Lời Chúa:
39Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? 42Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!
43"Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! 45Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.
Học hỏi:
- Đọc Lc 6,39. Đức Giêsu đòi người lãnh đạo trong cộng đoàn phải là người thế nào? Người lãnh đạo bị mù sẽ đưa đến hậu quả nào?
- Đọc Lc 6,40. Theo bạn, thầy ở đây có thể hiểu về ai? Chúng ta làm gì để được giống như thầy?
- Có mấy từ người anh em của anh trong Lc 6,41-42? Người anh em ở đây là ai?
- Khi đọc Lc 6,41-42 bạn thấy Đức Giêsu đang dùng kiểu nói nào để diễn tả?
- Đọc Lc 6,41. Câu hỏi này của Đức Giêsu nhắc ta điều gì? Thấy mình, biết mình có khó không?
- Đọc Lc 6,42. Đức Giêsu đề nghị chúng ta cần theo tiến trình nào nếu muốn sửa lỗi cho anh em?
- Đọc Lc 6,43-44. Hai câu này cho biết điều gì? Cây và quả tượng trưng cho điều gì?
- Đọc Lc 6,45. Người tốt thì sản sinh ra cái tốt từ kho tàng tốt của trái tim mình. Và người xấu thì sản sinh ra cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Vậy theo bạn, để sản sinh ra cái tốt hay trái tốt, ta cần phải làm gì?
GỢI Ý SUY NIỆM: “Vì tim có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Theo bạn, câu nói trên có diễn tả tương quan giữa trái tim (cái tâm) với lời nói từ miệng con người không? Nếu đổi lời nói, thì tim có đổi được không?
PHẦN TRẢ LỜI
- Trong Tin Mừng Mát-thêu 15,14, ta cũng nghe Đức Giêsu nói một câu tương tự với những người Pharisêu, câu này khá giống với Lc 6,39. Vậy Lc 6,39 có thể nhắm đến người Pharisêu, nhưng cũng có thể nhắm đến các môn đệ là những người lãnh đạo các cộng đoàn kitô hữu. Người lãnh đạo là người dẫn đường cho người khác. Điều kiện để làm người có khả năng dẫn đường là sáng mắt, vì không sáng mắt thì không thấy đường, nên cũng không thể dẫn đường (hodêgein). Khi một người mù mà dẫn đường, thì cả người ấy và kẻ được người ấy hướng dẫn đều có thể ngã xuống hố. Kẻ được hướng dẫn không đủ trình độ để nhận ra sự mù lòa của người đang hướng dẫn mình. Sự mù lòa ở đây không phải là mù con mắt thể lý, nhưng là mù con mắt của tâm linh. Người mù là người không có khả năng mở con mắt tâm linh ra để thấy sự thật về Đức Giêsu, không sáng suốt để thấy ý nghĩa của các hành động và giáo huấn của Ngài.
- Trong bối cảnh Đức Giêsu đang giảng cho các môn đệ trên một mảnh đất bằng (Lc 6,17), ta có thể hiểu vị thầy được nói đến ở Lc 6,40 là chính Thầy Giêsu. Thầy Giêsu khẳng định môn đệ thì không hơn thầy, vì họ không thể có sự hiểu biết sâu và rộng như thầy. Hơn nữa, khoảng cách giữa Thầy Giêsu và các môn đệ là vô cùng lớn, vì Ngài là Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32) theo nghĩa hoàn toàn khác với các môn đệ (Lc 6,35). Tuy nhiên, nếu các môn đệ được thụ giáo với Thầy Giêsu, được Thầy huấn luyện nghiêm chỉnh, thì sẽ trở nên giống Thầy. Thánh Phaolô hay nói: Anh em hãy noi gương tôi, như tôi noi gương Đức Kitô (1 Cr 11,1; 4,16).
- Trong Lc 6,41-42 cụm từ “người anh em của anh” được dùng ba lần. Người anh em là người trong cùng cộng đoàn tín hữu, cùng là môn đệ của Chúa như tôi. Họ là anh em của tôi. Tôi thấy mình gắn bó thân thiết với người ấy, và phần nào chịu trách nhiệm về người ấy. Bởi đó tôi thấy mình phải góp ý sửa lỗi cho người anh em này.
- Đức Giêsu đã dùng lối ngoại ngữ để làm nổi bật lên thái độ của tôi đối với người anh em đang có khuyết điểm. Ngài ví một lỗi nhỏ của người anh em với cọng rơm ở trong mắt anh ấy. Ngài ví một tội lớn của tôi với cái xà ở trong mắt tôi. Dĩ nhiên cái xà không thể nào ở trong mắt được, nhưng lạ thay, cái xà rất to ở trong mắt tôi, vậy mà tôi không thấy. Ngược lại, cọng rơm nhỏ xíu trong mắt anh em tôi, tôi lại thấy rõ ràng. Đức Giêsu dùng những hình ảnh đối chọi nhau để cho ta thấy thái độ vô lý, không thể hiểu nổi ở nơi lòng con người.
- Luca 6,41 là một câu hỏi tại sao có phần ngạc nhiên của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Tại sao thấy cọng rơm nhỏ nơi mắt người anh em của mình mà lại không để ý cái xà lớn nơi mắt của chính mình? Cọng rơm thì khó thấy, vậy mà ta thấy, còn cái xà lớn nơi mắt mình dễ thấy hơn, ta lại không nhận ra. Câu hỏi của Đức Giêsu làm chúng ta bất ngờ nhận ra thái độ thiên lệch nơi lòng mình. Thấy lỗi người khác thì dễ, nhưng thấy lỗi mình thì khó hơn, vì ta thường không muốn thấy. Thấy cọng rơm nơi mắt anh em không phải là điều xấu, nhưng đừng quên thấy cái xà lớn trong mắt mình.
- Luca 6,42 lại là một câu hỏi ngạc nhiên nữa của Đức Giêsu trước lời đề nghị của ta với người anh em: “Anh hãy để tôi lấy cọng rơm khỏi mắt anh!” trong khi cái xà vẫn đang ở trong mắt mình. Đức Giêsu gọi đây là thái độ đạo đức giả. Và Ngài chỉ cho ta biết phải theo tiến trình nào: trước hết phải lấy cái xà khỏi mắt mình, để khi mắt thấy rõ mới lấy cọng rơm trong mắt anh em. Đây là một lời khuyên hợp tình hợp lý, có đôi chút hài hước. Đức Giêsu không bảo chúng ta đừng sửa lỗi anh em, hay đừng giúp họ ra khỏi tật xấu của họ, nhưng Ngài mời chúng ta tu thân, tự phê, sửa lỗi mình trước đã, rồi mới sửa lỗi anh em. Nói chung, khi sửa lỗi anh em, chúng ta không nên quên rằng mình cũng có lỗi, thậm chí lỗi lớn hơn, từ đó có thái độ khiêm tốn. Lấy xà ra khỏi mắt mình không phải là chuyện dễ. Đôi khi ta cần xin anh em giúp ta làm điều mà tự ta không làm được.
- Qua Luca 6,43-44 Đức Giêsu cho thấy có một tương quan chặt chẽ giữa cây và quả (= trái). Cây nào cho quả nấy. Cây tốt cho quả tốt, cây xấu cho quả xấu, bụi gai không cho trái vả, bụi rậm không cho trái nho. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh trên đây để kết luận: cứ xem quả thì biết cây. Đây là một cách phân định để nhận ra phẩm chất thật sự của cây. Có thể coi “cây” như cái gì thuộc phần thâm sâu bên trong lòng con người, không dễ nhận ra. Để nhận ra cái thâm sâu đó thì cần dựa vào những biểu hiện bên ngoài. Tuy nhiên, lối phân định này tuy chính xác, nhưng cũng cần được bổ sung bằng những lối phân định khác, để có sự chắc chắn hơn.
- Người thời xưa coi trái tim con người (= lòng) là trung tâm của đời sống nội tâm của con người. Trái tim có một cái kho (thêsauros). Người tốt thì sinh ra điều tốt từ cái kho tốt của trái tim. Người xấu thì sinh ra điều xấu từ cái kho xấu của trái tim (Lc 6,45). Như thế có thể nói kho của trái tim ví như cái cây, còn những biểu hiện ra bên ngoài là quả. Một trong những biểu hiện là lời nói từ miệng một người. Chỉ cần nghe lời nói của một người, ta có thể biết trái tim của người ấy. Khi biến đổi trái tim, lời nói của ta cũng thay đổi. Ngược lại, khi lời nói trở nên tốt lành, trái tim cũng chịu ảnh hưởng theo.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
Nguồn: tgpsaigon.net