TÙY BÚT - Thổn thức của người trẻ trước những thảm họa nhân tai và thiên tai – niềm tin và hy vọng

  • 10/10/2021
  • Trích trong tập: “Nỗi lòng người trẻ”
    Ảnh minh họa - Thiên tai

     

    Chúng ta bước vào những ngày đầu tháng 8 với một tâm trạng nặng nề, ưu tư khi tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn thế giới. Mỗi giây phút trôi qua lại có thêm ca mới và cả những người phải lìa xa cõi đời, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hay địa vị xã hội. Dường như chúng ta dần nhận ra rằng, chúng ta chẳng hề ưu việt như cách chúng ta vẫn nghĩ, thân phận con người yếu đuối, lẻ loi như một que diêm trước gió khi đứng bên bờ sinh tử. Và riêng chúng ta - những người Kitô hữu, không chỉ phải đối mặt với một trận chiến với đại dịch, mà hơn thế là một cuộc chiến với những căn bệnh xã hội lớn hơn xuất phát từ thiên tai và nhân tai, để sống, bảo vệ và làm chứng cho đức tin của bản thân mình giữa muôn vàn sống gió nơi trần thế luôn rình rập, bủa vây.

    Thống kê lại một phần đại dịch vừa rồi, chỉ cần gom thiệt hại lại bằng những con số: 200.000, 300.000, 500.000 người tử vong..., những con số kỷ lục về người chết của mỗi quốc gia liên tục tăng theo từng ngày và chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Đằng sau mỗi con số ấy là đau đớn, là ai đó không qua khỏi cơn hấp hối, là vô số người gục ngã vì mất mẹ mất cha, là ngột ngạt và bất lực không hiểu nổi... Chúng ta còn lại gì sau một cơn đại dịch ngoài những tiếng khóc than hòa cùng tiếng nấc nghẹn ngào, là những thánh đường với hàng ghế trống trơn không còn vang lên từng tiếng kinh cầu, là những vị mục tử bất chấp hiểm nguy đem Thánh thể xuống đường để sưởi ấm trái tim đàn chiên trong giông bão của mình...

    Cùng với đó hàng loạt hiện tượng thiên tai thay nhau kéo đến, từ cháy rừng cho đến động đất, từ mưa giông cho đến lũ lụt... con người dường như bị đẩy đến tận cùng của hố sâu tuyệt vọng. Trong giờ phút nguy nan, từng tiếng trách móc vang lên "Thiên Chúa ở đâu sao lại để sự dữ xảy ra?"... Đức tin của người Kitô hữu thật sự bị lung lay mạnh mẽ. Để rồi đáp lại những lời ác ý, là những lời ca kinh nguyện dâng lên Đấng Tối Cao, ánh sáng Đức Tin như một ngọn đèn, đưa đoàn Chiên vượt ngàn nguy nan như cách người Israel vượt Biển Đỏ năm xưa và người dẫn đường không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô, bằng Lòng Thương Xót đã an ủi, chữa lành cho những người hằng tin vào Lời Ngài đã hứa.
    "Corona virus không phải căn bệnh duy nhất chúng ta cần chiến đấu, mà đúng hơn, đại dịch đã làm sáng tỏ những căn bệnh xã hội lớn hơn. Một trong số đó là quan điểm lệch lạc về con người, quan điểm coi thường phẩm giá và đặc tính tương quan của con người”.

    Như lời Đức Giáo Hoàng Phanxico đã viết trên Twitter vào ngày 11/8 (theo giờ Ý), cơn đại dịch đã động chạm đến những vết thương sâu thẳm nhất của con người, vốn dĩ bị giấu kín đi bởi nhịp sống ồn ào, vội vã. Phong trào Black Lives Matter khiến cư dân trên toàn thế giới xôn xao đã dần biến chất, trở thành một con cờ trong cuộc chơi chính trị của những người quyền thế. Những giá trị vật chất - tinh thần xưa cũ bị lên án, tôn giáo bị chỉ trích chỉ vì lợi ích của những cá nhân ích kỉ. Tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh bị đập đổ, phá hoại khắp nơi, nhà thờ bị đốt cháy, tín hữu bị đe dọa đến tính mạng... "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ" (Mc 6, 45-52), chúng ta như các Thánh Tông đồ năm xưa ngồi trên chiếc thuyền chèo chống giữa biển khơi muôn ngàn sóng gió. Và lời Đức Giêsu vẫn vang vọng từ nơi sâu thẳm nhất, là Đền Thánh trong lòng mỗi Kitô hữu, để rồi nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn ở bên cạnh, đồng hành và săn sóc mỗi người. Trong vinh quang con người có thể quên mất Thiên Chúa, nhưng trong cơn nguy khốn Thiên Chúa luôn biết cách tỏ bày vinh quang của mình đến những kẻ đem lòng yêu mến Người.

    Để phô trương quyền lực của mình, các quốc gia lao vào những cuộc chiến không hồi kết trên mọi mặt trận. Cuộc chạy đua kinh tế và quốc phòng của các cường quốc vẫn đang leo thang, chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Để rồi những phận người nhỏ bé, vô tội bỗng chốc trở thành nạn nhân, phải rời bỏ gia đình, mất đi tự do, đánh đổi tính mạng, thậm chí có cả phụ nữ và trẻ em - những người phải nhận được sự bảo vệ, chăm sóc, chỉ vì những toan tính của mỗi quốc gia. Liệu có đáng để đánh đổi hay không? Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ...

    Và với tư cách một người trẻ - tôi tin rằng Giáo Hội sẽ không đứng ngoài lề những nỗi đau, bởi Giáo Hội là nơi bộc lộ trọn vẹn nhất tình yêu của Thiên Chúa với nhân loại thông qua Đức Giêsu Kitô. Trong cung lòng Giáo Hội anh dũng đã sinh ra những vị Thánh, những con người can đảm dấn thân vì tình yêu, sẵn sàng mất đi mạng sống của mình vì người khác. Thế hệ trẻ Kitô hữu luôn tự hào vì điều đó và sự hy vọng, niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ giúp những người trẻ đầy hoài bão, khát khao cống hiến, cho đi mọi thứ để kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, từ những điều nhỏ nhất. Giáo Hội sẽ hiên ngang đứng vững, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn được đem đến muôn nơi, cho đến ngày trở lại quang lâm của Đức Giêsu - Chúa chúng ta. Amen.

    Tác giả: Phạm Thái Hồng Vĩnh

    Trích trong tập : “Nỗi lòng người trẻ



    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ