Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm A

  • 12/03/2023
  • Nước hằng sống

     

    HỌC HỎI PHÚC ÂM
    CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY NĂM A

    Ga 4,5-42

    1. Đọc Ga 4,5-7. Để đi từ miền Giuđê (phía nam) trở lại miền Galilê (phía bắc), Đức Giêsu đã đi ngang qua miền Samari (nằm ở giữa hai miền nam-bắc). Người Do-thái có hay đi ngang qua miền này không? Tại sao?

    2. Đọc Ga 4,5-7.9.27. Tại sao Đức Giêsu xin nước uống? Khi xin người phụ nữ Samari nước uống, Đức Giêsu đã phải vượt qua những bức tường ngăn cách nào?

    3. Hãy tìm trong các sách Tin mừng hai trường hợp Đức Giêsu đã gặp một người nào đó để xin giúp đỡ.

    4. Sau khi xin chị nước giếng, Đức Giêsu lại hứa cho chị này nước của Ngài. Đọc Ga 4,10-15 và cho biết thứ nước Đức Giêsu ban có gì đặc biệt.

    5. Đọc Ga 4,16-19. Bởi đâu người phụ nữ Samari tin Đức Giêsu là một ngôn sứ? Bạn nghĩ gì về đời sống hôn nhân của chị này?

    6. Khi đã tin Đức Giêsu là ngôn sứ rồi, chị muốn nói chuyện với Ngài về vấn đề gì? Đọc Ga 4,20-24. Cuối cùng Đức Giêsu đã nhận mình là ai? Đọc Ga 4,25-26.

    7. Đọc Ga 4, 28-30. Tại sao người phụ nữ bỏ vò nước lại, chạy vào thành và mời mọi người đến gặp Đức Giêsu ở giếng? Tại sao người trong thành tin chị và đến gặp Ngài? Đọc Ga 4,39.

    8. Đọc Ga 4, 40-42. Đâu là kết quả của việc Đức Giêsu ở lại hai ngày với người dân Samari?

    CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn học được gì về cách thức Đức Giêsu gặp gỡ, trò chuyện với người phụ nữ Samari? Chị này đã biến đổi như thế nào chỉ sau một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Đức Giêsu bên bờ giếng?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Đức Giêsu đã trải qua một hành trình dài từ miền Giuđê để trở lại miền Galilê. Ngài đã đi ngang qua miền Samari (Ga 4,3-4). Nhiều người Do-thái không muốn đi ngang qua miền đất này, vì họ coi đây là vùng đất ô uế như đất của dân ngoại. Thành kiến lâu đời này bắt nguồn từ một nguyên do trong lịch sử như sau. Khi vương quốc phía Bắc, có thủ đô là Samaria, rơi vào tay quân Assyria năm 722 trước công nguyên, nhiều người Do-thái bị lưu đày, nhưng cũng có những người được ở lại. Quân Assyria đến ở đất Samari, lấy vợ người Do-thái ở vùng này, và sinh con đẻ cái. Vì thế những người Do-thái thuần chủng ở vùng Giuđê không coi những người Do-thái ở vùng Samari như đồng bào của mình, thậm chí coi họ như dân ngoại. Đôi bên nuôi mối hiềm khích từ đó, đến thời Đức Giêsu vẫn còn.

    2. Đức Giêsu đã đi một cuộc hành trình dài từ nam ra bắc. Khi đi ngang qua miền Samari, trời giữa trưa, Ngài thấy mệt mỏi, cần ngồi xuống nghỉ ngơi bên bờ giếng của ông Gia-cóp ngày xưa. Vì thấy khát nên Đức Giêsu đã xin nước nơi người phụ nữ miền Samaria. “Chị cho tôi uống với”: khi nói câu này, Đức Giêsu đã vượt qua nhiều bức tường ngăn cách: ngăn cách giữa đàn ông và đàn bà (Ga 4,27 cho thấy các môn đệ ngạc nhiên khi thấy Thầy mình nói chuyện với một phụ nữ ở nơi công cộng), ngăn cách giữa người Do-thái và người Samari (hai bên thù ghét nhau), ngăn cách giữa ô uế và thanh sạch (người Do-thái coi đất Samari, người Samari và nước giếng Samari là không thanh sạch, thế mà Thầy Giêsu lại xin chị ấy nước uống), và cuối cùng là ngăn cách giữa Đấng Thánh và tội nhân (chị này có đời sống bê bối). Bởi vậy khi thấy Đức Giêsu xin nước uống, chị phụ nữ Samari đã tỏ ra hết sức ngỡ ngàng (Ga 4,9).

    3. Trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu đã hỏi ông Philípphê: “Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5). Ngài cần bánh để có thể làm phép lạ. Ông Anrê đã tìm được một em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá (Ga 6,8-9). Vào một lần khác, khi Đức Giêsu thấy đám đông chen lấn để đến gần mình mà nghe cho rõ, Ngài đã xin ông Si-môn chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi ngồi trên thuyền, Ngài giảng dạy đám đông (Lc 5,3). Xem thêm Mt 17,24-27.

    4. Đức Giêsu xin chị nước giếng để uống cho đỡ khát, nhưng Ngài lại hứa cho chị một thứ nước khác có những đặc tính sau. Đó là nước hằng sống (living water, Ga 4,10.11). Nước hằng sống không phải là nước đọng hay nước ao tù, nhưng là dòng nước đang chảy và trong sạch. Nước hằng sống do Đức Giêsu ban cho còn có một đặc tính khác hẳn nước thường: ai uống rồi thì muôn đời sẽ không hề khát (Ga 4,14a). Hơn nữa, nước Ngài ban sẽ trở thành trong người ấy một mạch nước vọt lên dẫn đến sự sống đời đời (Ga 4,14b). Nghe Đức Giêsu nói về thứ nước kỳ diệu đó, người phụ nữ thấy mình bị hấp dẫn và mong có được. Chị đi từ địa vị của người cho nước sang địa vị của người xin nước. Chị chỉ mong có thứ nước này để khỏi phải vất vả đi kéo nước từ giếng (Ga 4,15). Thật ra người phụ nữ vùng Samari đã hiểu lầm. Đức Giêsu không hứa cho chị một thứ nước vật chất như nước giếng, nước sông. Nước hằng sống mà Ngài muốn ban cho chị có thể hiểu là giáo huấn của chính Ngài có khả năng đem lại sự sống đời đời. Cũng có thể hiểu nước này là Thánh Thần do Ngài ban (x. Ga 7,37-39).

    5. Chị phụ nữ tin Đức Giêsu là một ngôn sứ (Ga 4,19) sau khi Ngài nói về đời tư của chị: chị đã có năm đời chồng, và đang chung sống với một người không phải là chồng mình (Ga 4,16-19). Điều đó cho thấy đời sống hôn nhân của chị đã ở trong tình trạng bất ổn một thời gian dài. Chúng ta không rõ tại sao chị lại có nhiều chồng đến thế! Và tại sao người chị đang chung sống lại không phải là chồng của chị? Đức Giêsu biết rõ chị không hạnh phúc trong đời sống vợ chồng, nhưng Ngài không nhìn quá khứ của chị bằng cái nhìn soi mói. Sự cảm thông của Ngài làm cho chị thấy được tin tưởng, đón nhận.

    6. Khi đã tin Đức Giêsu là vị ngôn sứ rồi, chị đã chuyển câu chuyện qua đề tài mới về đền thờ (Ga 4, 20-24). Chị phân vân tự hỏi phải thờ phượng Thiên Chúa ở đền thờ nào: đền thờ của người dân Samari ở núi Garizim, hay đền thờ của người Do-thái ở Giêrusalem. Đức Giêsu trả lời bằng cách nói đến việc thờ phượng trong thần khí và sự thật. Cuối cùng, Đức Giêsu cho chị biết mình là Đấng Kitô mà cả người Do-thái lẫn người Samari mong đợi (Ga 4,25-26).

    7. Khi nghe Đức Giêsu nhận mình là Đấng Kitô, chị vội vã để lại vò nước, chạy mau về, kêu gọi dân thành Samari ra gặp Ngài. Người ta tin lời chị làm chứng rằng chị đã gặp một người biết cả quá khứ của chị (Ga 4,39). Chị muốn cả dân thành cũng được hưởng niềm vui chị đang hưởng, đó là gặp được Đấng Kitô hay Đấng Mêsia (Ga 4,25).

    8. Sau hai ngày Đức Giêsu ở với dân thành Xy-kha và giảng cho họ nghe, họ đã tin Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian (Ga 4,42). Niềm tin này còn mạnh hơn niềm tin Đức Giêsu là một ngôn sứ hay là Đấng Kitô (Ga 4,19.26). Như thế trước đây họ tin Đức Giêsu là Đấng Kitô là nhờ người phụ nữ Samari giới thiệu (Ga 4,29). Còn bây giờ họ tin Đức Giêsu là Đấng Cứu độ trần gian vì đã được Ngài ở lại hai ngày (Ga 4,40).

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ