Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Phục Sinh năm C

  • 06/05/2022
  • Tôi và Chúa Cha là một

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Phục Sinh năm C

     

    1.  Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh nào? xảy ra vào thời gian nào ? Đọc Ga 10, 22-26.

    2.  Làm sao nhận ra ai thuộc về chiên của Chúa? Đọc Ga 10, 27. Đọc thêm Ga 10, 2-4.14. Chiên là hình ảnh của ai?

    3.  Đọc Ga 10, 16. Làm sao nhận ra những con chiên không thuộc về ràn chiên của Chúa? Đức Giêsu có coi chúng là chiên của mình không? Ngài làm gì để đưa chúng về?

    4.  Đọc Ga 10, 28. Đi theo Mục Tử Giêsu, đoàn chiên được gì?

    5.  Đọc Ga 10, 28-29. Chúa Cha và Chúa Giêsu làm chung công việc gì đối với đoàn chiên? Chúa Giêsu đã làm gì để bảo vệ đoàn chiên? Đọc Ga 10, 11.15.17-18. Đọc thêm Ga 21, 18-19.

    6.  Đọc Ga 10, 28-29 và Ga 21, 15-17. Đoàn chiên có phải của Đức Giêsu hay Phêrô không?

    7.  Đọc Ga 10, 29-30. Chúa Cha có mạnh không? Đức Giêsu và Chúa Cha là một như thế nào?

    8.  Theo bạn, đâu là những kẻ thù của đoàn chiên của Thiên Chúa, vào thời Đức Giêsu? Đọc Ga 10, 1-13. Đâu là những kẻ thù ngày nay của đoàn chiên Chúa?

    GỢI Ý SUY NIỆM: Chúa nhật thứ tư Phục sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, dành để cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Bạn thấy có cần cầu nguyện cho ơn thiên triệu ở Việt Nam không?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Bài Tin Mừng này được đặt trong khung cảnh Lễ Cung hiến Đền thờ ở Giêrusalem. Lễ này xảy ra vào mùa đông, kéo dài 8 ngày, để tưởng nhớ việc cung hiến lại Đền thờ vào năm 164, sau khi Đền thờ bị vua Antiôkhô Epiphane làm ô uế (Ga 10, 22). Đức Giêsu đi đi lại lại ở hành lang Salômôn ở phía đông của Đền thờ. Hành lang này thường được coi là nơi giảng dạy và tranh luận (x. Cv 3, 11; 5, 12). Tại đây diễn ra một cuộc tranh luận căng thẳng giữa người Do-thái với Đức Giêsu về việc Ngài có phải là Đấng Kitô hay không (x. Ga 10, 24-25) ? Trước đó đã có cuộc đụng độ giữa đôi bên rồi (x. Ga 10, 19-21).
    2. Gioan 10, 27 nhắc lại những gì đã được nói về tương quan thân thiết giữa chiên và mục tử ở Ga 10, 3-4.14. Mục tử biết tên và gọi tên từng con chiên, ngược lại, chiên có khả năng nghe tiếng mục tử của mình. Khi dẫn đàn chiên ra ngoài, mục tử là người đi trước, đàn chiên theo sau anh, chúng đi theo tiếng của anh. Đức Giêsu ví mình như người Mục Tử tốt lành. Ngài có một đàn chiên. Ngài bảo đó là “chiên của tôi”  (Ga 10, 14.27). Chiên của Ngài là những ai tin vào Ngài. Ai không tin thì không thuộc về đàn chiên này. Chiên của Ngài thì có khả năng nghe và nhận biết tiếng của Ngài, để rồi đi theo Ngài. Các nhà lãnh đạo Do-thái giáo không phải là chiên của Ngài vì họ không tin: “Các ông không tin vì các ông không thuộc về chiên của tôi” (Ga 10, 26).
    3. Trong thực tế, Đức Giêsu nhìn nhận có những con chiên “không thuộc về chiên của tôi” (Ga 10, 26), “không thuộc về ràn này” (Ga 10, 16). Những chiên này không nghe tiếng của Ngài, không theo Ngài, không tin vào Ngài. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn coi chúng là thuộc quyền sở hữu của mình: “Tôi còn  những chiên khác, không thuộc về ràn này” (Ga 10, 16). Như vậy, cả những chiên ngoài ràn của Chúa cũng là chiên của Chúa. Nhiệm vụ của Ngài là đưa chúng vào ràn của Ngài, và giúp chúng nghe được tiếng của Ngài, dù bây giờ chúng chưa nghe (Ga 10, 16). Ước mơ cho đến tận thế của Chúa Giêsu là: “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16).
    4. Đức Giêsu bảo đảm rằng Ngài sẽ ban cho chiên của Ngài sự sống đời đời (Ga 10, 28; x. Ga 10, 10). Sự sống đời đời (zôê) là quà tặng quý giá nhất mà Chúa Giêsu ban cho chiên của Ngài, cho những ai tin và đi theo Ngài. Đó không phải là sự sống chóng qua ở đời này (psykhê). Ai có sự sống đời đời thì không bị diệt vong đời đời (Ga 10, 28), dù họ có thể bị mất sự sống ở đời này. Khi sống trên đời này, đoàn chiên của Chúa Giêsu luôn bị đe dọa: đó là điều Ngài nhắc nhở chúng ta. Luôn luôn có những thế lực xấu xa muốn chống phá và giết hại đoàn chiên. Chúa Giêsu đã từng nói đến chuyện “kẻ trộm đến chỉ để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10, 10). Ngài đã từng nói đến chuyện “sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10, 12). Cuộc chiến giữa người mục tử và các thế lực đe dọa đàn chiên là có thật và rất gay go.
    5. Đàn chiên bị đe dọa bởi kẻ trộm. bởi sói vồ (harpazô), hay có cả người định cướp (harpazô) chiên khỏi bàn tay của Chúa Giêsu (Ga 10, 10.12.28). Chúa Giêsu sẽ phải cố giựt lại, thậm chí “hy sinh mạng sống mình” vì chiên (Ga 10, 11.15.17.18). Qua Ga 10, 29 ta thấy cả Chúa Cha cũng lo bảo vệ đàn chiên trong bàn tay Ngài. Ngài làm cùng một việc như Chúa Giêsu: “Không ai có thể cướp chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10, 29). Như thế đàn chiên là quý trước mắt Thiên Chúa, đến nỗi Con Thiên Chúa dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Phêrô, người được Chúa Giêsu phục sinh trao trách nhiệm coi sóc đàn chiên, cũng phải chấp nhận cái chết như Thầy mình, chết vì đàn chiên (Ga 21, 18-19).
    6. Đức Giêsu khẳng định đàn chiên là “chiên của tôi” (Ga 10, 14.27). Và khi trao quyền mục tử cho Phêrô, Ngài cũng nói: “Anh hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 15.16.17). Đức Giêsu nhận mình là Mục tử của đàn chiên (Ga 10, 11). Tuy nhiên, đàn chiên thật là chiên của Chúa Cha, là món quà Cha tặng cho Chúa Giêsu. Cha là “Đấng đã ban chúng cho tôi” (Ga 10, 29). Chính vì thế, chiên ở trong bàn tay Cha, và Cha cũng lo bảo vệ chiên.
    7. Trong Ga 10, 29-30 Đức Giêsu còn khẳng định tương quan giữa mình với Chúa Cha. “Cha là Đấng lớn hơn tất cả” (Ga 10, 29). Ngài nhìn nhận vị trí siêu việt của Chúa Cha. Trong tư cách là Ngôi Lời làm người, Đức Giêsu nhìn nhận Chúa Cha lớn hơn mình (Ga 14, 28; Hr 2, 9). Nhưng Đức Giêsu cũng khẳng định: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30). Đó không phải chỉ là sự hiệp nhất vì Cha và Con cùng làm chung một việc cho đàn chiên. Đó là sự hiệp nhất trong bản tính thần linh: Cha và Con có chung một thần tính duy nhất, Cha và Con là hai ngôi vị của cùng một Thiên Chúa.
    8. Sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, và gặp nhiều bách hại, được kể trong sách Công vụ Tông đồ. Bách hại đến từ những người Do-thái không tin Chúa Giêsu, coi các kitô hữu như những kẻ rối đạo. Sau này Kitô giáo vẫn gặp muôn vàn cuộc bách hại, dưới đủ mọi hình thức. Nhưng Kitô giáo còn bị đe dọa bởi sự chia rẽ bên trong. Hội thánh không còn sự hiệp nhất như ý Chúa muốn (Ga 17). Những đe dọa xưa cũng là những đe dọa muôn thuở.

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ