Lc 21, 25-28.34-36
Lời Chúa:
25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."
34 "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."
Học hỏi:
1. Đọc cả bài Tin mừng hôm nay. Hãy cho biết trong bài này, Đức Giêsu nói về biến cố nào sẽ xảy ra?
2. Đọc Lc 21, 25-26. Những hiện tượng thiên nhiên nào sẽ xảy ra trong Ngày đó? Đọc thêm Is 13,10; Ed 32,7-8.
3. Trước những hiện tượng đó, đâu là tâm trạng của những người chứng kiến? Đọc Lc 21,25-26.
4. Những hiện tượng kinh khủng trong Ngày ấy sẽ xảy ra trước mắt ai? Đọc Lc 21,25.35.
5. Nhưng biến cố quan trọng nhất của Ngày đó là biến cố nào? Đọc Lc 21,27. Kinh Tin Kính có nói đến biến cố này không? Đọc thêm Đanien 7,13-14.
6. Đức Giêsu khuyên các Kitô hữu làm gì khi những chuyện ấy bắt đầu xảy ra? Tại sao họ lại không sợ? Đọc Lc 21,28.
7. Trong khi trông chờ Ngày ấy đến cách bất ngờ, các Kitô hữu cần xa tránh những thái độ nào? Đọc Lc 21,34. Ngược lại đâu là những thái độ chúng ta cần có để sẵn sàng đón chờ Ngày bất ngờ ấy? Đọc Lc 21,36.
8. Tại sao Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng này trong Mùa Vọng?
Câu hỏi suy niệm: Có nhiều lời đồn đoán về Ngày tận thế, kêu gọi người ta bỏ công ăn việc làm, lo tích trữ gạo hay nến… Bạn nghĩ sao về những chuyện đó? Nếu mai là Ngày tận thế, nếu mai là Ngày Chúa Quang Lâm, bạn sẽ làm gì hôm nay? Đâu là những cám dỗ trần tục khiến con người thời nay quên chuẩn bị cho Ngày Chúa trở lại?
PHẦN TRẢ LỜI
- Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay là về Ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu (Lc 21,27), Ngày Nước Thiên Chúa đến một cách trọn vẹn và chung cục (Lc 21,31). Đó cũng là Ngày tận thế (Lc 21,34-35). Vào Ngày tận thế, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang, và Nước Thiên Chúa đến như chúng ta đã xin trong Kinh Lạy Cha (Lc 11,2). Ngài báo cho biết những biến cố sẽ xảy ra trước Ngày Quang Lâm (Lc 21,25-28), và thái độ chúng ta cần có trước khi Ngày đó bất ngờ ập đến (Lc 21,34-36). Còn trong phần trước (Lc 21,5-24), Đức Giêsu không nói về Ngày tận thế, nhưng nói về sự sụp đổ của thành Giêrusalem và những biến cố xảy ra trước sự sụp đổ đó.
- Trước Ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu sẽ có những “dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao”, “các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển”, và “biển gầm sóng vỗ”. Đây là những hình ảnh mạnh mẽ để chỉ những biến động trong vũ trụ mà các ngôn sứ trước đây hay dùng (Is 13,10; Ed 32,7-8). Như thế, trước Ngày Chúa quang lâm, cũng là ngày Tận thế, có thể có những dấu lạ trên trời cũng như ngoài biển khơi. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải hiểu những hiện tượng này theo nghĩa đen.
- Vào ngày tận thế, có những biến động ghê gớm trên trời hay ngoài biển, nhưng điều đáng sợ lại là những biến động xảy ra trong lòng con người đang sống trên mặt đất. “Dưới đất các dân tộc sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét” (Lc 21,25), và “người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển” (Lc 21,26). Như thế lo âu và hoảng sợ là tình trạng của lòng người vào ngày tận thế, khi chứng kiến những biến động đang diễn ra trong vũ trụ.
- Những hiện tượng kinh khủng sẽ xảy ra trước mắt “các dân tộc” (Lc 21,25), trước mắt “tất cả mọi dân cư khắp mặt đất” (c. 35). Như thế Ngày tận thế sẽ được tỏ hiện không phải chỉ cho các tín hữu, mà cho mọi người đang sống trên mặt đất vào lúc bấy giờ. Hơn nữa, đây là Ngày Chúa Giêsu phán xét tất cả kẻ sống và kẻ chết, từ người đầu tiên đến người cuối cùng. Không ai tránh được Ngày này.
- Nhưng biến cố quan trọng nhất của Ngày Quang Lâm lại không phải là những biến động đáng sợ nơi vũ trụ đang chuyển mình, mà là biến cố “thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang đến trong đám mây” (Lc 21,27). Kinh Tin Kính nói đến biến cố quan trọng này trong câu: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian này lần đầu cách đây hơn 2000 năm. Ngài từ trời mà đến trong khiêm hạ, khó nghèo, yếu đuối ở Belem, và nhiều kẻ đã từ khước Ngài. Vào Ngày Quang lâm, Ngài sẽ trở lại trong tư cách là Chúa vũ trụ, với toàn bộ quyền năng và vinh quang do Chúa Cha ban. Ngài trở lại từ trời trong tư cách là Vị Thẩm phán uy phong xét xử mọi người. Ngài là Con Người được nói đến trong sách Đanien 7,13-14: “ngự giá mây trời mà đến…được trao quyền thống trị, vinh quang và vương vị…”
- Khi biến cố Quang lâm bắt đầu xảy ra, Đức Giêsu khuyên các kitô hữu “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu” để đón Ngài trở lại (Lc 21,28). Họ không được lo âu sợ hãi vì đây là Ngày mà họ mong chờ. Họ rất vui vì Đức Giêsu được vinh quang trọn vẹn trước mặt cả thế giới. Họ còn vui vì biết mình “sắp được cứu chuộc”.
- Để có thể có thái độ “đứng thẳng và ngẩng đầu,” đón Chúa trở lại trong bình an, các kitô hữu cần tránh “chè chén say sưa và lo lắng sự đời,” vì những điều ấy làm cho “tâm của mình ra nặng nề” (Lc 21,34). Tâm nặng nề những chuyện trần tục thì khi Ngày ấy đến một cách bất ngờ, chúng ta sẽ như người bị vướng vào cái bẫy hay cái lưới được giăng ra, không sao thoát ra được. Hơn nữa, để có thể “đứng vững trước mặt Con Người” trong Ngày đó, Đức Giêsu khuyên ta “tỉnh thức luôn luôn, và cầu xin cho mình có sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến” (Lc 21,36).
- Mùa Vọng là Mùa trông đợi, chờ mong. Người Do-thái chờ mong Đấng Mêsia đến cứu dân tộc họ. Hôm nay Kitô hữu là người chờ mong Chúa lại đến trong vinh quang vào Ngày Quang Lâm, để Nước Thiên Chúa được đến cách trọn vẹn. Mùa Vọng không chỉ là thời gian chúng ta chuẩn bị kỷ niệm Lễ Giáng Sinh, mà còn là thời gian chúng ta chờ mong Ngày Chúa trở lại. Bài Tin Mừng này dạy ta cách đón Ngày Chúa quang lâm.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
Nguồn: tgpsaigon.net