, biết chạnh lòng xót thương, trong sạch, tìm kiếm điều công chính, yêu chuộng hoà bình, chấp nhận chịu hàm oan, xỉ nhục vì Tin Mừng (Mt 5,1-2) đã được biến đổi thành khí cụ Bình An của Thiên Chúa như chính lời kinh ngài hằng tha thiết “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Ngài”.
Xin Chúa hãy ban thêm lòng mến, ơn can đảm để mỗi ngày tôi và bạn- người tu sĩ biết “nhỏ bé” lại, “gạn đục khơi trong” đời mình để làm mới lại con người mình, biết buông và bỏ đi những gì vốn không phù hợp với lối sống của người nữ tu, sống trọn vẹn theo thánh ý Chúa bằng việc những việc hi sinh nhỏ bé và nên thánh từ những việc làm đó. Hơn nữa, trong thời gian này-dịch bệnh bùng phát và lan nhanh. Ranh giới giữa cái sống-cái chết quá mong manh thì đáng để con suy nghĩ và giác ngộ. Những điều đang xảy ra đó giúp chúng con nhận ra rằng “Đời là vô thường” và rằng chúng ta không còn lý do gì để tích trữ cho mình những thứ hư nát đời này. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày chúng ta tập buông bỏ những bám víu vật chất mau qua. Sự dứt khoát buông bỏ của chúng ta lúc này chắc chắn là một chọn lựa khôn ngoan và thích hợp nhất. Thực vậy, “Đối với chúng ta, những người còn đang sống, chúng ta nhận ra rằng thế giới vật chất này là vô thường, bản thân mình chỉ là thụ tạo yếu đuối mỏng manh. Nhờ đó chúng ta biết khiêm tốn hơn, biết từ bỏ những gì là phù du, biết sám hối và định hướng lại cuộc đời để hướng tới sự sống vĩnh cửu, sự sống dồi dào, sự sống đích thực”. “Đừng để bất cứ điều gì làm bạn xao động và sợ hãi. Mọi sự đều đang qua đi. Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Sự nhẫn nại chịu đựng đem lại tất cả. Ai có Thiên Chúa thì không thiếu thốn gì, một mình Thiên Chúa đã đủ.” (Thánh nữ Têrêsa Avila).
Hương Giang OP
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 52 | Tổng lượt truy cập: 3,212,576