Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

  • 11/11/2022
  • Anh em là chứng nhân của Thầy.

     

    Vào hồi 9 giờ sáng ngày 19 – 6 – 1988 tại Rôma, tức là lúc 15 giờ cùng ngày tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc.

    Dĩ nhiên đây chỉ là con số tiêu biểu cho hơn 130.000 vị tử đạo trong gần 300 năm bị bách hại. 300 năm bị bách hại với hơn 130.000 người tử đạo đủ cho mọi người thấy sự ác liệt thảm khốc cũng như sức chịu đựng bền bỉ kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin mà cha ông chúng ta đã lãnh nhận và tôn thờ. Các ngài cảm thấy hạnh phúc vì được thuộc về Chúa, các ngài hãnh diện vì là người Công giáo, các ngài can đảm tuyên xưng danh Chúa và cương quyết giữ vững lập trường đức tin chân chính của mình.

    Tử đạo là người làm chứng

    Trong con mắt của người đời, có thể các ngài là những người dại dột hơn ai hết, bởi vì đã hy sinh mạng sống của mình để đánh đổi lấy cái hạnh phúc mà mình chẳng nhìn thấy bao giờ. Thế nhưng thực ra, không phải như vậy. Các ngài không phải là những người ngu muội hay kém hiểu biết, các ngài cũng chẳng hề chê chán cuộc sống này. Bằng chứng là về mặt Giáo Hội, có người làm thầy giảng, có người làm linh mục, có người làm Giám mục. Về mặt xã hội, có người làm lý trưởng, chánh tổng, thậm chí có đấng làm quan lớn trong triều đình như thánh Micae Hồ Đình Hy.

    Bằng cái chết đầy can đảm đó, các Thánh Tử đạo Việt Nam đã loan báo cho hậu thế rằng: chỉ có một Thiên Chúa duy nhất đáng tôn thờ, và chỉ có Ngài là Cha yêu thương quan phòng, để những ai tin vào Ngài thì được hạnh phúc đời đời. Thế nên, khi tôn vinh các thánh tử đạo Việt “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” . Các ngài đã không lựa chọn cái chết một cách mù quáng, nhưng là chết cho một tình yêu lớn hơn, chết cho Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì mình. Như lời Chúa nói: Nam, Giáo Hội không có ý ca tụng việc chém giết hay chết chóc, nhưng là ca tụng những con người đã dám sống và dám chết cho lý tưởng cuộc đời.

    Nguyên nghĩa của chữ Tử đạo (Martyr) có nghĩa là người làm chứng. Quả vậy, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống trọn vẹn hai chữ “chứng nhân” không chỉ thông qua cái chết mà bằng cả cuộc sống của các ngài. Các ngài không chỉ là những tín hữu tốt, nhưng còn là những công dân mẫu mực. Trong gia đình, các ngài là những người cha hiền, vợ thảo, là những người con hiếu nghĩa. Các ngài không chỉ kính mến Thiên Chúa hết lòng, nhưng còn là những người rất mực yêu mến tổ quốc và yêu thương đồng bào. Nhưng trên tất cả, các ngài đã lựa chọn Đấng mà các ngài yêu mến và tôn thờ, Đấng là cùng đích của cuộc đời.

    Khi mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta không chỉ ca tụng các nhân đức của các ngài, những còn để bày tỏ niềm cảm phục các ngài, vì các ngài đã vượt thắng mọi khó khăn, chấp nhận mọi gian khổ và từ bỏ mọi sự để trung kiên theo Chúa đến cùng. Chúng ta cảm tạ, tri ân các ngài, vì các ngài đã nêu gương sáng cho chúng ta về đức tin, về tinh thần sống đạo. Chúng ta cảm mến, ngưỡng mộ các ngài, vì nhờ các ngài mà chúng ta có thể kiên trì trong đức tin, vững bền trong đức cậy và bền đỗ trong đức mến. Nhưng có lẽ, thái độ kính mến các ngài tốt nhất là noi theo gương các ngài đã sống.

    Tử đạo của thời đại hôm nay

    Ngày hôm nay, có lẽ không còn những cuộc bách hại đẫm máu, những tra tấn, gông cùm, tù tội…, hoặc ít ra là không gắt gao như thời của các Thánh Tử đạo cha ông chúng ta. Tuy nhiên, người tín hữu sống đạo hôm nay, vẫn phải đối mặt với muôn vàn thử thách.

    Văn hóa thực dụng và lối sống hưởng thụ thời nay, một cách nào đó, đã và đang cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được nhiều thuận lợi, biết đâu có khi chúng ta lại dễ dàng chối bỏ niềm tin của mình. Đó là khi chúng ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi chúng ta bỏ qua lời thề ước của hôn nhân để ngoại tình; đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai, nạo thai; đó là khi những người trẻ buông thả về đời sống tình dục; đó là khi chúng ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa hơn là kinh lễ; đó là khi chúng ta chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn.

    Vậy làm sao để chúng ta có thể vẫn ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian ?

    Chúa muốn chúng ta là nhúm men vùi trong đống bột. Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột. Bởi vì nếu như thế, men sẽ trở nên vô ích.

    Sẽ khó có thể nói được rằng Tử đạo ở thời nào hay nơi nào khó hơn. Bởi vì, mỗi thời, mỗi nơi, đều có cái khó riêng. Các vị Tử đạo cha ông chúng ta, đã phải hứng chịu những bách hại, đặc biệt là những gian khổ về mặt thể lý, như đòn vọt, gông cùm, tù tội… còn chúng ta ngày hôm nay, mặc dù không chịu những thử thách tương tự, thế nhưng để giữ đạo và sống đạo cho đúng với ơn gọi làm người Kitô hữu của mình, chúng ta đã phải tử đạo mỗi ngày, mà người ta vẫn gọi là “những người tử đạo trắng”.

    Người Kitô hữu sống đạo hôm nay được kể như người đang “lội ngược dòng đời”. Đang khi thế gian chạy theo tiền bạc và hưởng thụ, tìm mọi cách để vun vén cho bản thân, chúng ta lại được mời gọi sống cho tha nhân, và mưu cầu hạnh phúc cho người khác.

    Đang khi cuộc sống hôm nay đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, chúng ta lại được mời gọi sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật.

    Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, như nạo phá thai, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống và bảo vệ những mầm sống đó ngay từ những giây phút đầu tiên trong thai bào.

    Đang khi mối quan hệ gia đình, sự thủy chung trong đời sống vợ chồng đang ngày một trở nên lỏng lẻo, thì chúng ta lại được gọi mời sống trung thành với nhau cho đến chết… Và mỗi lần sống như thế, là mỗi lần chúng ta tử đạo.

    Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời! Chúa đã hy sinh mạng sống mình vì lòng yêu mến Chúa Cha và yêu thương loài người chúng con. Xin hãy dạy chúng con biết đáp đền tình yêu lớn lao ấy bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian. Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và độ nồng của men, để đem đến cho thế gian một sức sống mới.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ