Học hỏi Phúc âm: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

  • 06/06/2022
  • "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em".

     

    Lời Chúa

    19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em".  22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

    Học hỏi

    HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG NĂM C Ga 20, 19-23.

    1. Các môn đệ đóng cửa vì sợ “người Do-thái”. “Người Do-thái” ở đây để chỉ ai? Tại sao lại sợ họ? Đọc Ga 9, 22.34; 12, 42; 16, 2.

    2. Tại sao Chúa Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn? Đọc Ga 20, 20; Lc 24, 39-40. Ông Tôma có đòi gì khác không? Đọc Ga 20, 25.27.

    3. Hãy chứng minh là trong bốn sách Phúc âm, Chúa Giêsu phục sinh luôn sai các môn đệ lên đường rao giảng Tin Mừng.

    4. “Như Cha đã sai phái Thầy, Thầy cũng sai phái anh em”. Bạn suy nghĩ gì từ câu nói trên của Chúa Giêsu?

    5. Trong Phúc âm Gioan, ai là Đấng sai Thánh Thần (= Thần Khí, Đấng Bảo Trợ) đến với chúng ta? Đọc Ga 14, 16.26; 15, 26; 16, 7; 20, 22.

    6. Đọc Gioan 7, 39. Khi nào thì Thần Khí (=Thánh Thần) được trao ban? Đọc thêm Ga 20, 22.

    7. Đọc Ga 20, 22-23. Có liên hệ gì giữa Thánh Thần và ơn tha tội không?

    8. Hãy cho thấy Chúa Thánh Thần là Đấng “khiêm tốn”. Đọc Ga 14, 26; 15, 26-27; 16, 13-15.

    GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Bạn có tương quan thân thiết với Chúa Thánh Thần không ? Bạn có thường xin Ngài soi sáng và ban sức mạnh không? Bạn có kinh nghiệm gì về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời bạn, trong gia đình hay nhóm của bạn?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Các môn đệ đóng cửa vì sợ “người Do-thái”. “Người Do-thái” ở đây để chỉ những nhà lãnh đạo Do-thái giáo, cụ thể là các thượng tế và nhóm Pharisêu (Ga 18, 3; 19, 21), đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu. Tuy Philatô là người bắt Đức Giêsu chịu đóng đinh, nhưng một số các nhà lãnh đạo Do-thái giáo phải chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài. Các môn đệ sợ những kẻ đã giết Thầy mình thì cũng có thể cho mình chịu chung số phận. Các môn đệ Chúa Giêsu sợ bị trục xuất khỏi hội đường, không được tham dự các nghi lễ của ngày sa-bát nữa (Ga 9, 22.34; 12, 42; 16, 2).
    2. Chúa Giêsu phục sinh, sau khi chúc bình an, liền cho các môn đệ xem hai tay và cạnh sườn (Ga 20, 20), còn trong Lc 24, 39-40, Ngài cho họ xem hai tay và hai chân. Tay chân là những chỗ mang dấu đinh và cạnh sườn là chỗ bị người lính lấy giáo đâm (Ga 19, 34). Khi cho các ông xem những dấu vết nơi tay chân và cạnh sườn, Chúa Giêsu muốn cho họ biết Đấng đang đứng trước mặt họ chính là Đấng đã chịu đóng đinh. Ngài đã chết và nay đã sống lại. Ông Tôma vắng mặt khi Chúa phục sinh hiện ra với các ông lần đầu. Ông không tin lời chứng của các môn đệ khác, và đòi phải có kinh nghiệm như các bạn của ông. Chẳng những ông đòi thấy các dấu đinh ở tay Chúa như các bạn, mà còn muốn chạm vào bằng ngón tay, và muốn đặt cả bàn tay của mình vào cạnh sườn Chúa (Ga 20, 25). Chúa đã hiện ra vào tuần sau để chiều ông (Ga 20, 27).
    3. Chúa phục sinh hiện ra để làm kiên vững đức tin của các môn đệ sau biến cố thập giá, và chữa lành sự phản bội của họ. Hơn nữa, Ngài hiện ra để sai họ lên đường. Cả bốn sách Phúc Âm đều thuật lại việc Chúa trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho họ. Chúa sai họ đến với muôn dân để làm chứng (Lc 24, 47-48), làm phép rửa và dạy dỗ (Mt 28, 18-20). Trong Phúc Âm Mác-cô, Chúa sai họ đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo, và ban phép Rửa (Mc 16, 15-16). Trong Phúc Âm Gioan, Chúa Giêsu sai phái các môn đệ như Chúa Cha đã sai phái Ngài (Ga 20, 21). Nói chung, khi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng của mình ở trần thế và trở về với Cha, Ngài muốn các môn đệ tiếp nối công việc của mình, không chỉ ở nước Do-thái, mà trên toàn thế giới.
    4. Qua câu nói của Chúa Giê su phục sinh: “Như Chúa Cha đã sai phái Thầy, Thầy cũng sai phái anh em” (Ga 20, 21; x. Ga 15, 16; 17, 18), ta thấy chỉ có một sứ mạng bắt nguồn từ Chúa Cha, đến với Chúa Giêsu, rồi đến với chúng ta, để chúng ta được sai vào thế gian. Như thế chỉ có một sứ mạng duy nhất đến từ Thiên Chúa. Chúng ta hân hạnh được tham dự vào sứ mạng của Chúa Cha, cũng là sứ mạng của Chúa Giêsu. Trên thập giá, trước khi gục đầu trao sinh khí, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19, 30). Quả thật Ngài đã hoàn tất phần công việc Cha giao cho Ngài, nhưng công việc loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới chỉ mới bắt đầu. Chúa Giêsu ủy thác công việc ấy cho chúng ta hôm nay. Hơn nữa, Ngài còn ban cho ta Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ để giúp ta “làm chứng về Thầy” (Ga 20, 22; 15, 26-27).
    5. Trong Phúc âm Gioan, dường như có một sự tiến triển về vai trò của Chúa Giêsu trong việc ban Thánh Thần (= Đấng Bảo Trợ = Thần Khí). Trong Ga 14, 16, Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bảo Trợ. Trong Ga 14, 26 Chúa Cha sai phái Đấng Bảo Trợ đến nhân danh Chúa Giêsu. Còn trong Ga 15, 26 Chúa Giêsu sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến từ nơi Chúa Cha. Trong Ga 16, 7 đơn giản là Chúa Giêsu sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em sau khi Ngài ra đi. Cuối cùng, Chúa Giêsu phục sinh đã thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Ta thấy càng lúc vai trò của Chúa Giêsu càng quan trọng hơn trong việc sai Thánh Thần đến với các môn đệ.
    6. Trong Phúc Âm Gioan, Thần Khí (=Thánh Thần) chỉ được trao ban khi Chúa Giêsu được tôn vinh (Ga 7, 39), nghĩa là sau khi Chúa Giêsu chết và phục sinh. Chính vì thế khi Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài đã thổi hơi thở của mình trên họ và nói “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Trong Phúc Âm Luca, ta lại thấy một cái nhìn khác. Ngay từ đầu đã có nhiều nhân vật được “đầy Thánh Thần”, như Đức Maria, Gioan Tẩy giả, bà Êlisabét, ông Dacaria, và ngôn sứ Simêôn (Lc 1, 15.35.41.67; 2, 25).
    7. Chúa phục sinh trao cho các tông đồ quyền tha tội để hòa giải con người với Thiên Chúa (Ga 20, 23). Các giám mục kế vị các tông đồ, và các linh mục là những người cộng tác với các giám mục, được quyền hòa giải này. Bí tích Giải tội hay bí tích Hòa giải bắt nguồn từ Chúa Cha. Chúa Cha sai Chúa Con đến hòa giải thế gian với mình qua cái chết và sự phục sinh. Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến để ban ơn tha tội (Ga 20, 22-23).
    8. Chúa Thánh Thần đóng vai trò “khiêm tốn”. Ngài giúp các môn đệ nhớ lại những điều Thầy Giêsu đã nói (Ga 14, 26). Ngài làm chứng về Thầy (Ga 15, 26). Ngài sẽ tôn vinh Thầy và sẽ loan báo cho họ những gì là của Thầy (Ga 16, 13-15). Nói chung, những việc Thánh Thần làm là để giúp người tín hữu đến với Chúa Giêsu.

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ