Những kiểu mẫu huấn luyện ơn gọi dâng hiến

  • 26/02/2023
  • Những kiểu mẫu huấn luyện ơn gọi dâng hiến
    Ảnh minh họa

     

    Để việc huấn luyện trong Chủng Viện và Dòng Tu đạt được những hiệu quả tốt, chúng ta cần phải xác định lại mô hình huấn luyện. Nếu việc đào tạo mà không xác định cách rõ ràng mô hình huấn luyện thì cũng có nghĩa là công việc đó không có mục đích rõ ràng và sẽ không hiệu quả. Việc huấn luyện có nguy cơ rơi tình trạng bất cập, một chiều, hoặc duy tu đức hoặc duy kỹ năng, hoặc duy tri thức hoặc duy hiệu quả, mà không quan tâm đến con người. Chúng ta không làm rõ mối tương quan giữa ân sủng và tự nhiên trong quá trình huấn luyện. Nếu không chúng ta có nguy cơ khi thì quá đề cao ân sủng, khi thì lại quá đề cao tự nhiên. Vậy đâu là kiểu mẫu phù hợp với bối cảnh hiện nay mà chúng ta cần phải giới thiệu với thụ huấn sinh trong việc huấn luyện họ tới đời sống linh mục và thánh hiến? Bài viết này giới thiệu những kiểu mẫu đã và đang được áp dụng trong việc huấn luyện.

    1 - Mẫu người hoàn hảo

    Từ trước Công Đồng Vatican II, kiểu mẫu người hoàn hảo được giới thiệu và đề nghị để huấn luyện các thụ huấn tới đời sống tu trì.

    Theo kiểu mẫu này, người ta đặt ra khuôn mẫu của một người hoàn hảo, không có tì vết như là lý tưởng của việc huấn luyện. Để trở thành con người hoàn hảo, ta sẽ loại trừ trong ta tất cả những gì làm cản trở hoặc không giúp ta đạt tới mục đích cuối cùng. Vì thế, đời sống tu trì được quan niệm là “con đường hoàn hảo”. Mỗi ngày người ta phải cố gắng chùi cho hết những lớp bụi “trần tục và nhân loại” để trở nên như tấm kính hoàn toàn trong suốt. Đó là con đường không có chỗ cho sự bất toàn, yếu đuối và những khuyết điểm. Người hoàn hảo là người hoàn toàn thanh sạch. Theo mẫu này, con người nhận ra yếu đuối của mình sẽ nói một cách chắc chắn rằng: “Anh phải bỏ hết tất cả những gì không trực tiếp xác định mục tiêu cuối cùng”. Theo cách thức đó, đây là hệ quả: tất cả những gì thuộc đời sống tình cảm, những xung năng, cả đời sống giới tính... đều phải loại trừ, phải bỏ hết, không còn gì nữa. Con người bị thuyết phục không có vấn đề gì trong những lĩnh vực này. Họ sống như các “thiên thần” vậy. Việc huấn luyện có nguy cơ đề cao yếu tố “ân sủng” hay duy tu đức, mà ít quan tâm đến yếu tố “tự nhiên” nơi thụ huấn sinh. Những yếu tố tâm sinh lý, tâm lý phát triển, nhân cách, tính tình, tình cảm, tính dục của thụ huấn sinh ít được quan tâm một cách đúng đắn. Vì thế, kẻ muốn trở nên hoàn hảo, phải dồn nén tất cả mọi sức mạnh hay cố gắng dồn nén chúng như thế bằng cách làm nghèo đi đời sống tâm lý, tình cảm và tinh thần của con người. Nếu một người sống trong tình trạng dồn nén những năng lực, nhu cầu tâm lý và tình cảm của mình mà không toàn nhập chúng cho một lý tưởng, thì có ngày chúng sẽ bùng nổ khi có cơ hội. Và sự bùng nổ đó sẽ càng mãnh liệt khi không còn vật cản nữa.

    Tuy nhiên, sự hoàn hảo như thế có thể có được khi chúng ta còn sống trên thế gian? Nếu chúng ta đánh mất những sức mạnh sống động của tinh thần, sức mạnh con tim và cả những năng lực thể lý và giới tính thì với cái gì hay làm sao ta có thể yêu mến Chúa? Trong khi đó, Kinh Thánh đòi hỏi những người theo Chúa phải yêu mến Chúa với tất cả và toàn bộ con người của mình: “Người hãy yêu mến Thiên Chúa, hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Dnl 6,5).

    Kinh nghiệm đời sống cho thấy chúng ta không thể loại bỏ các yếu tố “người”, sự bất nhất, yếu kém và những nhu cầu tâm lý trong chúng ta như “nhổ cỏ” ra khỏi ruộng được. Người ta vẫn ví von điều đó khi nói rằng: “Cây nến đã làm phép cũng rực cháy như khi nó chưa làm phép”.

    Chúng ta cần phải tái xác định rằng: sự thánh thiện mà Thiên Chúa đặt định cho chúng ta từ vĩnh cửu không nhằm “tước mất tính người” của chúng ta. Đúng hơn, sự thánh thiện ấy muốn thần hóa chúng ta với tất cả những mối tương quan thiêng liêng mà – từng bước một trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần – làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

    Như thế, kiểu mẫu người hoàn hảo xác định có vấn đề và không phù hợp để áp dụng cho việc huấn luyện cho đời sống dâng hiến.

    2 - Mẫu người thể hiện mình và chấp nhận mình

    Sau kiểu mẫu hoàn hảo, từ hậu Công Đồng Vatican II, một kiểu mẫu khác ra đời, được gọi là “Anglo-Americain” – Anh Mỹ: kiểu mẫu thể hiện mình kết chặt với tâm lý nhân văn, là một phong trào rất hấp dẫn trong khoa tâm lý. Nhưng kiểu mẫu này được giải thích và áp dụng một cách một chiều. Theo đó, điều quan trọng là thể hiện cái tôi, là thể hiện mình, trong khả năng, năng khiếu, và những gì mà người ta có cả trên bình diện thiêng liêng. Chính chúng ta đóng vai trò chính trong việc xây dựng nên tòa nhà đời sống của mình. Chúng ta xây dựng đền thờ chúng ta, bằng sức mạnh cánh tay của chính mình. Việc dấn thân theo Chúa được hiểu như là những cố gắng vượt bậc để vượt qua những khó khăn và thử thách, nhờ tài cán và sức mạnh của bản thân. Ơn gọi là gì nếu không phải là nhờ những cố gắng thể hiện mình. Chức linh mục là phần thưởng của một quá trình thể hiện tài năng của mình. Vì thế, có nguy cơ con người chỉ dựa trên sức mạnh tự nhiên của mình mà lãng quên yếu tố ân sủng của Thiên Chúa.

    Kiểu mẫu tự thể hiện mình rất phổ biến và trở thành nguy hiểm. Bởi vì, nó nhắm đến chính sự hoàn thiện mình, sự hoàn hảo, sự thánh thiện một cách sai lầm. Phương pháp này không hiệu quả và bị công kích nhiều, có lẽ bởi vì thời đại chúng ta không phải là thời đại các anh hùng. Chúng ta ta thấy quanh chúng ta nhiều cách cư xử bạc nhược.

    Bên cạnh mẫu người thể hiện mình, có một kiểu mẫu mới xuất hiện. Đó là kiểu mẫu chấp nhận mình. Theo đó, ta có thể nói rằng: “Đừng lo lắng vì đã khám phá ra những vấn đề trong bạn. Tất cả chúng ta đều có vấn đề. Chúa yêu thương bạn như bạn là, hãy an tâm”. “Lạy Chúa, xin chấp nhận con như con là”! và như thế mọi căng thẳng được loại trừ, ý nghĩa của thảm cảnh cuộc sống tan biến, và con người chỉ ước muốn tự chấp nhận mình. Đủ cho giai đoạn đầu, nhưng sau đó phải đi xa hơn. Chấp nhận mình là điều quan trọng, nhưng không phải mục tiêu cuối cùng. Trong cái nhìn tâm lý, điều quan trọng là chấp nhận để có thể đi xa hơn sau này. Trong lúc đó, trong kiểu mẫu này, sự chấp nhận mình là mục tiêu cuối cùng.

    Mẫu này hiện nay cũng rất phổ biến và một số hình thức văn hóa có thiện cảm với nó. Điều thú vị là mỗi người chúng ta nhìn chung quanh mình để thấy ba mẫu này hiện diện như thế nào: Ẩn bên trong mẫu hoàn hảo, mẫu thể hiện mình và mẫu chấp nhận mình, cái tôi là điểm trung tâm của ba mẫu này. Đó là những hình thức của hiện tượng “narcisse” khi bước theo Chúa nhưng lại có ước muốn sai lầm là tự mình làm tất cả.

    3 - Mẫu hội nhập hay toàn nhập

    Kiểu mẫu này là kết quả của kinh nghiệm đồng hành thiêng liêng, kết hợp với sự đóng góp của khoa tâm lý và dưới sự soi sáng của Lời Chúa.

    Toàn nhập (integration) là gì? Đây là một khái niệm chìa khóa của việc huấn luyện. Toàn nhập là kết hợp các yếu tố trong con người cách hài hòa để đạt sự phát triển tốt nhất, làm cho con người trở thành một toàn thể. Chúng ta cần phải hội nhập các chiều kích thể lý, tinh thần và tình cảm một cách hài hòa, không thiên lệch cũng không loại trừ và có một điểm quy chiếu rõ ràng để làm cho toàn thể đời sống có trật tự và ý nghĩa.

    Việc huấn luyện phải quan tâm đến toàn bộ các cấp bậc của con người xét con người như là một toàn thể và duy nhất. Nhờ đó, thụ huấn sinh có thể phát triển toàn vẹn các phương diện thể lý, tâm lý, tình cảm và trí tuệ của mình và có thể hòa nhập và phát triển tối đa khả năng và năng lực của mình cho lý tưởng mà mình theo đuổi. Hay nói theo một thuật ngữ với đầy đủ ý nghĩa: thụ huấn sinh sẵn sàng quy hướng mọi năng lực về mục tiêu mà chúng ta đặt làm trung tâm.

    Theo kiểu mẫu này, từ nguồn gốc, mẫu này liên kết với nhu cầu căn bản của hữu thể con người, có một điểm làm chuẩn, một trung tâm có ý nghĩa cho cuộc sống, nó làm cho con người khám phá liên tục ý nghĩa cuộc sống, cho phép nó thể hiện vai trò của mình cho đến cả chiều sâu của hữu thể của nó và hấp thụ tất cả sức mạnh có trong mình.

    Không chỉ là phương diện thiêng liêng mà thôi, mà bao gồm trọn vẹn cả phương diện nhân bản, nghĩa là không buộc tôi phải cắt cụt những phần nhân bản mình, nhưng ngược lại mời gọi tôi phải hội nhập chúng vào đời sống của tôi để sống một cách viên mãn và tràn đầy. Tôi cần một trung tâm hăng say giúp tôi sống tràn đầy những tình cảm của tôi, giới tính của tôi, và cả phần tiêu cực, yếu đuối, sự bất nhất, sự dễ tổn thương của tôi và cả quá khứ và ký ức của tôi. Tôi cần một trung tâm cho tôi một ý nghĩa qua những gì yếu đuối trong tôi, cho yếu tố mỏng giòn không chời đợi tôi đi đến gạt bỏ hoàn toàn những yếu đuối của tôi, nhưng trái lại giúp tôi sống những yếu tố ấy cách tích cực. Tắt một lời: chúng ta tập họp toàn thể con người chung quanh một trung tâm đời sống là Chúa Kitô.

    Khác với mẫu của sự hoàn hảo, là mẫu loại bỏ tất cả những gì không trực tiếp liên hệ tới mục tiêu cuối cùng. Trái lại, mẫu sát nhập nhắm tới hoạt động chịu trách nhiệm và bao gồm mọi khía cạnh của con người, bằng cách cố gắng tập trung chung quanh một trung tâm. Sát nhập là một hiện tượng phức tạp, bao gồm nhiều bước: làm trọn, lôi kéo, làm cho hoàn hảo, làm thành một sự thống nhất chung quanh một trung tâm, tập trung sửa chữa, nhưng cũng soi sáng, làm cho sống động, làm ấm lên, nâng đỡ, chăm sóc các vết thương.

    Sát nhập là khả năng tập trung tất cả cuộc sống của tôi, quá khứ của tôi, những tội lỗi của tôi, những yếu đuối, sự dễ tổn thương, những hiểu lầm căn bản, những lo lắng và sự kháng cự nội tâm, giới tính của tôi, những thúc đẩy của tôi, những mộng ước, những tương quan chung quanh trung tâm sống động là Chúa Kitô... tất cả tập trung vào điều chính yếu là Chúa Kitô! Không có gì là ở ngoài Ngài. Phải tập trung tất cả chung quanh trung tâm là thập giá Đức Kitô. Chỉ có thánh giá Đức Kitô mới có thể cho tất cả một ý nghĩa mới, cả yếu đuối, tội lỗi và quá khứ cuộc đời chúng ta.

    Nếu sự thật chúng ta muốn nên thánh thì trước hết chúng ta phải chấp nhận sự yếu đuối của chúng ta. Không ai là hoàn hảo. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo (x. Mc 10,18) và Ngài có thể ở trong những ai không coi mình là hoàn hảo!

    Như vậy, kiểu mẫu hòa nhập là kiểu mẫu đích thực và phù hợp cho việc huấn luyện ơn gọi tu trì trong bối cảnh hiện nay. Kiểu mẫu này cần phải được nghiên cứu và phổ biến trong các Chủng Viện và Dòng Tu.
     

    Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ