Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Phục sinh năm A

  • 29/04/2023
  • “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào". (Ga 10,7)

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Phục sinh năm A

     

    Ga 10,1-10

    1. Đọc Ga 10,1-2. Làm sao phân biệt kẻ trộm với người mục tử ?
    2. Đọc Ga 10,3-5. Làm sao phân biệt người lạ với người mục tử ?
    3. Đọc Ga 10,3-5.8. Bạn nghĩ đàn chiên có khôn không ? Tương quan giữa chiên và mục tử thế nào ?
    4. Đọc Ga 10,1-5. Bạn thấy đoạn văn này có phải là một dụ ngôn không ? Đức Giêsu kể ẩn dụ này với mục đích gì ?
    5. Đọc Ga 10,7-10. Trong đoạn văn này, Đức Giêsu nói câu nào hai lần ? Câu này có quan trọng không ?
    6. Đọc Ga 10,8.10a. “Mọi kẻ đến trước tôi” là ai ? Họ làm gì cho đàn chiên ?
    7. So sánh Ga 10,9 và Ga 14,6. Có gì giống nhau không ?
    8. Đọc Ga 10,9. Đức Giêsu nhận mình là Cửa của chuồng chiên. Đàn chiên vào và ra qua cửa chuồng chiên thì được gì ?
    9. Đọc Ga 10,10b. Mục đích của cuộc đời Đức Giêsu là gì ? Bạn hãy tìm trong Tin Mừng Gioan một đoạn văn cho thấy Đức Giêsu là Đấng ban sự sống thân xác, và một đoạn văn cho thấy Đức Giêsu là Đấng ban sự sống vĩnh cửu.

     GỢI Ý SUY NIỆM: Chúa nhật 4 Phục sinh là Chúa Nhật để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Bạn mong ước gì cho tương quan giữa mục tử và con chiên ? Làm sao để mục tử nhớ tên và gọi tên chiên ? Làm sao để chiên nhận ra tiếng mục tử ?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. NgườI mục tử đường đường chính chính đi vào ràn (= chuồng) chiên bằng cửa của ràn này (Ga 10,2). Còn kẻ trộm không dám đi qua cửa mà vào vì sợ người giữ cửa (x. Ga 10,3). Kẻ ăn trộm hay ăn cướp chiên phải tìm lối khác mà vào. Nó phải trèo qua hàng rào bao quanh chuồng để vào (Ga 10,1). Thái độ của kẻ trộm, kẻ cướp rất dễ nhận ra. Đó là thái độ lén lút, sợ bị bắt quả tang, vì họ đang làm điều bất chính. Như thế chính cách vào chuồng chiên cho thấy đó là người mục tử chân chính hay là kẻ trộm cướp. Cửa chuồng chiên là một phương thế giúp phân biệt người ngay, kẻ gian.
    2. Người mục tử cũng khác với người lạ. Người giữ cửa hẳn không mở cửa chuồng chiên cho người lạ vào, nhưng lại mở cửa cho người mục tử (Ga 10,3). Người mục tử và người lạ có tương quan rất khác nhau với đàn chiên. Người mục tử đi qua cửa mà vào trong ràn, gọi tên từng con chiên của mình, rồi dẫn chúng ra. Sau đó anh đi trước chiên và chiên đi theo sau anh. Còn người lạ thì không biết cách gọi đàn chiên, nên anh không có khả năng lôi cuốn đàn chiên đi theo mình. Nói chung, người lạ là người không quen với đàn chiên, và cũng không quen với người giữ cửa.
    3. Người ta thường nghĩ đàn chiên là một đàn vật ngờ nghệch, nhưng trong thực tế, chúng có một khả năng đặc biệt, đó là “nghe tiếng của người mục tử” (Ga 10,3) và “biết tiếng của người ấy” (Ga 10,4). Nhưng chúng lại “không biết tiếng của người lạ” (Ga 10,5), nghĩa là nhận ra tiếng của người lạ không phải là tiếng chủ mình. Điều này khiến chúng sợ hãi và chạy trốn chứ không theo người lạ (Ga 10,5). Còn khi chiên nghe và biết tiếng của chủ, chúng sẽ để chủ dẫn ra, và đi theo chủ đến đồng cỏ (Ga 10,4). Như vậy, giữa người mục tử và người lạ có một điểm khác biệt, đó là tiếng nói, giọng nói, cách gọi tên chiên. Mỗi mục tử có lối gọi đàn chiên của mình khác nhau. Chiên tinh khôn nhận ra tiếng riêng của chủ mình, điều đó tạo ra mối dây thân thiết với chủ. 
    4. Trong Ga 10,7-10 Đức Giêsu nói hai lần: “Chính Tôi là Cửa”, qua Cửa ấy đàn chiên ra vào chuồng chiên. Khẳng định này quan trọng, cùng với những khẳng định khác như Chính Tôi là Bánh (Ga 6,35), là Ánh Sáng (Ga 8,12), là sự Sống Lại và là Sự Sống (Ga 11,25)… Đức Giêsu nhận mình là Cửa của ràn chiên. Muốn đến với chiên, người mục tử đích thật phải đi qua cửa. Ở Ga 10,1 ta đã thấy chỉ kẻ trộm kẻ cướp mới không qua cửa mà vào ràn chiên. Chiên cũng phải đi qua cửa để vào trong ràn, và đi qua cửa để ra đồng cỏ. Cửa là điều thiết yếu mà cả người mục tử và chiên đều coi trọng.
    5. Ở Ga 10,8 Đức Giêsu khẳng định mọi kẻ đến trước Ngài đều là kẻ trộm kẻ cướp, và dĩ nhiên chiên đã không nghe họ. Ai là kẻ đến trước Ngài ? Chắc chắn Đức Giêsu không có ý coi những vị như Abraham, Giacóp, Môsê hay Đavít là những kẻ trộm cướp, làm hại chiên. Abraham và Môsê được Tin Mừng thứ tư nhắc đến với nhiều thiện cảm (Ga 9,56; 5,39.45-47). Như vậy có lẽ Ngài muốn nói đến những nhà lãnh đạo như Hêrôđê, các vị thượng tế, hay những vị lãnh đạo tôn giáo vào thời trước Ngài ít lâu (x. Ga 9,40-41). Họ đã không chăm sóc cho đàn chiên, nhưng đã đến để “ăn trộm, giết hại và phá hủy” cộng đoàn dân Chúa (Ga 10,10).   
    6. Nguyên văn Ga 10,9ab và Ga 14,6 có nhiều nét giống nhau. Gioan 10,9ab: “Chính Tôi là Cửa; nếu ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu…” Gioan 14,6: “Chính Thầy là Đường, và là Sự Thật và là Sự Sống; không ai đến được với Chúa Cha nếu không qua Thầy”. Trong cả hai câu trên, Đức Giêsu khẳng định về mình bằng lối nói “Tôi là” hay “Thầy là” (egô eimi). Ngài dùng những hình ảnh cụ thể “Cửa” và “Đường”. Cả hai câu đều cho thấy tầm quan trọng của con người Ngài: phải qua Ngài mới được cứu, phải qua Ngài mới đến được với Chúa Cha. Ngài là trung gian thiết yếu của ơn cứu độ.
    7. Ràn chiên hay chuồng chiên là nơi an toàn cho đàn chiên lúc ban tối. Buổi tối chiên về chuồng, đi vào qua cửa. Buổi sáng chiên lại được dẫn ra qua cửa để đi tìm thức ăn nơi đồng cỏ. Qua cửa để vào và ra: đó là chuyện bình thường của chiên mỗi ngày, nhờ đó chiên được bảo vệ an toàn và được nuôi ăn. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh này để nói về người tín hữu trong Ga 10,9. Họ là đàn chiên đi vào và đi ra qua Cửa Giêsu.
    8. Mục đích cuộc đời Đức Giêsu được diễn tả ở Ga 10,10b: đem lại sự sống dồi dào cho chiên. Không phải sự sống thuần túy vật chất nhưng chủ yếu là sự sống vĩnh cửu trong tư cách con cái Thiên Chúa (Ga 1,12). Khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, Ngài ban bánh cho sự sống của thân xác (Ga 6,12), nhưng quan trọng hơn là việc Ngài sẽ ban bánh đem lại sự sống vĩnh cửu (Ga 6,50).

     

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ