Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm A

  • 24/06/2023
  • “Đừng sợ !”

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm A

    Mt 10,26-33

    1. Bài Tin Mừng này nằm trong bài giảng nào của Đức Giêsu? Đức Giêsu nói đến chuyện gì trong đoạn trước đó (Mt 10,17-25)?
    2. Trong Mt 10,24-25, Đức Giêsu so sánh tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ với những tương quan nào? Đâu là ý nghĩa của Mt 10,24-25. Đọc Mt 10,25b. “Người ta” ở đây là ai vậy? Đọc Mt 9,34; 12,24.
    3. Trong bài Tin Mừng này, động từ sợ xuất hiện mấy lần? Theo bạn, sợ hãi làm cho người ta trở nên thế nào?
    4. Đọc Mt 10,26. Theo bạn, câu này có ý nghĩa gì? Điều gì cuối cùng sẽ bị lộ ra, điều bí mật nào cuối cùng ai cũng sẽ biết? Đọc Mt 24,14; 25,32; 28,19.
    5. Đọc Mt 10,27. Đức Giêsu mời các môn đệ làm gì và làm như thế nào? Đọc Mt 10,7.
    6. Đọc Mt 10,28. Thiên Chúa có tiêu diệt linh hồn con người không? Đọc Mt 25,41.46.
    7. Đọc Mt 10,29-31. Những câu này cho thấy Thiên Chúa là Đấng nào đối với con người?
    8. Đọc Mt 10,32-33. Việc tuyên xưng Đức Giêsu cách công khai có quan trọng không?

    GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Đọc kỹ bài Tin Mừng và tìm ba lý do quan trọng khiến Đức Giêsu bảo chúng ta đừng sợ bị bách hại vì rao giảng Nước Trời. Trong thế giới hôm nay, đâu là những hình thức chối bỏ Chúa của một số tín hữu?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Bài Tin Mừng hôm nay thuộc về một trong năm Bài Giảng dài của Đức Giêsu trong Tin Mừng Mát-thêu. Đây là Bài Giảng thứ hai nằm ở cả chương 10, có chủ đề về Sứ mạng Truyền giáo. Trong Mt 10,17-25 Đức Giêsu đã báo trước những bách hại sẽ xảy đến cho các môn đệ: bị bắt bớ, bị nộp, bị điệu ra tòa, bị đánh đòn, bị thù ghét, và bị giết. Những điều đó thật là đáng sợ. Chính vì thế bài Tin Mừng hôm nay (Mt 10,26-33) là lời Ngài mời gọi các môn đệ đừng sợ những kẻ làm hại mình, nhưng hãy trung tín làm chứng cho Ngài trước mặt mọi người.
    2. Trong Mt 10, 24-25 Đức Giêsu ví các môn đệ như trò, như tớ (= nô lệ) và như người nhà. Còn Ngài ví mình như thầy, như chủ, và như chủ nhà. Như thế, Đức Giêsu muốn cho thấy số phận của các môn đệ hẳn sẽ không thể khá hơn số phận của chính Ngài. Nếu Ngài sẽ phải chịu bách hại thì các môn đệ của Ngài còn phải chịu hơn thế nhiều. Được đối xử như Thầy là tốt rồi. “Người ta” trong Mt 10,25b để chỉ giới lãnh đạo Do-thái giáo, cụ thể là những người thuộc phái Pha-ri-sêu . Họ là những kẻ coi Đức Giêsu như người dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ (Mt 9,34; 12,24).
    3. Trong bài Tin Mừng này, động từ sợ xuất hiện 4 lần trong các câu Mt 10,26.28.31. Đứng trước những nguy hiểm đến tính mạng, theo tâm lý bình thường người môn đệ cảm thấy sợ. Nhưng 3 lần Đức Giêsu nói với họ “Đừng sợ !” (Mt 10,26.28.31), và 1 lần Ngài bảo họ “hãy sợ” (Mt 10,28). Như thế vấn đề quan trọng là biết sợ ai, và đừng sợ ai. Nỗi sợ các thụ tạo có thể làm người ta mất tự do, khiến người ta hèn nhát không dám làm điều phải làm, không dám nói điều phải nói, không dám sống theo ý Thiên Chúa. Nhưng khi ta kính sợ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, ta lại được tự do, được thoát khỏi những ràng buộc lệch lạc với các thụ tạo hữu hạn.
    4.  Trong Mt 10,26 Đức Giêsu nhắc các môn đệ đừng sợ rao giảng Tin Mừng, dù có bị bách hại đi nữa. Lý do Ngài đưa ra là vì sớm muộn những gì còn bị che giấu sẽ được lộ ra, những gì bí mật sẽ được người ta biết. Tin Mừng cứu độ nhân loại qua Đức Kitô Giêsu cần phải được rao truyền cho mọi dân tộc. Cuối cùng, mọi dân tộc (panta ta ethnê, Mt 24,14; 25,32; 28,19) trên mặt đất sẽ đều được nghe Tin Mừng trước khi Chúa quang lâm. “Tin Mừng này về Nước sẽ được rao giảng trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng” (Mt 24,24).
    5. Đức Giêsu mời các môn đệ nói và rao giảng bằng lời (Mt 10,27). Ngài sai họ đi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (Mt 10,7). Rao giảng là nói ra giữa thanh thiên bạch nhật những điều Thầy Giêsu dạy mình trong bóng tối kín đáo. Rao giảng là nói công khai trên mái nhà những lời thầm thì mình nghe Thầy nói nơi kín đáo. Như thế Tin Mừng về Nước (Mt 4,23; 9,35; 24,14) không còn bị giới hạn trong nhóm các môn đệ, nhưng được công bố một cách mạnh dạn và mạnh mẽ cho mọi người, không phân biệt người Do-thái hay Dân Ngoại.
    6. Đức Giêsu khuyên môn đệ đừng sợ, vì Thiên Chúa là Đấng nắm trọn vận mệnh con người, cả hồn lẫn xác. Những kẻ bách hại các vị tử đạo chỉ giết được thân xác của các vị đó thôi, và không làm gì được nữa. Khi đọc Mt 10,28 ta có cảm tưởng Thiên Chúa là Đấng có khả năng giết được linh hồn, và có khả năng tiêu diệt linh hồn trong hỏa ngục. Thật ra Đức Giêsu chỉ muốn nói đến việc linh hồn con người có thể bị trừng phạt trong hỏa ngục muôn đời, nếu nó không sống theo mệnh lệnh của Chúa. Linh hồn chỉ bị phạt chứ không bị Thiên Chúa tiêu hủy ra không. Đọc Mt 25,41.46 ta thấy khi bị phạt đời đời hay được thưởng đời đời, con người vẫn có cả linh hồn và xác.
    7. Sau khi cho thấy một Thiên Chúa đáng sợ, vì có khả năng trừng phạt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục (Mt 10,28), Đức Giêsu lại cho ta thấy hình ảnh của một Thiên Chúa cẩn thận chăm sóc những gì Ngài dựng nên trong Mt 10, 29-31. Ngài lo cho mạng sống của một con chim sẻ chỉ đáng giá nửa hào; một sợi tóc nhỏ trên đầu cũng được Ngài đếm. Chính vì Thiên Chúa để tâm chăm sóc cho những thụ tạo bé nhỏ, nên các môn đệ không sợ khi bị bách hại đe dọa, đơn giản là vì con người họ quý giá hơn rất nhiều. Dù cho khổ đau và cái chết có thể xảy đến cho họ, nhưng điều đó cũng không “ngoài ý của Cha anh em” (Mt 10,29).
    8. Trong cơn bách hại, việc nhìn nhận Đức Giêsu trước mặt người đời là điều kiện quan trọng để được cứu độ. Vì ai nhìn nhận Ngài trước người đời thì Ngài sẽ nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Ngài ở trên trời. Được Đức Giêsu nhìn nhận trước mặt Cha là được Cha cứu độ. Ngược lại ai chối bỏ Ngài thì sẽ có số phận ngược lại: người ấy không được cứu độ.

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ