Ngày 31/07: thánh Ignatiô Loyôla, linh mục

  • 13/09/2022
  • Ignatio sinh tại lâu đài nhà Loyola, xứ Basque . Sau khi mẹ ruột của mình qua đời lúc ngài 13 tuổi, Ignatio được bà María de Garin - vợ của một người thợ rèn địa phương nuôi nấng giáo dục. Vì vậy, Ignatiô đã được thêm phụ họ “de Loyola” nhằm chỉ nguyên quán Loyola, nơi ngài được sinh ra.

     

    Ngày 31/07: thánh Ignatiô Loyôla, linh mục

     

    Ngày 31 tháng 7
    THÁNH IGNATIO LOYOLA, LINH MỤC
    (1491-1556)

    I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

    Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Ignatio nhà Loyola là một tu sĩ, nhà thần học lớn của Giáo hội Công giáo Rôma. Ngài sáng lập nên Dòng Tên và là bề trên tổng quyền đầu tiên của hội dòng này.

    Ignatio sinh tại lâu đài nhà Loyola, xứ Basque . Sau khi mẹ ruột của mình qua đời lúc ngài 13 tuổi, Ignatio được bà María de Garin - vợ của một người thợ rèn địa phương nuôi nấng giáo dục. Vì vậy, Ignatiô đã được thêm phụ họ “de Loyola” nhằm chỉ nguyên quán Loyola, nơi ngài được sinh ra.

    Năm 1509, Ignatiô tòng quân vào đạo quân của Antonio Manrique de Lara, Công tước thành Najera và Tổng trấn thành Navarre nhằm muốn sau này được thăng tiến thành một công tước. Dưới sự lãnh đạo của Công tước này, Ignatio đã tham gia vào nhiều trận đánh mà không bị thương tích gì. Nhưng vào ngày 20 tháng 5 năm 1521quân đội Pháp tấn công pháo đài Pamplona, ngài bị một viên đạn bắn trúng chân. Thấy Ignatio ngã gục, lập tức cả đơn vị trong thành buông súng đầu hàng. Sau khi chiếm được thành, binh lính Pháp vẫn đối xử tử tế với Ignatio và để ngài ở tại lâu đài Pamplona khoảng mười lăm ngày. Sau đó, họ đặt ngài lên cáng và khiêng về đến tận nhà ở Loyola. Thời đó, y học chưa có thuốc gây mê để phẫu thuật vết thương, nhưng qua hai lần phẫu thuật xương chân mà ngài vẫn không hề thốt ra một tiếng nào, chỉ thấy ngài nắm chặt hai bàn tay vì đau đớn. Tình trạng sức khỏe của ngài ngày càng trầm trọng. Ignatio không thể ăn uống được gì và có những biểu hiện sắp chết. Vài ngày trước lễ thánh Gioan Baotixita (24 tháng 6), người nhà đề nghị Ignatiô xưng tội. Đến trước ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô (29 tháng 6), các y sĩ nói rằng nếu trước nửa đêm mà Ignatio không khá hơn thì coi như chắc chắn sẽ chết. Nửa đêm hôm ấy, ngài cảm thấy bớt đau, và ngày hôm sau thì vượt qua được tình trạng nguy kịch.

    Trong những ngày dưỡng bệnh, vì quá buồn chán, Ignatio nói với những người thân đem đến cho mình mấy cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp để đọc cho đỡ buồn vì ngài vốn là một chiến binh nên rất mê thể loại này. Nhưng vì trong nhà không có cuốn tiểu thuyết nào nên người ta mang cho ngài một cuốn sách tựa đề Cuộc đời Chúa Kitô và cuốn Hạnh các thánh viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Đọc hai tác phẩm này Ignatiô thấy mình bị thu hút. Rồi khi đọc sang cuộc đời của thánh Phanxicô thành AssisiThánh Đa Minh và nhiều tu sĩ nổi tiếng khác, Ignatiô quyết định noi gương họ hiến mình đi chinh phục Đất Thánh cho Kitô giáo. Sau khi phục hồi, Ignatiô đến thăm tu viện Santa Maria de Montserrat của dòng Biển Đức. Tại đây, ông treo bộ quân phục của mình trước bức hình Đức Mẹ Maria. Sau đó, ông đến thị trấn Manresa, Catalonia và đã dành nhiều tháng sống trong một hang động để thực hành khổ hạnh khắt khe. Tại Manresa, Ignatiô bắt đầu thay đổi lối sống và cảm nghiệm sự thay đổi trong tâm hồn xen lẫn niềm vui và nỗi khổ đau.

    Năm 1534, ngài đã tập hợp một nhóm sinh viên Đại học: Phanxicô Xaviê, Alfonso Salmeron, Laynez Diego, Nicholas Bobadilla (đều là người Tây Ban Nha); Peter Faber (người Pháp) và Simao Rodrigues (người Bồ Đào Nha). Sáu người họ đã gặp mặt và đã tuyên thệ làm việc gắn bó cùng nhau trong suốt đời của mình. Inhaxiô thiết lập nhóm này làm nền tảng của Dòng Tên sau này. Năm 1535, ngài tốt nghiệp hai bằng: cử nhân triết học và cao học thần học. Một năm sau, Ignatiô được thụ phong linh mục và cử hành thánh lễ mở tay năm 1536.

    Ignatiô được chọn làm bề trên tổng quyền đầu tiên và là tổ phụ sáng lập Dòng Tên. Ngài đã gửi nhiều tu sĩ anh em trong dòng đi truyền giáo khắp châu Âu, thiết lập ra các trường học, cao đẳng, và các chủng viện. Năm 1548, bản Linh Thao đã được in, mặc dù trước đó bị đưa ra Toà án dị giáo Rôma, nhưng đã được phát hành. Ignatiô viết bản Hiến pháp Dòng Tên và được thông qua vào năm 1540 tạo thành một hội dòng mới, nhấn mạnh sự hy sinh và vâng lời giáo hoàng và bề trên. Nguyên tắc chính của ngài đã trở thành phương châm chung của Dòng Tên: Ad majorem Dei gloriam (Để Thiên Chúa được vinh hiển hơn). Trong thời gian 1553-1555, thông qua thư ký của mình là linh mục Goncalves da Camara, Ignatiô cho ra đời cuốn tự truyện cuộc đời mình, đây là một nguồn có giá trị cho phương thức Linh Thao ngày nay.

    Thánh Ignatiô qua đời tại Roma vào ngày 31 tháng 7 năm 1556 vì trận dịch sốt rét hưởng thọ 63 tuổi.

    Ngài được Giáo hoàng Phaolô V phong chân phước ngày 27 tháng 7 năm 1609 và được Giáo hoàng Grêgôriô XV phong thánh ngày 13 tháng 3 năm 1622.

    Ngày lễ kính Thánh Ignatiô hằng năm là ngày 31 tháng 7 ngày ngài qua đời.

    Thánh Ignatiô được tôn kính như vị thánh quan thầy của các binh sĩ Công giáo. Và vào năm 1922, Đức Thánh Cha Piô XI đặt Ngài làm Đấng bảo trợ những tuần tĩnh tâm.

    II. BÀI HỌC: CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

    Con đường nên thánh của Ignatiô là con đường rộng rãi thênh thang: Tất cả chỉ là làm cho Thiên Chúa được vinh hiển hơnAd majorem Dei gloriam.

    Một Phanxicô Xaviê bôn ba vất vả bên trời Đông, một Têrêsa Calcutta”Người Mẹ  của thế giới nghèo khổ”ngày ngày bận rộn với nhưng con người được moi móc từ các cống rãnh đem về để săn sóc tắm rửa, một Têrêsa Hài đồng Giêsu nương thân gửi phận trong dòng kín Lisieux với nhưng công việc tầm thường nhỏ mọn hay như một Gioan Phaolô II con người nổi tiếng được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. và cả những năm đầu thế kỷ 21.

    Trong suốt thời gian làm giáo hoàng, ngài đã gặp 17,6 triệu khách hành hương trong 1160 lần tại Quảng trường Thánh Phêrô vào mỗi ngày Thứ tư. Khoảng 8 triệu khách hành hương trong Năm Thánh 2000. Ngài đã tiếp tiếp các nhà lãnh đạo quốc gia 737 lần và các thủ tướng quốc gia 245 lần.

    Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Gioan Phaolô II đã tổ chức 9 mật nghị để phong tước cho 232 hồng y, trong đó có một vị “còn giữ kín”; đã bổ nhiệm trên 3,5 ngàn trong số gần 4,2 ngàn Giám mục trên thế giới. Ngài đã gặp từng người trong các Giám mục qua nhiều năm, nhất là khi họ viếng thăm Tòa thánh 5 năm một lần.

    Ngài đã chủ sự 15 thượng hội Giám mục: 6 thường lệ (1980 về gia đình, 1983 về thống hối và hòa giải, 1987 về giáo dân, 1990 về linh mục, 1994 về tu sĩ, 2001 về Giám mục), 1 ngoại lệ (1985 Công đồng Vatican II 20 năm sau) và 8 đặc biệt (1980 cho Hà Lan, 1991 cho Châu Âu lần nhất, 1994 cho Châu Phi, 1995 cho Liban, 1997 cho Châu Mỹ, 1998 [2] cho Châu Á và Châu Đại Dương, 1999 cho châu Âu lần hai)

    Vào ngày 14 tháng 3 năm 2004, Ngài đã trở thành vị Giáo hoàng thứ ba trong số những vị Giáo hoàng có thời gian ở ngôi lâu dài nhất, sau Thánh Phêrô (từ 34 đến 37 năm) và Piô IX (31 năm, 7 tháng, 23 ngày).

    Với 247 chuyến viếng thăm mục vụ trong và ngoài nước Ý, Gioan Phaolô II đã đi 1.167.295 km , trên 28 lần chu vi của Trái Đất (hay 3 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng), nhiều hơn tất cả những Giáo hoàng trước đó cộng lại. Những chuyến đi này là dấu hiệu của nỗ lực bắc cầu nối lại những quốc gia và tôn giáo trong nhiệm kỳ của Ngài.

    Dù là Phanxicô Xaviê hay như Têrêsa Calcutta, hoặc Têrêsa Hài đồng Giêsu hay như một Gioan Phaolô với một bề dày sự nghiệp cũng như tất cả các vị thánh trên Thiên quốc hôm nay, tất cả cuộc đời các ngài cũng chỉ có một mục đích làm vinh danh Chúa.

    Ước gì cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng biết làm vinh danh chúa như vậy. Amen.

    Lm. Giuse Đinh Tất Quý

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ