Bài Giảng Chúa Nhật XXII Thường Niên B

  • 28/08/2021
  • Đứng trước những quan niệm lệch lạc về luật thanh sạch của người Do-thái, Đức Giêsu đã long trọng khẳng định: "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế" (c.15).

    Nhà Thần học William Barclay kể lại câu chuyện: Một Kinh sư Do-thái (Rabbi) bị cầm tù ở Rôma. Trong tù, ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm mục đích kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua, vị Kinh sư ấy ngày càng yếu dần. Cuối cùng người ta buộc phải mời bác sĩ đến khám bệnh. Bác sĩ bảo rằng cơ thể tù nhân bị thiếu nước. Những người quản giáo không hiểu nổi tại sao vị Kinh sư ấy lại có thể thiếu nước, bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu nhưng vẫn tương đối đủ chứ đâu đến nỗi tệ! Thế là đám lính gác liền tổ chức theo dõi người tù này một cách kỹ lưỡng hơn để thử xem ông ta làm gì với số lượng nước ấy. Cuối cùng người ta đã khám phá ra rằng: Vị Kinh sư Do-thái này đã sử dụng phần lớn số lượng nước để rửa tay theo nghi thức Do-thái giáo trước khi ăn và cầu nguyện. Như thế đương nhiên ông ta không còn đủ nước để uống.

    ***

    Câu chuyện trên đây, giúp chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giêsu lại nghiêm khắc lên án thái độ vụ hình thức được thể hiện qua hành động rửa tay của người Do-thái.

    Nhưng, khi kết án những người Do-thái như vậy, phải chăng, Đức Giêsu là người không giữ vệ sinh, và quan trọng hơn, khi kết án những người lãnh đạo Do-thái, Đức Giêsu đã đi ngược lại tập tục của tiền nhân? Thiết tưởng, để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu xem, đâu là ý nghĩa đích thực của việc rửa tay.

    Thanh sạch - Theo quan niệm của người Dothái

    Thực ra, khi lên án hành động rửa tay của người Do-thái, Đức Giêsu không có ý đi ngược lại phép lịch sự tối thiểu, đó là phải rửa tay trước khi dùng bữa. Ngài thừa hiểu rằng, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, đó là điều sơ đẳng trong phép giữ vệ sinh phòng bệnh.

    Về vấn đề này, người Do-thái và nhất là người Pharisêu giữ tập tục rửa tay trước khi ăn rất kỹ. Họ không dùng bữa, nếu chưa rửa tay trước. Ở nơi công cộng về, họ không ngồi và bàn ăn nếu chưa tắm rửa sạch sẽ.

    Tuy nhiên, đối với họ, việc rửa tay không nhằm giữ vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ, mà được coi là những nghi thức tôn giáo và nhằm để “phân loại” con người trong sạch hay do bẩn theo luật. Họ đánh giá lòng đạo đức của con người tuỳ thuộc vào việc tuân giữ các tập tục này. Tất cả những ai vi phạm, đều bị kể là hạng người dơ bẩn, đáng bị loại ra ngoài cộng đoàn tôn giáo, mất quyền tham dự nghi lễ phụng tự trong đền thờ. Không những thế, họ còn để mắt dòm ngó xem xét người khác có tuân giữ các tập tục đó không. Trong Tin Mừng hôm nay, họ đã thấy một số môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Điều này đã nên cớ cho người Biệt Phái và Kinh sư hạch sách Chúa Giêsu và lên án Ngài.

    Thanh sạch – Theo quan niệm của Đức Giêsu

    Đứng trước những quan niệm lệch lạc về luật thanh sạch của người Do-thái, Đức Giêsu đã long trọng khẳng định: "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế" (c.15).

    Khẳng định này của Đức Giêsu quả là một cuộc cách mạng trong Do-thái giáo, bởi lẽ, đời sống người Do-thái bị bao vây bởi nhiều cấm kỵ: không được ăn thịt lợn, hay thịt thú chết ngạt; không được đụng vào xác chết, không được đụng vào người phong cùi; cũng như không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi... Đụng vào hay ăn vào là ô uế ngay.

    ***

    Khi lên án những luật lề hà khắc đến tỉ mỉ chi li của người Do-thái, chúng ta không có ý khinh thường lề luật. Thực ra, lề luật đóng một vai trò hết sức quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Bất cứ một tổ chức xã hội, hay hội đoàn nào, cũng đều cần đến lề luật. Như lời thánh Bênađô đã nói: “Anh em hãy giữ lề luật, để lề luật gìn giữ anh em”. Hay lời thánh Giáo hoàng Grêgôriô cũng đã từng khẳng định: “Ai sống cho kỷ luật, là sống cho Thiên Chúa”. Tuy nhiên, nếu giữ lề luật mà để đi tới chỗ quá trớn, thì lại trở thành thói vụ hình thức. Và nếu chỉ coi trọng hình thức mà quên phần nội tâm thì trở thành chứng giả hình.

    Và thái độ của mỗi chúng ta

    Thói vụ hình thức và giả hình, đó là hai điều mà Đức Giêsu cực lực lên án trong bài Tin Mừng hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội kết án những Kinh sư và Biệt phái. Ai trong chúng ta dám khẳng định như họ rằng: Tôi ăn chay một tuần hai lần; tôi dành một phần mười hoa lợi của tôi để làm phúc bố thí cho kẻ khó; tôi đọc kinh lâu giờ... Thêm vào đó, chúng ta dám chắc một điều rằng, không phải tất cả trong số họ đều là những người vụ hình thức và giả hình. Bằng chứng là, những người như Nicôđêmô hay Thánh Phaolô Tông Đồ, đều xuất thân từ nhóm người này. Thế nên, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở, không riêng gì người Do-thái thời xưa, mà cả chúng ta ngày nay nữa.

    Nhiều bậc làm cha làm mẹ chỉ thích làm đám cưới cho con thật linh đình, lễ cưới có nhiều cha đồng tế, nhưng chẳng lo phần giáo lý cho đôi tân hôn bao nhiêu.

    Không ít những người làm con, khi cha mẹ già còn sống thì bỏ bê, nói nặng nói nhẹ. Chỉ khi cha mẹ nằm xuống mới lo làm tang lễ um sùm, than khóc bù lu bù loa, như cao dao xưa đã từng mỉa mai rằng: “Sống thì con chẳng cho ăn. Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi”.

    Nhiều gia đình, bình thường, chẳng bao giờ khuyến khích con cái đi học giáo lý, nhưng tới ngày Rước lễ, Thêm Sức thì tới xin xỏ, làm áp lực, để làm sao con mình cũng có mặt trong ngày lễ trọng đại ấy.

    Nhiều lần chúng ta đi tham dự tuần chầu, nhưng chỉ quan tâm đến: Thánh Lễ hôm nay có bao nhiêu cha, giáo dân có đông hay không, cỗ làm bao nhiêu mâm… mà ít ai để ý đến việc, bản thân mình chầu Thánh Thể Chúa được mấy giờ, rồi thái độ và tâm tình của cộng đoàn trong giờ chầu có sốt sáng hay không.

    ***

    Vẫn biết rằng, thói giả hình là điều đáng bị lên án, nhưng chúng ta lại rất dễ rơi vào. Vậy làm sao để thống nhất giữa cử chỉ bền ngoài và tâm tình bên trong, là điều không hề đơn giản. Trong cuộc sống thường nhật, đã không ít lần chúng ta chỉ chú trọng đến những cái chi li mà quên đi điều trọng yếu. Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu một lần nữa, mời gọi chúng ta tìm kiếm sự tinh tuyền bên trong trước đã, rồi mới để ý đến cái sạch sẽ bên ngoài sau.

    Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn biết thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa hình thức bên ngoài và nội tâm bên trong, để lời nói và hành động của chúng ta trở nên một lời ca, ngợi khen tình yêu Thiên Chúa.

    Lm Jos. Nguyễn Văn  Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ