Nhận biết rối loạn tự kỷ ở trẻ

  • 05/11/2021
  • Tự kỷ là một dạng rối loạn chức năng phức tạp trong quá trình phát triển, xuất hiện trong 3 năm đầu tiên của cuộc đời. Nhận biết sớm những dấu hiệu mắc bệnh của trẻ sẽ giúp trẻ hòa nhập cuộc sống dễ dàng hơn.

     

    Không phải bệnh lý tâm thần

    Trẻ tự kỷ không có khả năng thiết lập mối quan hệ với trẻ khác và không có khả năng phản ứng một cách bình thường với mọi tình huống. Trẻ gần như thu mình vào một thế giới riêng, từ chối giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trẻ thấy đủ với chính mình, thích thú khi ở một mình. Trẻ thể hiện sự hứng thú với đồ vật hơn là tương tác với con người. Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ thường không sáng tạo, trí thông minh hạn chế (trừ một vài trường hợp đặc biệt của hội chứng Asperger), có hành vi lặp đi lặp lại, sợ sự thay đổi.

    Có nhiều nguyên nhân của rối loạn tự kỷ được đưa ra như: chuyển hóa, miễn dịch, bệnh học thần kinh, môi trường, quá trình mang thai của người mẹ, quá trình sinh nở, sự phản ứng của vắc-xin, rối loạn những chức năng trong hệ thần kinh trung ương… Nhưng cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được thống nhất và còn nhiều tranh cãi.

    Tuy nhiên, rối loạn tự kỷ không phải là bệnh lý về tâm thần, không phải do cách nuôi dạy của bố mẹ hoặc người chăm sóc, không do ảnh hưởng tâm lý trong quá trình phát triển của trẻ.

    Những dấu hiệu sớm của rối loạn tự kỷ

    Ở trẻ dưới 1 tuổi: Trẻ không hoặc hạn chế nhìn vào mắt người chăm sóc khi họ tiếp xúc với trẻ. Trẻ ngoan, ít quấy khóc, ít đòi bế hoặc ngược lại là khóc liên tục. Không thể hiện cảm xúc vui mừng khi gặp người chăm sóc. Không ê a đáp trả với người chăm sóc khi được nói chuyện.

    Trẻ 12 - 18 tháng: Trẻ không dùng 1 ngón tay trỏ để chỉ vào vật trẻ thích hay mang tính chia sẻ mà thường kéo tay người khác đặt vào vật trẻ muốn. Chưa biết chơi giả bộ đơn giản: giả bộ uống nước bằng ly không có nước, cầm đồ chơi giả bộ làm điện thoại... Thờ ơ với những trẻ cùng lứa. Gọi trẻ nhưng trẻ không quay lại dù có thể chú ý đến tiếng tivi rất nhỏ.

    Bên cạnh đó, trẻ hạn chế nhìn mắt người khác, hạn chế hiểu yêu cầu và thực hiện yêu cầu. Đi nhón gót chân thường xuyên.

    Khi nhận thấy con có những dấu hiệu sớm của rối loạn tự kỷ, cha mẹ cần đưa con đến khám tại các bệnh viện nhi, hoặc bệnh viện tâm thần nhi, hoặc các trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em để được chẩn đoán chính xác và được tư vấn hướng dẫn phương pháp can thiệp.

    Thạc sĩ Nguyễn Diệu Anh

    Nguồn: Tinmung.net

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ