An lòng vì con – mẹ nhé !

  • 28/08/2021
  • “Cho con gánh mẹ một lần, cà đời mẹ đã tảo tần gánh con. Cho con gánh mẹ đầu non, cả lòng mẹ đã gánh con biển trời… Ngày xưa mẹ gánh à ơi! Con xin gánh lại những lời mẹ ru. Đường đời sương gió mịt mù, vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan…”
    Ảnh minh họa

    Cứ mỗi lần nghe bài hát này, nó lại rưng rưng nước mắt nghĩ về mẹ, và khi nó tự mình bươn chải để theo đuổi đam mê, kiếm được đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt và cả máu nó mới biết thương mẹ nhiều hơn và nó mới nhận ra rằng bấy lâu nay nó đã quá vô tâm với mẹ - người phụ nữ chân quê nhưng vô cùng vĩ đại mà nó đang nợ mẹ cả cuộc đời.
    Ba nó mất lúc nó còn rất nhỏ, khi ấy nhà nó nghèo lắm, căn nhà gỗ ọp ẹp của nó vặn mình răng rắc cứ như muốn đổ ầm xuống mỗi khi mưa to hay gió lớn. Ngày ba nó mất, mẹ nó suy sụp hoàn toàn, rồi bà mặc kệ những xầm xì bàn tán về cái chết của ba nó hay cả những lời ác mồm ác miệng rằng bà chính là nguyên nhân gây nên cái chết của ba nó, bà gượng dậy, một mình bà tảo tần sớm hôm nuôi năm anh em nó ăn học nên người.
    Một ngày cũng như mọi ngày, bà dậy sớm, chiên mớ cơm nguội tối qua còn sót lại với một ít nước tương để chốc nữa đám con bà dậy chúng nó có cái lót dạ rồi đi học. Bà giặt giũ rồi cõng đứa con út lên núi, đặt nó ngồi trên một cái bao cám ở gốc cây điều rồi bà vừa trồng tỉa, vừa trông chừng đứa út vì con út của bà bị chậm phát triển. Trưa về, bà bắc nồi cơm, nấu nồi canh để các anh em nó có cơm ăn rồi đi học chiều. Cứ thế, cuộc sống bình dị trôi qua, bà tất bật bươn chải để lo cho các anh em nó đủ ăn, đủ mặc, được học hành như bao đứa bạn. Nhưng cũng chính vì cuộc sống quá khó khăn ấy mà bà đã không có đủ thì giờ để nói cho nó biết những điều mà đứa con gái nào cũng cần biết để tự bảo vệ mình, có những điều nó không được nghe mẹ dạy để làm hành trang bước vào đời, nó khóc rất nhiều khi gặp nỗi tủi nhục ấy, nó không hề biết rằng nó chỉ là nạn nhân, nó luôn cảm thấy rằng nó đã xúc phạm đến Chúa, đến thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Càng lớn lên, nó càng thấy căng thẳng về quá khứ của nó.
    Mẹ vẫn dành cho anh em nó tình thương bao la, vô bờ bến.
    Nó đã quên những kí ức buồn, nhưng nó vẫn nhớ mẹ thức thâu đêm nằm cạnh nó khi nó bệnh, điều đó vẫn hằn sâu vào tâm trí nó. Nó có thể quên những thứ quà bánh mẹ dành cho nó, nhưng nó không thể nào quên hình ảnh mẹ lúc nó bệnh nặng nhất từ trước đến giờ: không ngủ được nhiều ngày, nó căng thẳng đến tột độ và trong vô thức, nó đã đập tất cả mọi thứ xung quanh nó, nó đã đập tay vô cửa kính và bị đứt gân, anh chị nó sơ cứu cho nó và đưa nó đi cấp cứu, mẹ nó thì lau những giọt máu trên nền, bà vừa lau máu của nó bà vừa khóc. Sau này, nó mới thấm thía rằng mẹ có thể hy sinh cả bản thân mình vì con, nhưng mẹ đau lòng nhất là khi thấy con mình bị thương, thấy con mình bệnh tật hay phải chịu đau đớn.
    Lớn lên, nó chọn và theo đuổi đam mê của nó là được làm Đầu Bếp Bếp Bánh. Nó nợ mẹ rất nhiều, chưa bao giờ nó đủ can đảm để nói với mẹ rằng nó yêu mẹ, nhưng trong đầu nó luôn vang lên một câu nói “Con phải làm được một điều gì đó để mẹ tự hào vì con”, và nó vẫn luôn nguyện xin Chúa cho mẹ của nó luôn mạnh khỏe để mẹ sống mãi với anh chị em nó, để mẹ kịp nhìn nó lớn khôn, kịp nhìn thấy nó thành công và hạnh phúc trên con đường mà nó đã chọn.
    Mẹ không nói, nhưng nó biết mẹ vẫn hay kể về “đầu bếp của mẹ” với niềm tự hào.
    Những bước chân chập chững vào đời của nó thật không dễ dàng, thấm đẫm nước mắt, ước mơ nó theo đuổi dường như quá khó với một đứa có sức khỏe không được tốt như nó. Những ngày Sài Gòn mưa tầm tã, vết thương cũ nơi cổ tay của nó làm tay nó bị co gân lại và đau đớn, cộng với những khó khăn, áp lực nghề Bếp mà nó chọn khiến nó cứ muốn chạy vội về với mẹ, chỉ là để nhìn thấy mẹ, ăn bữa cơm bình dị mà mẹ nấu, dù nó biết nó vẫn hay bất đồng ý kiến với mẹ và giận dỗi mẹ, nhưng sau tất cả nó nhận ra rằng: Nơi nào có mẹ, nơi đó là bình yên.
    Thời gian trôi qua nhanh hơn là nó nghĩ, ba nó nằm xuống cũng đã chục năm rồi, mấy anh chị em nó giờ đây ai cũng đều đã có một công ăn việc làm ổn định, mẹ nó rất vui khi nhìn thấy các con mình đứa thì làm giáo viên, đứa làm chuyên viên tâm lý, đứa bán hàng, đứa làm đầu bếp… Bà không cần các con bà phải kiếm được thật nhiều tiền, bà luôn tự hào vì các con bà đều làm nên những việc hữu ích cho xã hội và bà đã giáo dục chúng để chúng luôn ý thức cộng tác xây dựng Giáo Hội trong mỗi cương vị khác nhau ở những đoàn thể Công Giáo khác nhau, và bà vui nhìn chúng trưởng thành trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Thời gian đã khiến tóc của mẹ nó thì càng ngày càng bạc đi. Nó không dám nhìn lên tóc của mẹ nó để có thể kìm nén những giọt nước mắt của mình.
    Người ta tự hào vì có đủ cha, đủ mẹ, có ba làm giám đốc, mẹ làm thạc sĩ, có người tự hào vì gia đình có của ăn của để, riêng nó, nó mãi tự hào vì những phân gà, những đất đỏ, tự hào vì những bữa cơm ăn cùng muối, tự hào vì những bữa cơm chiên nước tương của mẹ đã cho nó có ngày hôm nay, và nó tự hào vì mẹ - người phụ nữ chân quê cả cuộc đời chưa bao giờ một lần nghĩ cho bản thân mình.
    Càng nghĩ về những gì đã qua, nó càng thấy mình có lỗi với mẹ, có những lần nó cứ hoài trách mẹ, có bao giờ nó biết nghĩ cho mẹ đâu. Lời xin lỗi muộn màng nhưng nó cũng không dám nói, lời cảm ơn mẹ nó cũng không thể thốt thành lời, chỉ biết trong thẳm sâu nó luôn thầm nguyện cầu “Xin chắp bàn tay, xin hát lời ca, thiết tha dâng Trời giúp cho mẹ cha, sáng mãi ước nguyện và vơi đi ưu phiền, trăm năm mãi được bình yên.”

    Maria Bùi Thị Minh Ân

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ