Bài 10 - Ga đình tương quan với cá nhân và xã hội

  • 14/08/2021
  • Bài 10 - Ga đình tương quan với cá nhân và xã hội

    Bài 10
    GIA ĐÌNH TƯƠNG QUAN VỚI CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI
    “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18)


    1. Sống trong xã hội có ý nghĩa gì?
    Ngay từ ban đầu, đời sống xã hội được trải nghiệm trong gia đình. Gia đình sẽ tiến triển khi các thành viên thường xuyên nói chuyện với nhau, khi phát triển lối sống vun đáp mối quan tâm hiểu biết lẫn nhau, và khi các lợi ích cá nhân luôn là thứ yếu so với lợi ích cộng đồng và phúc lợi chung. Giống như Chúa là Đấng Sáng Tạo, gia đình là chủ thể sáng tạo không phải chỉ vì gia đình sinh sản con cái. Trong tương quan là các sinh vật có tính xã hội, con người chúng ta chia sẻ vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta cũng chịu trách nhiệm về việc tạo dựng và có trách nhiệm với mọi con người sống động khác. Mỗi người trong những con người sống động như vậy luôn luôn là thiêng liêngbất khả xâm phạm ở bất kỳ nơi đâu. Trách nhiệm xã hội của chúng ta cũng liên quan đến các loài vật, nên chúng ta cũng phải đối xử tử tế với chúng. Điều đó cũng liên quan đến thiên nhiên, nên không được khai thác thiên nhiên vô tội vạ mà phải sử dụng cách bền vững và có trách nhiệm. Song, trọng tâm của giáo huấn xã hội Công giáo là con người. Con người là nền tảng đích thực của xã hội; cho nên trong tất cả mọi sự được thực hiện trong xã hội thì con người được ưu tiên.

    Tâm niệm: Xét về mục đích, thì tất cả đều có một giá trị nào đó hoặc có một phẩm giá. Một cái gì đó có giá trị, thì người ta cũng có thể thay thế vào đó một giá trị khác tương đương. Ngược lại, khi một cái gì đó chứa đựng một giá trị cao quý vượt lên trên tất cả mọi giá trị, thì người ta không thể thay thế vào vị trí của nó bất cứ một cái gì khác có giá trị tương đương, và giá trị cao quý này vượt trên mọi giá trị cao quý khác, đó chính là nhân phẩm, là phẩm giá con người (Immanuel Kant: 1724-1804).

    Chúng ta phải yêu thương người lân cận, vì họ tốt hoặc để họ có thể trở nên tốt (Thánh Augustinô).

    2. "Gia đình" có còn phù hợp với xã hội thời nay không?
    Còn. Thường trong xã hội thời nay không còn bất kỳ niềm tin tôn giáo hay luân lý nào được hết tất cả mọi người đều cùng tin theo. Hơn nữa, thế giới ngày nay càng trở nên cực kỳ phức tạp. Mỗi lĩnh vực của thực tại hoạt động theo các qui luật riêng. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến gia đình. Giáo Hội quan tâm đến phúc lợi và phẩm giá của mọi người. Điều này gắn kết tất cả các lĩnh vực lại với nhau. Không ở đâu trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn trong nền văn hóa của đời sống gia đình dựa trên những lý tưởng cao quý và các mối quan hệ tốt đẹp. Nơi đây trong gia đình các cá nhân có thể biểu lộ và học tôn trọng lẫn nhau, học tính công bằng, học đối thoại, và tình yêu là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác cho sự chung sống đạt được thành quả tốt đẹp. Do đó, gia đình không chỉ là một cơ sở phù hợp với xã hội thời nay mà thực sự còn là nơi chủ đạo để con người hội nhập. Gia đình là nguồn gốc của các điều kiện tiên quyết về xã hội và nhân lực cần thiết cho Nhà nước và cho các lĩnh vực khác nhau của xã hội (ví dụ như kinh tế, chính trị, văn hóa).

    Tâm niệm: Gia đình tôi gắn bó với nhau đến độ đôi khi tôi có cảm giác chúng tôi là một người được tạo nên bằng bốn bộ phận (HENRY FORD).

    - Trao cho gia đình vai trò ít quan trọng hoặc hàng thứ yếu, loại gia đình ra khỏi vị trí xứng đáng của nó trong xã hội, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển đích thực của xã hội nói chung (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II).

    3. Gia đình làm gì cho cá nhân?
    Trải nghiệm gia đình là hết sức quan trọng đối với cá nhân con người. Lý tưởng nhất là gia đình, nơi con người được sinh ra và lớn lên. Trong gia đình đứa trẻ trải nghiệm sự hiệp thông lần đầu tiên với những người khác, bởi chính bản chất của những người trong gia đình mong muốn em được điều tốt lành, được yêu thương không hạn chế và tôn trọng em. Trong bầu khí tích cực như vậy, mỗi thành viên gia đình đều có thể phát triển năng lực của mình và có được sức mạnh để đối mặt với bất cứ điều gì cuộc sống có thể đưa đến. Đó chính là mục đích của một nền giáo dục dựa trên quan điểm Kitô giáo về con người. Đồng thời, những cá nhân trong gia đình trải nghiệm ý nghĩa thế nào là nhận lãnh trách nhiệm, vì một thành viên gia đình không thể chỉ sống cho riêng mình. Vậy nên, mỗi vai trò, - dù là các bậc cha mẹ, ông bà, hoặc con cái - bao giờ cũng có các bổn phận đối với các thành viên khác trong gia đình.

    Tâm niệm: Người có một tuổi thơ hạnh phúc sẽ trở thành người lành mạnh (ASTRID LINDGREN: 1907-2002).
    - Trẻ không được yêu thương sẽ trở thành người lớn không biết thương yêu (PEARL S. BUCK).

    4. Gia đình có đóng góp điều gì cho xã hội không?
    Có, tất cả mọi điều gia đình hoàn thành trong nội bộ cho bản thân gia đình và cho các thành viên của chính gia đình, thì cũng như đã đóng góp cho xã hội. Suy cho cùng, một xã hội có thể tiến triển tốt đẹp chỉ khi nào mọi thứ diễn ra tốt đẹp cho các cá nhân thành viên của xã hội ấy, nếu cá nhân các thành viên cảm thấy được yêu thương và được đánh giá cao. Trong gia đình, trước tiên người ta học được cách đối xử cho và nhận nhờ vào sự xả thân, quên mình và sự chấp nhận nhau, đó là lối hành xử hoàn toàn khác với kiểu đổi chác ở thị trường. Thực tế là các cá nhân học được trong gia đình ý nghĩa về trách nhiệm xã hội và tình liên đới cũng mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội: một người chứng tỏ mình có trách nhiệm và thực thi tình liên đới "trong những việc nhỏ" cũng sẽ có nhiều khả năng làm được như thế trong "những việc lớn". Ở đâu người ta học được biết tận tâm với người nghèo, người bệnh, hoặc người già, tốt hơn là học ngay ở trong gia đình? Ở đâu người ta hiểu rõ hơn về những người đang tuyệt vọng, cô đơn, hoặc bị bỏ rơi? Làm sao con người có thể trở nên nhạy cảm với những điều bất hạnh do xã hội gây nên nếu chính gia đình mình chưa gặp phải cảnh ngộ tương tự như thế? Cho nên, gia đình tạo nên một sự đóng góp không thể thay thế cho ''sự nhân bản hóa xã hội" (C. Kissling).

    Tâm niệm: Như một nguồn mạch, tình yêu thương của cha mẹ trở thành linh hồn và là nguyên tắc sinh động, truyền cảm hứng và hướng dẫn tất cả hành động giáo dục cụ thể, bằng cách phong phú hóa nó với những giá trị của sự ân cần, kiên trì, nhân hậu, phục vụ vô vị lợi, tinh thần hy sinh, là những hoa trái quí báu nhất của tình yêu (Tông huấn Fomiliaris Consortio - Gia đình Kitô hữu, 36).

    - Mẹ là người duy nhất trên trần gian đã yêu thương bạn trước khi bà biết bạn (JOHANN HEINRICH PESTALOZZ1).

    Đương nhiên con cái phải kính trọng cha mẹ của mình, nhưng các bậc cha mẹ tất nhiên cũng phải tôn trọng con cái mình, và cha mẹ đừng bao giờ lạm dụng quyền làm cha mẹ của mình. Đừng bao giờ dùng bạo lực với con cái! (ASTRID LINDGREN).

    5. Gia đình làm gì cho xã hội?
    Trước hết, gia đình là nơi bảo đảm sự tiếp nối của xã hội. Thứ hai, gia đình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nuôi dưỡng con cái và giúp chúng thích nghi với xã hội. Các đức tính văn hóa, đạo đức, xã hội, trí tuệ và đức hạnh tôn giáo, các giá trị và truyền thống được lưu truyền, là nền tảng cho mọi con người tự do và có lương tâm. Được trang bị với những phẩm chất từ sự giáo dục gia đình như vậy, và với sự giáo dục cần thiết từ trường lớp, người ta có thể đảm nhận tất cả các loại trách nhiệm trong xã hội. Nhiệm vụ thứ ba của gia đình là quan tâm đến tất cả các thành viên sống chung dưới một mái nhà và tạo cho họ nơi riêng tư, an toàn để phát triển và xoa dịu những căng thẳng. Thứ tư (đặc biệt trong xã hội những người cao tuổi), việc chăm sóc yêu thương các thành viên chung sống trong gia đình bị đau yếu hoặc khuyết tật hay không còn kiếm được tiền ngày càng trở nên cấp thiết. Ở đây, quan điểm về hạt nhân gia đình mở rộng ra với thế hệ trước, có thể đẩy mạnh tình liên đới sâu sắc và đồng thời ý thức về bản sắc của gia đình.

    Tâm niệm: Điều quan trọng là để phụ nữ được tham gia lao động xã hội, giải phóng họ khỏi "nô lệ trong gia đình", để giải thoát họ khỏi sự u mê đần độn và ách nô dịch làm nhục nhã tới công việc cực nhọc buồn tẻ triền miên của nhà bếp và nhà trẻ.

    Bãi bỏ các cấu trúc gia đình truyền thống đã được những người cộng sản ủng hộ mạnh mẽ, và cả VLADIMIR I. LENIN (1879-1924), nhà chính trị và cách mạng Nga. Đoạn trích từ "Các nhiệm vụ của phong trào phụ nữ lao động", bài phát biểu của Lenin vào năm 1919.

    6. Phải chăng gia đình chỉ có nhiệm vụ nuôi con cái thôi?
    Chắc chắn không phải vậy. Gia đình không phải là một hệ thống khép kín mà chỉ tồn tại vì lợi ích riêng của mình. Tuy nhiên, đầu tiên người ta phải nhớ rằng cha mẹ có quyền và bổn phận chính yếu phải nuôi dạy con cái mình và lo liệu cho chúng có được sự giáo dục toàn diện. Chỉ các nhà nước chuyên chế mới cố lấy đi quyền này của họ. Người cha và người mẹ có những đóng góp khác nhau, nhưng họ đều quan trọng như nhau đối với việc dạy dỗ con cái. Chỉ theo quan điểm này thôi thì việc cho các cặp vợ chồng đồng tính quyền nhận con nuôi là hết sức có vấn đề. Kế đến, chiều kích xã hội của con người đòi hỏi trẻ cần có sự tương tác xã hội bên ngoài gia đình trực hệ của chúng; việc giáo dục của chúng phải nhận được hình thức toàn diện hơn qua sự hợp tác của gia đình với các trường lớp khác nhau, nhất là ở giáo xứ sở tại hoặc ví dụ như câu lạc bộ thể thao. Giáo dục toàn diện nhằm giúp trẻ biết tuân thủ pháp luật, trở thành những công dân hòa bình có khả năng đối thoại, gặp gỡ, và liên đới bằng cách dạy chúng thực hành các đức tính về công bằng và yêu thương. Không chỉ dạy con bằng lời, mà hơn hết phải bằng tấm gương sống động, làm gương sáng để giúp con cái đạt được sự giáo dục toàn diện này.

    Tâm niệm: Hai điều con cái nên được cha mẹ truyền thụ: đôi cánh để bay xa và cội nguồn để nhớ về (JOHANN WOLFGANG VON GOETHE: 1749-1832).

    Người xưa, khi muốn bình thiên hạ, trước tiên họ phải trị quốc. Muốn trị quốc, trước tiên họ phải tề gia. Muốn tề gia, trước tiên họ phải tu thân. Muốn tu thân, trước tiên họ phải chính tâm (KHỔNG TỬ: 551-479 TCN).

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ