Hoàng đế Au-gút-tô là ai? Tại sao ông lại truyền kiểm tra dân số trong Đế quốc Rôma?
Đọc Lc 2,3-4. Tại sao Giuse phải đi từ Nadarét lên Bêlem là thành của vua Đa-vít để đăng ký? Đọc Lc 2,5, bạn có thấy gì lạ không?
Đọc Lc 2,6-7. Bạn thấy hoàn cảnh Hài Nhi Giêsu mới sinh ra có nét nào giống chúng ta không? Có nét nào thua kém chúng ta không?
Đọc Lc 2,8-12. Một vị thiên sứ đã đến báo tin mừng lớn cho các mục đồng. Vị ấy đã báo tin gì? Tại sao lại báo cho các mục đồng? Đâu là dấu hiệu vị thiên sứ ấy giúp cho các mục đồng nhận ra Đấng mới sinh ra?
Đọc Lc 2,13-14. Bạn thích lối dịch nào hơn: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” hay “Bình an dưới thế cho những người Chúa thương”?
Đọc Lc 2,15-20. Những người chăn chiên đã làm gì sau khi các thiên sứ về trời?
Đọc Lc 2,18-19. Đâu là phản ứng của những người nghe câu chuyện của các người chăn chiên? Đâu là thái độ của Maria?
GỢI Ý SUY NIỆM: Chiêm ngắm sự nghèo khó và khiêm tốn của Con Thiên Chúa làm người qua bài Tin Mừng này. Bạn có cảm được sự lúng túng và bối rối của đôi vợ chồng trẻ Maria và Giuse khi phải sinh con trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn? Bạn có cảm được niềm vui của những người chăn chiên không?
PHẦN TRẢ LỜI
Vào năm 63 trước công nguyên, tướng Rôma là Pompey đánh chiếm Giêrusalem. Từ đó đất Israel ở dưới quyền đô hộ của Rôma. Octavian là một hoàng đế của đế quốc Rôma. Năm 27 trước công nguyên, Octavian được Nghị Viện Rôma (Senatus) ban cho tước hiệu Au-gút-tô, nên ông được gọi là hoàng đế Au-gút-tô. Triều đại của ông kéo dài đến tận năm 14 sau công nguyên. Đây là một thời gian dài đế quốc được sống trong hòa bình, được gọi là Pax Romana. Au-gút-tô tự xưng mình là con của một vị thần (divi filius), và ông cũng được coi như một vị “thần,” như một “đấng cứu độ.”
Au-gút-tô truyền kiểm tra dân số có thể vì mục tiêu thu thuế, nhưng cũng có thể vì ông muốn nắm bắt số người trung thành với ông trong đế quốc Rôma. Sử gia Josephus có nhắc đến một cuộc kiểm tra về thuế do ông Qui-ri-ni-ô, tổng trấn xứ Xy-ri-a, vào năm 6 hay 7 sau công nguyên. Còn cuộc kiểm tra được nói đến trong Tin Mừng Luca lại xảy ra vào năm 6 hay 7 trước công nguyên. Vậy có thể đây là một cuộc kiểm tra khác.
Cuộc kiểm tra này đòi cả gia đình, kể cả phụ nữ, phải trở về quê quán để đăng ký (x. Ét-ra 2). Vì Giuse thuộc gia tộc và dòng dõi vua Đa-vít (Lc 1,27) nên ông phải cùng với Maria đi từ Nadarét thuộc vùng Galilê để đến Bê-lem thuộc vùng Giu-đa. Bê-lem là quê quán của Đa-vít, là nơi anh Đa-vít chăn chiên được ông Samuel xức dầu phong vương (1 Sm 16,1-13). Cả hai thánh sử Mát-thêu và Luca đều coi Bê-lem là nơi Đức Giêsu được hạ sinh (Mt 2,5.6.8; Lc 2,4). Nên lưu ý đến lối viết đặc biệt của thánh Luca: Giuse đi đăng ký với “Maria, người đã được đính hôn với ông, đang mang thai” (Lc 2,5). Rõ ràng thánh sử Luca muốn nhấn mạnh đến việc thụ thai đồng trinh của Đức Maria. Dù bây giờ Maria đã về chung sống với Giuse, đã thành hôn với Giuse, nhưng Luca vẫn muốn nhắc đến việc Maria đã mang thai từ khi mới đính hôn với Giuse (Lc 1,27).
Sau khi ở với bà Êlisabét khoảng ba tháng, Maria đã trở về nhà mình với đứa con ba tháng tuổi trong bụng (Lc 1,56). Không rõ bao lâu sau thì Giuse đưa Maria về chung sống, rồi cùng nhau đi Bê-lem để lo thủ tục kiểm tra. Chỉ biết Maria đã sinh con trong thời gian ở Bê-lem. Giêsu là con trai đầu lòng của đôi vợ chồng. Người Con này là Đức Chúa, là Đấng Kitô, là Đấng Cứu độ (Lc 2,11; 1,43), là Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32), là Con Thiên Chúa (Lc 1,35). Người Con này là một vị Vua thuộc dòng tộc Đa-vít, sẽ trị vì vương quốc Israel và ngồi trên ngai vàng mãi mãi (Lc 1,32-33).
Hiển nhiên đây là một Đấng hết sức cao cả (Lc 1,32), Đấng Thánh (Lc 1,35). Nhưng đấng này có nhiều nét giống chúng ta: được cưu mang như ta, được sinh ra từ một phụ nữ, được mẹ quấn tã cho khỏi lạnh. Đấng này còn bị đặt nằm trong máng ăn của các con vật, vì không có chỗ trong phòng dành cho khách (Lc 2,7). Trong một căn nhà ở vùng Giuđê thời đó, thường có “phòng dành cho khách” (katalyma; x. Lc 22,11; Mc 14,14. Còn “nhà trọ” hay”quán trọ” thì Luca 10,34 dùng từ pandokheion). Có thể vì không còn chỗ trong phòng khách, nên Thánh Gia phải ở nơi chuồng bò, đây cũng là một phần của căn nhà. Tại đó Đức Giêsu được sinh ra và được đặt nằm trong máng ăn của súc vật.
Trước hết có một vị thiên sứ hiện ra với các mục đồng giữa đêm trường, khi họ canh giữ đàn vật. Vị này báo tin mừng về sự sinh ra của Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô và là Đức Chúa (Lc 2,11). Đấng cao trọng ấy mới sinh tại Bê-lem, thành của vua Đa-vít. Vị này còn cho họ một dấu hiệu quá đỗi tầm thường để nhận ra Đấng ấy: một trẻ sơ sinh, được bọc tã, nằm trong máng cỏ (Lc 2,12). Các mục đồng đã tin lời vị thiên sứ bằng một niềm tin đơn sơ (Lc 2,15-16). Dù bị coi là thấp kém trong xã hội, nhưng họ lại là những người đầu tiên được Thiên Chúa chọn để được nghe Tin Mừng và được thấy mặt Đấng Cứu thế.
Cùng với vị thiên sứ này, đột nhiên xuất hiện cả một đạo binh thiên sứ vang lời ca ngợi Thiên Chúa. Lời ca của họ là hai câu đầu của Kinh Vinh Danh đọc trong Thánh Lễ. “Vinh quang cho Thiên Chúa trên trời” đối lại với “bình an cho con người dưới đất.” Con người (số nhiều) ở đây là ai? Đó là những người mà Thiên Chúa thương mến và ban ơn (eudokia). Đó cũng là những người đã đón nhận ơn Chúa, sống đẹp lòng Thiên Chúa với thiện tâm. Hai lối dịch đều chấp nhận được.
Sau khi các thiên sứ về trời, những người chăn chiên hối hả sang Bê-lem, gặp thấy dấu chỉ như đã được báo, rồi họ kể lại cho mọi người ở đó những lời vị thiên sứ đã nói với họ về Hài Nhi (Lc 2,17). Sau đó họ ra về, vui sướng ca tụng Thiên Chúa vì những kinh nghiệm độc đáo họ mới trải qua (Lc 2,20).
Những ai nghe đều kinh ngạc trước câu chuyện lạ lùng của các người chăn chiên: chuyện một vị thiên sứ báo tin vui và cho dấu hiệu, rồi chuyện cả đoàn thiên sứ hợp xướng… Còn Maria không chỉ kinh ngạc, mà còn ghi nhớ mọi chuyện đó và nghiền ngẫm chúng trong trái tim mình. Đây là thái độ cung kính của người đứng trước mầu nhiệm (x. Lc 2,51).
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,523,740