19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1

  • 21/09/2021
  • TGPSG-- “Đôi khi bằng cấp cũng phải để qua một bên, vì có những lúc chỉ cần đến tình người với nhau mà thôi...”
    19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1

    Linh mục (Lm) Giuse Đào Nguyên Vũ đã phát biểu như thế trong lễ “đón quân” vào lúc 9g ngày 20-9-2021, tại Hội trường Trung Tâm Hành Chính Quận 7, số 7 Tân Phú, Phường Tân Phú, Q.7, TP.HCM.

    Buổi lễ do Ban Thường trực Ủy Ban MTTQVN TPHCM tổ chức để đón 12 tình nguyện viên (TNV) kết thúc 1 tháng phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1 trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận 7. 

    12 TNV này gồm 1 linh mục và 11 tu sĩ thuộc 5 Hội Dòng (2 Dòng nam và 3 Dòng nữ).

    Đón tiếp

    Từ 8g30 xe đã đưa các TNV đến tại Hội trường Trung Tâm Hành Chính Quận 7. Khi bước xuống xe, các TNV tu sĩ sáng lên niềm vui trong ánh mắt.

    Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - Đại diện Tòa Giám mục - đã có mặt để chào đón, thăm hỏi.

    Lm Phaolô Nguyễn Văn Quý OP. phát biểu: “Cộng đoàn 16 anh chị em rất vui, rất hạnh phúc. Tất cả mọi sự đều thuận lợi - từ đời sống thiêng liêng đến công việc ở bệnh viện được thực hiện với tinh thần dấn thân, yêu thương, đoàn kết. Sự hiện diện của Thiên Chúa như một chỉ đỏ xuyên thất trái tim và tấm lòng của mỗi người."

    Lm Phaolô cũng cho biết: trong nhóm có 4 tu sĩ xung phong ở lại thêm 1 tháng nữa.

    Sau khi xét nghiệm âm tính, cả nhóm ngồi lại với nhau chia sẻ tâm tình. Một câu chuyện rất cảm động được kể lại: "Có một bà nói: Tôi thấy một vùng trời sáng đã mở ra; tôi đã được gọi ra khỏi thế giới, nhưng sơ đã vỗ vai tôi bảo 'quay lại, quay lại'. Tôi bèn trở về thấy cuộc sống rất êm đẹp như thế này." Các TNV muốn tạ ơn Chúa vì có điều kiện được phục vụ cho người bệnh - là phục vụ chính Chúa. Việc phục vụ đó đã nối kết biết bao nhiêu người trong bệnh viện.

    Một vị đại diện cho 4 nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa nhận xét: “Tâm tình tạ ơn vì được phục vụ chính là nội lực để bước tiếp trong đời sống ơn gọi."

    Một nữ tu trong nhóm 3 sơ Mến Thánh Giá Tân Lập chia sẻ: “Khi phục vụ bệnh nhân, chúng em thấy: có những bệnh nhân tích cực cộng tác để giành lại sự sống; nhưng cũng có những bệnh nhân khi nghe bị covid đã buông xuôi, không hợp tác; tuy nhiên, chúng em không nản chí mà vẫn kiên nhẫn động viên khích lệ họ. Khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe lại là chúng em rất vui và học được sự kiên nhẫn trong phục vụ."

    Một vị đại diện cho 3 thầy dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là thay oxy, đẩy oxy, cho bệnh nhân ăn, thay tã. Ai có chuyên môn y tế thì tham gia tiêm thuốc, sơ cấp cứu, làm những việc sau cùng cho bệnh nhân. Cảm nhận được niềm hạnh phúc, vì lần đầu tiên làm những việc mà trước đây chưa được làm. Tạ ơn Chúa đã ban cho niềm vui khi phục vụ: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em."

    Lễ 'Đón quân'

    Lễ 'Đón quân' bắt đầu lúc 9g. Sau lời giới thiệu các thành phần tham dự, Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1 - đã trình bày khái quát về hoạt động điều trị bệnh nhân Covid trong thời gian 1 tháng vừa qua.

    Bệnh viện Dã chiến được thành lập với 2 mục tiêu lớn: một là giảm tỷ lệ tử vong, hai là cấp cứu và xử lý ban đầu cho các bệnh nhân F0 trên địa bàn quận 7.

    - Về mục tiêu 1, sau 3 tuần hoạt động tỷ lệ tử vong đã giảm hơn 31%.

    - Về mục tiêu 2, đã đảm bảo không để bệnh nhân F0 không được cấp cứu. Đã có 10 người nước ngoài được cấp cứu tại đây trước khi đưa lên tuyến trên (vì bệnh viện dã chiến chưa đủ pháp lý để điều trị người nước ngoài).

    Bác sĩ Vui đã đơn cử 2 hình ảnh hoạt động của các TNV, nói lên sự đóng góp cách thiết thực của các tu  sĩ:

    - Hình ảnh 1: Một nữ tu sau khi hết cả, đã thay áo bảo hộ ra, toàn thân ướt đẫm như vừa tắm xong. Điều này nói lên tinh thần làm việc và ý thức kỷ luật khi chăm sóc bệnh nhân.

    - Hình ảnh 2: Một linh mục không chỉ tích cực chăm sóc bệnh nhân mà còn góp ý thêm về chuyên môn. Ví dụ, một bệnh nhân nhiều ngày không đi tiêu được - về góc độ chuyện môn, đây là việc quan trọng đối với bệnh nhân, vì bệnh nhân covid đã rất mệt rồi, mà ăn uống ngủ nghỉ, tiêu tiểu không được thì sẽ rất khó phục hồi.

    Bác sĩ Phó giám đốc kết luận: “chưa thấy lực lượng nào mà có tinh thần trách nhiệm cao như thế”.

    Trong bài phát biểu của mình, Bà Phan Thị Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - nhắc lại bối cảnh buổi gặp gỡ ban đầu tại Hội trường này cách đây 4 tuần với những lo lắng bỡ ngỡ của các TNV khi bắt đầu thực hiện công việc thiện nguyện. Các TNV không chỉ theo sự hướng dẫn của Ban Giám đốc, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân. Hơn thế nữa, "chúng ta còn lan tỏa tình yêu thương đến với người bệnh và những người cùng tham gia phòng chống dịch bệnh trong khu vực Bệnh viện Dã chiến - mỗi người mỗi việc, cùng nhau góp sức điều trị bệnh nhân trong khả năng và trách nhiệm của mình. Chúng ta đã cùng nhau giảm được tỷ lệ tử vong và tăng tỷ lệ xuất viện: đó là điều rất đáng mừng.”

    “Bốn tuần của các TNV không phải chỉ là thời gian trải nghiệm mà là sự dấn thân. Tuy 4 tuần không phải là thời gian quá dài, nhưng cũng nói lên tinh thần dấn thân của các TNV: Chúng ta cũng có những ý kiến, công sức mồ hôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình”.

    Sau cùng, Bà Phó Chủ tịch ước mong các TNV, sau thời gian trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân, sẽ có những kinh nghiệm để khi ra về, sẽ hướng dẫn cho mọi người ở nhà. Bà mong bên Công giáo tiếp tục hỗ trợ tham gia vào nhiều môi trường khác nhau.

    Thay lời cho các TNV tu sĩ, Lm Phaolô Nguyễn Văn Quý OP.  phát biểu: Đây là một dịp khó quên, là dấu ấn trong cuộc đời của mỗi người tu sĩ chúng tôi: có rất nhiều cảm xúc đối với bản thân, đối với bệnh nhân, đối với những người trong bệnh viện...”

    Lm Phaolô cũng cho biết nguyên tắc làm việc của nhóm: thống nhất tuân theo sự hướng dẫn của ban lãnh đạo của Bệnh viện, và tránh lây nhiễm chéo. Tất cả thời gian làm việc dành hết cho bệnh nhân, không nề hà bất cứ việc gì; phục vụ với một tình yêu: bệnh nhân là trên hết. Nhóm cố gắng sắp xếp làm sao để sẵn sàng 24/24, vì dù bệnh nhân là người lớn, họ không có người thân bên cạnh, nên khi thấy có người đi lại xung quanh, họ yên tâm ngủ yên, vì biết có người túc trực bên cạnh họ. Người chăm sóc thấy bệnh nhân ngủ yên như vậy thì cảm thấy rất vui mừng.

    Lm Phaolô cảm ơn các cấp chính quyền, ban lãnh đạo thành phố, và qua cha Giuse, cảm ơn Đức Tổng đã cho phép anh em tu sĩ - cùng chung tay với Bệnh viện Dã chiến - giúp đỡ các bệnh nhân.

    Cuối cùng, Lm Phaolô đã đọc bài thơ vừa sáng tác để gửi tặng mọi người.

    Đại diện Tòa Giám mục Sài Gòn, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ đã phát biểu: 29 ngày trước đây, khi vị Bí Thư Quận 7 có ý tưởng đưa TNV tu sĩ đến phục vụ tại Bệnh viên Dã chiến Quận 7, Lm Giuse đã phân vân không biết có làm được không, vì đây là tuyến Quận chứ không phải là tuyến Thành phố. Ông Bí thư Quận 7 cho rằng: nếu đồng lòng với nhau thì sẽ làm được. Và quả thực, đã làm được! Đây là bước đột phá, theo chia sẻ của Bs Phó Gíam đốc. Như vậy, không có một quy trình cố định nào trong thời gian chống dịch này.

    Thay mặt các Đấng Bề Trên, Lm Giuse cảm ơn các bác sĩ đã đón nhận sự hợp tác của các linh mục tu sĩ. Vì là chương trình rất đặc biệt, nên chắc chắn có những sự lúng túng, ví dụ, các TNV rất ngạc nhiên vì đã đi làm 'dã chiến' mà lại ở khách sạn, rồi lại còn được nhận quà sau khi làm bác ái thiện nguyện. Tuy nhiên, vì thương nhau nên bên nào cũng muốn làm cho bên kia vui hơn, toại nguyện hơn. Vì thế, các TNV tu sĩ chưa về tới nhà thì đã thấy nhớ bệnh viện rồi. Xin mọi người nhớ nhau trong lúc này, nhớ nhau khi trở lại trạng thái 'bình thường mới'... Khi có cơ hội đi phục vụ, đời dâng hiến sẽ sinh nhiều ơn ích lợi cho người khác.

    Lm Giuse cũng thay lời Đức Tổng cảm ơn Bề trên các Dòng đã can đảm cho Đức Tổng mượn người. Không có các linh mục, các tu sĩ nam nữ, Giáo hội không biết phải đồng hành với các y bác sĩ như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay. Lương thực có thể chia sẻ được, nhưng rõ ràng sự hiện diện con người với con người còn quan trọng hơn. Chúng ta không có chuyên môn về ngành y, nhưng chúng ta thấy rằng, đôi khi bằng cấp cũng phải để qua một bên... vì có những lúc chỉ cần tình người với nhau mà thôi.

    Linh mục Giuse cũng cảm ơn các anh chị em truyền thông - của xã hội, báo đài, và trong Giáo Hội - đã cận kề với các hoạt động của Công Giáo trong việc hỗ trợ ngành y. Lm đại diện TGM cũng nói lên sự lo lắng “khi làm việc bác ái mà cứ bị đưa lên báo đài. Tuy nhiên, không ai cấm truyền thông được. Cám ơn quý vị đã giúp cho chúng tôi có những hình ảnh đẹp nhất, những hình ảnh ở bên nhau, cùng nhau xây đắp cuộc sống đầy tình thương”.

    Đại diện nơi tiếp nhận các TNV phục vụ tại Quận 7, Bà Nguyễn Thị Bé Ngoan - Phó Chủ tịch UBND Q.7 - nói rằng Bà đã xuyên suốt tham mưu cho Ban chỉ đạo Quận. Cảm xúc của Bà bây giờ dâng trào hơn. Các TNV đã đi thẳng vào tâm trận, nên Bà cũng lo, nhưng khi thấy các TNV vẫn an toàn, bản thân Bà rất vui. Bản thân Bà không phải là người được chăm, nhưng cũng cảm nhận sâu sắc sự phục vụ tích cực của các tu sĩ qua những buổi giao ban. Quận 7 đã được thành phố cho thí điểm trở lại trạng thái 'bình thường mới', kết quả tốt đẹp này có sự đóng góp của quý vị.

    Kết thúc buổi lễ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và UBND Q.7 đã trao Giấy biểu dương và quà tặng cho 19 tình nguyện viên Công giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ trong một tháng phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1.

    Sau khi tham dự buổi lễ, các tu sĩ được đưa về nơi nghỉ ngơi và cách ly tập trung tại Tu hội Bác Ái Cao Thái và Đại Chủng viện Thánh Giuse. Sau một tuần, họ sẽ được xét nghiệm lại một lần nữa; nếu có kết quả âm tính, họ mới trở về nhà dòng của mình.

    Bài & Ảnh: Sơn Nữ SPC (TGPSG)

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ