Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 20 Thường niên năm C

  • 21/08/2022
  • Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 20 Thường niên năm C

     

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 20 Thường niên năm C

     

    Lời Chúa: Lc 12,49-53

    49 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. 50 Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. 51 Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: 53 cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".

    Câu hỏi:

    1.  Trong Tin Mừng Luca, lửa là hình ảnh mang ý nghĩa gì? Đọc Lc 3, 9.17; 9, 54; 17, 29.

    2.  Đọc Lc 3, 16; 24, 32; Cv 2, 3-4; Malakia 3, 2; Huấn ca 2, 5; 1 Phêrô 1, 7. Bạn thấy lửa còn mang những ý nghĩa gì khác?

    3.  Đọc Lc 12, 49. Theo ý bạn, Đức Giêsu đã ném trên mặt đất thứ lửa nào? Tại sao Ngài muốn nó bùng lên?

    4.  Đọc Lc 12, 50. “Phép rửa” Đức Giêsu nói mình phải chịu ở đây nghĩa là gì? Khi ban phép rửa, người ta thường làm gì cho người lãnh phép rửa?

    5.  Tìm những câu nói của Đức Giêsu trong Tin Mừng Luca bắt đầu bằng: “Thầy đến để...”. Đọc Lc 5, 32; 12, 49.51; 19, 10.

    6.  Đức Giêsu đến trần gian để đem lại điều gì? Đọc Lc 1, 79; 2, 14; Ga 14, 27; 16, 33; 20, 19.21.26.

    7.  Đọc Lc 12, 51. Tại sao Đức Giêsu lại bảo mình đến để đem lại sự chia rẽ? Vậy sự chia rẽ đến từ đâu? Đọc Lc 2, 34-35; 10, 8-10; 19, 42.

    8.  Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá có gây ra sự chia rẽ không? Đọc Lc 23, 35-56.

    9.  Đọc Luca 12, 49-50. Bạn nghĩ gì về những ước mong còn dang dở của Đức Giêsu? Bây giờ Ngài còn ước mong nào chưa được thực hiện? Đọc Ga 17, 20-21.

    CÂU HỎI SUY NIỆM: Hôm nay, chúng ta làm gì để thực hiện ước mơ của Đức Giêsu? Chúng ta làm gì để lửa Đức Giêsu đã ném trên mặt đất được bùng lên khắp nơi?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Trong Tin Mừng Luca, lửa là một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa. Ở Lc 3, 9.17 lửa có công dụng đốt cháy, thiêu hủy. Đó là hình phạt nặng dành cho cây không sinh quả tốt và cho thóc lép. Ở Lc 9, 54 và Lc 17, 29 lửa từ trời cũng có công dụng thiêu hủy, tiêu diệt những người bị coi là tội lỗi. Lửa từ trời được coi là hình phạt của Thiên Chúa.
    2. Tuy nhiên, trong Tin Mừng Luca, ta thấy “lửa” có thể mang một ý nghĩa khác. Ở Lc 3, 16 ông Gioan tẩy giả nói đến việc có Đấng sẽ “làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” Lửa ở đây chắc không phải là thứ lửa để trừng phạt và thiêu hủy. Trong sách Công vụ Tông đồ, vào lễ Ngũ Tuần, một nhóm người được “những cái lưỡi giống như bằng lửa” đậu trên từng người. Sau đó họ được tràn đầy Thánh Thần và được ơn nói tiếng lạ (Cv 2, 3-4). Như thế lời hứa của Đức Giêsu trước đây ở Lc 24, 49 và Cv 1, 4-5 đã được ứng nghiệm: Phép Rửa trong Thánh Thần đã xảy ra, các môn đệ được làm Phép Rửa trong Thánh Thần và lửa. Lửa ở đây không phải để trừng phạt hay thiêu hủy, nhưng để thanh luyện như chúng ta thấy trong Malakia 3, 2; Huấn ca 2, 5; và 1 Phêrô 1, 7. Vàng bạc cần được tẩy luyện bằng lửa.
    3. Trong Luca 12, 49 Đức Giêsu nói mình đã đến ném lửa trên mặt đất và Ngài mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Chắc chắn đây không phải là thứ lửa trừng phạt hay tiêu diệt, mà là lửa thanh luyện, lửa đi với Phép Rửa trong Thánh Thần (Lc 3, 16; Cv 2, 3-4). Cũng có thể đây là thứ lửa đã làm trái tim nguội lạnh của hai môn đệ về Emmau bừng cháy lòng mến tin (Lc 24, 32). Ngọn lửa ấy thực ra vẫn chưa bùng lên và tỏa lan trên toàn mặt đất. Đây vẫn là một ước mơ chưa tròn của Đức Giêsu và Ngài muốn chúng ta giúp Ngài thực hiện ước mơ ấy.
    4. Luca 12, 49 nói lên một việc Đức Giêsu muốn chủ động làm, còn Luca 12, 50 nói lên một việc Đức Giêsu phải chấp nhận, đó là chịu Phép Rửa. Cả hai việc đều chưa được thực hiện trọn vẹn. Người lãnh nhận phép rửa thường phải dìm cả thân mình cho chìm trong nước. Cử chỉ dìm mình tượng trưng cho những đau khổ và cái chết của chính mình. Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh Phép Rửa để nói về cuộc thương khó và cái chết sắp đến của mình (xem Mc 10, 38-39). Ngài mong đến ngày hoàn tất Phép Rửa mà Ngài biết chắc chắn sẽ xảy ra vì Phép Rửa này nằm trong kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Các môn đệ được mời chịu Phép Rửa Thầy sắp chịu, nghĩa là cùng chết với Thầy (Mc 10, 38; Rm 6, 3-4).
    5. Ta thấy trong các sách Tin Mừng có những câu nói của Đức Giêsu bắt đầu bằng: “Thầy (hay Con Người) đến để…” “ Con Người đến không phải để bãi bỏ Lề Luật… nhưng để kiện toàn” (Mt 5, 17). Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu cũng dùng lối nói này để bày tỏ mục đích của cuộc đời mình ở trần gian (Lc 5, 32; 12, 49; 19, 10).
    6. Đức Giêsu đến trần gian để đem bình an (Lc 1, 79; 2, 14, Ga 14, 27;16, 33; 20, 19.21.26). Nhưng Lc 12, 51-53 có vẻ nói ngược lại khi Đức Giêsu khẳng định mình không đến để đem bình an trên mặt đất, mà đem sự chia rẽ ngay trong gia đình. Thật ra không có gì mâu thuẫn trong những phát biểu trên đây của Đức Giêsu. Chính lời giáo huấn của Đức Giêsu đưa con người đến chỗ phải chọn lựa. Từ đó có những thái độ chống đối nhau, thù nghịch và chia rẽ ngay giữa những người một nhà.
    7. Thật ra, Đức Giêsu không đến để đem lại chia rẽ. Chia rẽ là do thái độ theo hay không theo Đức Giêsu. Có người chống báng (Lc 2, 34-35); có thành đón tiếp, có thành không (Lc 10, 8-10); thành Giêrusalem không đón nhận việc Chúa viếng thăm (19, 42-44).
    8. Trước cái chết trên thập giá của Đức Giêsu, cũng có những thái độ đối nghịch: giữa các thủ lãnh, lính tráng (Lc 23, 35-37) và dân chúng cũng như viên đại đội trưởng (Lc 23, 47-48), giữa hai người cùng bị đóng đinh (Lc 23, 39-46), giữa ông Giô-xếp với Thượng Hội đồng (Lc 23, 50-53).
    9. Luca 12, 49-50 cho thấy những ước mong của Đức Giêsu khi lên đường chịu khổ nạn. Có ước mong đã được hoàn tất: Ngài đã chịu Phép Rửa, đã chịu đau khổ và chịu chết. Nhưng có ước mong còn dang dở: làm cả mặt đất được bừng cháy lên ngọn lửa mà Ngài đã đem đến cách đây hơn hai ngàn năm. Hẳn hôm nay ở trên trời, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cầu nguyện cho các kitô hữu được ơn hiệp nhất (Ga 17, 20-21).

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ