Lời Chúa:
1Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
4Giảng xong, Người bảo ông Simôn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá."5Ông Simôn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." 6Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
8Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" 9Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. 10Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Simôn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." 11Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Học hỏi:
1. Đọc Lc 5,5. Hãy tưởng tượng những lý do khiến Simôn ngần ngại khi Thầy Giêsu bảo ông ra chỗ nước sâu mà thả lưới.
2. Simon nói: Dựa vào lời Thầy, con sẽ thả lưới (câu 5). Hãy đọc Luca 4,31-41 và cho biết Simon đã có kinh nghiệm gì về sức mạnh của lời Thầy Giêsu.
3. Tại sao mẻ cá trong bài Tin Mừng này là mẻ cá lạ lùng? So sánh chuyện mẻ cá lạ ở Lc 5,1-11 với mẻ cá lạ ở Ga 21,1-11. Bạn hãy liệt kê những điểm giống nhau và những điểm khác nhau giữa đôi bên.
4. Tại sao khi có được mẻ cá lạ, Simon lại kinh ngạc và thấy mình là kẻ tội lỗi? Simon có mâu thuẫn không khi ông sấp mặt dưới chân Chúa Giêsu mà lại nói : “Xin Chúa tránh xa con!” ?
5. Có ai khi được Thiên Chúa kêu gọi mà thấy mình tội lỗi bất xứng không? Đọc Xuất hành 3,5-6; Isaia 6,5; Êdêkien 1,28.
6. Khi Simon nhận mình là tội nhân và xin Chúa tránh xa thì Chúa bảo ông làm gì? Bắt người và bắt cá có khác nhau không? Đọc Lc 5,10.
7. Trong bài Tin Mừng này Thầy Giêsu chỉ đưa ra hai mệnh lệnh cho Simon? Theo bạn, mệnh lệnh nào khó hơn?
9. Đọc Lc 5,11. Bạn có nể thái độ từ bỏ tất cả của Simon không? Đọc Lc 5,28; 14,33; 18,22-23.28.
GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Nếu bạn là một giáo dân, bạn học được gì từ thái độ của Si-môn qua bài Tin Mừng này? Điều gì trong bài này đã đánh động trái tim bạn ?
PHẦN TRẢ LỜI
Hẳn Thầy Giêsu đã nói chuyện với Si-môn trước khi xuống thuyền của ông. Ngài đã xin ông chèo ra xa bờ một chút, để rồi từ thuyền Ngài giảng cho dân chúng đứng trên bờ (Lc 5,3). Bây giờ Thầy Giêsu đòi Si-môn làm một điều khác: “Anh hãy chèo ra chỗ nước sâu, và các anh hãy thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Như thế Si-môn phải chèo ra xa hơn nhiều, và thả chiếc lưới mà ông và các bạn đang giặt. Mệnh lệnh này của Thầy Giêsu không hề dễ thực hiện đối với Si-môn vì nhiều lý do: + lưới đã được giặt, chuẩn bị phơi + “Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì!” (Lc 5,5). Kinh nghiệm của một người đánh cá chuyên nghiệp cho thấy, nếu không bắt được cá ban đêm, thì rất khó bắt được cá ban ngày + Si-môn và các bạn ông đã thấm mệt vì họ đã “vất vả suốt đêm,” bây giờ họ chỉ muốn được nghỉ thôi.
Dù Si-môn gặp nhiều khó khăn về tâm lý và thể lý, nhưng ông vẫn vâng phục lời của Thầy: “theo lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Lý do là ông đã từng có kinh nghiệm về sức mạnh và quyền năng của lời Thầy. Ông đã từng nghe Thầy Giêsu giảng dạy với uy quyền ở hội đường Caphácnaum (Lc 4,32), và Thầy đã đuổi thần ô uế chỉ bằng một lời ngăm đe (Lc 4,33-36). Si-môn cũng có kinh nghiệm về việc Thầy chữa bệnh cho bà mẹ vợ của mình. Thầy cũng dùng lời mà ngăm đe cơn sốt (Lc 4,39) như thầy đã ngăm đe thần ô uế (Lc 4,35.41b). Quyền uy và quyền năng của lời Thầy Giêsu là điều mà Si-môn đã có kinh nghiệm cá nhân. Chính vì thế, khi Thầy sai ông chèo thuyền ra chỗ nước sâu xa bờ để đánh cá, ông dễ đón nhận hơn.
Mẻ cá trong bài Tin Mừng này là mẻ cá rất lạ lùng đối với các ông vì nhiều lý do. Một mẻ cá bất ngờ, ngược với kinh nghiệm của dân chài, vì nó diễn ra vào giữa ban ngày, sau một đêm không bắt được con nào. Một mẻ cá không cần nỗ lực, ngược với bao vất vả nhọc nhằn của đêm hôm trước. Một mẻ cá lớn kinh khủng, hiếm có, nhiều cá đến nỗi hầu như rách lưới, đổ đầy hai thuyền gần chìm (Lc 5,7). Mẻ cá ở Lc 5,1-11 và mẻ cá ở Ga 21,1-11 có những điểm giống nhau và khác nhau. Trong cả hai trình thuật, đều có một nhóm các ông (Lc 5,7.9.10; Ga 21,2). Thầy Giêsu được gọi là Chúa (Lc 5,8; Ga 21,7). Đêm trước họ có đánh bắt cá nhưng không được con nào (Lc 5,5; Ga 21,3). Các môn đệ đã vâng lời Thầy nghiêm chỉnh (Lc 5,5-6; Ga 21,6). Hai mẻ cá đánh được đều lớn kinh khủng, nhưng lưới không rách (Lc 5,6-7; Ga 21,6.8.11). Si-môn Phêrô đóng vai trò quan trọng trong cả hai trình thuật của Luca và Gioan. Tuy nhiên, cũng có những điểm khác nhau. Các ông ngư phủ ở Luca 5 thì chưa phải là môn đệ của Thầy Giêsu, còn trong Gioan 21, các ông này đã là môn đệ rồi. Chúa Giêsu ở Luca 5 thì chưa phải là Chúa Giêsu phục sinh như trong Gioan 21.
Khi thấy mẻ cá lớn lao, bất ngờ và dễ dàng, Si-môn lập tức nhận ra Đức Giêsu, người đang ở trong thuyền của mình, là ai. Ông phủ phục dưới đầu gối của Ngài, không gọi Ngài là Thầy nữa (epistáta, Lc 5,5), nhưng là Chúa (kúrie, Lc 5,8). Chính lúc ông nhận ra sự cao cả, thánh thiêng của Ngài thì ông cũng nhận ra sự nhỏ bé, tội lỗi, bất xứng của mình. “Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Có người nghĩ rằng Si-môn mâu thuẫn khi vừa quỳ dưới chân Chúa Giêsu, lại vừa xin Chúa tránh xa mình. Thật ra không có gì là mâu thuẫn trong thái độ của Si-môn trước Đức Giêsu. Sự cao cả thánh thiêng của Ngài khiến ông bị thu hút để đến gần chiêm ngưỡng, nhưng khi đến gần, ông lại thấy mình tội lỗi, bất xứng, nên xin Ngài tránh xa mình.
Chúng ta sẽ không lấy làm lạ trước thái độ của Si-môn nếu ta đọc những trình thuật về ơn gọi của các ngôn sứ. Khi ông Môsê được Thiên Chúa tỏ mình nơi bụi gai bốc cháy, ông đã “che mặt đi vì sợ nhìn Thiên Chúa” (Xh 3,5-6). Khi ngôn sứ Isaia thấy Đức Chúa trong Đền thờ thì nhận ra mình là người có môi miệng ô uế, sau đó miệng ông được tẩy uế bằng than hồng (Is 6,5-8). Khi ngôn sứ Êdêkien thấy vinh quang của Đức Chúa, ông “liền sấp mặt xuống” (Ed 1,28).
Khi Si-môn xin Chúa tránh xa mình, vì thấy mình bất xứng tội lỗi trước Đấng thánh thiêng, thì Chúa đã trấn an ông: “Anh đừng sợ.” Chúa còn cho anh một cuộc đổi đời, mở đời anh sang một trang mới: “Từ nay, anh sẽ là kẻ bắt sống người ta” (Lc 5,10). Trước đây anh làm nghề đánh bắt cá, bây giờ anh được gọi để làm nghề bắt sống người ta. Động từ “bắt sống” (zôgrein) ở đây có nghĩa là bắt nhưng không được làm cho chết. Trước đây “cá” là mục tiêu của ông để kiếm ăn, bây giờ “con người” là mục tiêu để ông phục vụ.
Trong bài Tin Mừng, Thầy Giêsu đưa ra hai mệnh lệnh rõ ràng cho Si-môn: “chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá”, và “từ nay anh sẽ là người bắt sống người ta” (Lc 5,4.10). Cả hai mệnh lệnh đều khó thực hiện, nhưng có thể nói mệnh lệnh sau khó hơn, vì đòi một thay đổi toàn diện.
Tuy nhiên,nếu không vâng phục mệnh lệnh trước, thì không có mệnh lệnh sau.
Khi thuyền vào đất liền, các anh ngư phủ đã từ bỏ tất cả và theo Đức Giêsu. Bỏ tất cả là bỏ nghề nghiệp, thuyền bè, lưới, cả con thuyền đầy cá mới bắt được. Bỏ tất cả là bỏ gia đình, vợ con, người thân… Bỏ cả hồ Galilê đầy cá, để đi theo một vị Thầy trên đất liền. Chấp nhận không còn gì để nương tựa, cả về mặt tài chánh lẫn tình cảm. Thánh Luca thích nhấn mạnh đến thái độ từ bỏ tận căn này (Lc 5,28; 14,33; 18,22-23.28).
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,523,644