Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XX Thường Niên A

  • 19/08/2023
  • "Này bà, bà có lòng mạnh tin".

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XX Thường Niên A

    "Này bà, bà có lòng mạnh tin"

    Mt 15, 21-28

    Đã từ lâu, sự kỳ thị tôn giáo, là nguyên nhân của biết bao nhiêu cuộc thánh chiến đẫm máu vẫn đang hằng ngày, hằng giờ nổ ra đâu đó trên khắp hành tinh này. Hiện nay, cả thế giới, và cách riêng, những người yêu mến hòa bình đều đang hướng về Ucraina – quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh với Nga, hay một vài quốc gia đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự kỳ thị tôn giáo. Những hành động vô luân, mất tính người của nhóm khủng bố quá khích đã và đang đẩy hàng ngàn người Kitô cũng như những tín hữu thuộc các tôn giáo khác tại những quốc gia này, trong đó có khá đông phụ nữ và trẻ em vào cảnh vô gia cư. Nhóm khủng bố đã nhân danh tôn giáo để loại trừ những người đồng bào của mình, trong khi đó, trong quá khứ, những Kitô hữu cũng như các tín hữu thuộc các tôn giáo khác và những người Hồi giáo đã từng có khoảng thời gian sống chung hòa bình.

    Người ta đã nhân danh Thiên Chúa để loại trừ anh chị em mình một cách hết sức man rợ. Nhưng rất tiếc, đó lại không phải là ý định của Thiên Chúa. Từ sự thật đáng buồn này, người ta tưởng tượng ra một câu chuyện như sau: Một hôm, Chúa Giêsu nói rằng Ngài chưa bao giờ xem bóng đá. Vì thế, bạn tôi và tôi dẫn Ngài đi xem. Đó là trận đấu gay cấn giữa những người Tin lành và những người Công giáo. Người Công giáo ghi bàn thắng trước. Chúa Giêsu reo hò và tung mũ lên. Rồi đến lượt người Tin lành ghi bàn thắng Chúa Giêsu cũng reo hò và tung mũ. Điều này gây khó chịu cho anh thanh niên ngồi sau chúng tôi. Anh vỗ nhẹ lên vai Chúa Giêsu và hỏi: "Này anh bạn tốt, anh ủng hộ bên nào?". Lúc này Chúa Giêsu thấy hứng thú vì trận đấu, Ngài trả lời: "Tôi hả? Ô, tôi không đứng về bên nào. Tôi chỉ thưởng thức trận đấu’. Nghe thế, chàng thanh niên bèn quay sang người bạn bên cạnh, nhếch mép cười và nói: "Hừ, đúng là kẻ vô thần". Trên đường trở về, chúng tôi cho Chúa Giêsu biết về tình trạng các tôn giáo trên thế giới ngày nay: "Chúa ạ, thật buồn cười về những người trong các tôn giáo. Dường như họ luôn nghĩ rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại những người khác". Chúa Giêsu đồng ý, Ngài nói: "Đó là lý do tại sao Ta không ủng hộ các tôn giáo. Ta chỉ ủng hộ con người, bởi con người quan trọng hơn tôn giáo. Con Người quan trọng hơn cả ngày Sabát. Một trong chúng tôi nói với với Ngài vẻ lo lắng: "Thưa Chúa, Ngài phải thận trọng. Ngài biết, Ngài đã một lần bị đóng đinh vì nói như thế”.

    ***

    Chúng ta không ngạc nhiên vì không ít lần, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta về chuyện những người ngoại giáo đến cầu xin với Đức Giêsu và đã được ơn. Ví dụ trường hợp của ông sĩ quan ngoại giáo xin cho người đầy tớ của mình được lành bệnh. Và lời cầu xin của ông đã được Chúa Giêsu chấp nhận. Tin Mừng hôm nay, một lần nữa nêu gương về lòng tin của một người phụ nữ ngoại giáo gốc Canaan.

    Câu chuyện xảy ra ở miền Tyrô và Siđon, tức là ngoài lãnh thổ Palestina. Trong quan niệm của dân Israel, họ luôn nghĩ rằng Thiên Chúa là Chúa của riêng họ nên Ngài không ban ơn cho dân ngoại. Nhưng ở đây, một phép lạ đã được thực hiện cho đứa con gái của người phụ nữ ngoại giáo. Tại sao vậy?

    Trước tiên, đó là một lời cầu xin phát xuất từ tình yêu. Đúng như vậy. Người phụ nữ này không xin ơn cho bà, mà là xin cho đứa con gái yêu quý của bà. Lời cầu xin của bà thật thống thiết: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi, đứa con gái của tôi bị quỷ ám khổ sở lắm” (Mt 15,23).

    Không những thế, đây còn là một lời cầu xin phát xuất từ lòng tin. Người phụ nữ trong chuyện là một người ngoại, chắc bà nghĩ rằng, xin thì cứ xin, chứ làm sao có thể đáng được hưởng đặc ân này. Vì theo luật của người Do Thái, khi ra đường, họ không được tiếp xúc với người ngoại. Bởi khi tiếp xúc như vậy, họ sẽ bị mắc ô uế và phải làm nghi thức thanh tẩy. Chẳng vậy mà viên sĩ quan khi đến cầu xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho người đầy tớ của mình, ông đã nói: “Lạy Ngài, tôi chẳng đáng được Ngài ngự vào nhà tôi. Chỉ xin Ngài phán một lời, là đầy tớ của tôi sẽ lành bệnh” (Mt 8,8). Vì thế khi đến với Đức Giêsu, người phụ nữ này tỏ ra rất khiêm tốn, bà tự nhận mình là "chó con" và chỉ dám xin ăn những vụn bánh thừa từ bàn ăn của con cái trong nhà rớt xuống.

    Đứng trước tình cảnh này, các Tông đồ đã phản ứng ra sao? Ta cùng nhớ lại thái độ của các Tông đồ trong phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất để nuôi năm ngàn người ăn no. Thay vì tìm cách cho dân chúng ăn, các ông lại “bàn lùi” bằng cách xin Chúa cho họ giải tán đám đông để ai về nhà nấy. Còn hôm nay, các ông tỏ ra sốt ruột vì người phụ nữ này cứ lải nhải mãi (x.Mt 15,24), nên họ xin Chúa bảo bà ta về đi.

    Trái hẳn với cung cách hành xử của các tông đồ, cũng như lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã không tán thành ý kiến của các ông. Ban đầu, Ngài làm ra vẻ lạnh nhạt để thử đức tin của bà, nhưng sau đó, Ngài đã phải nhìn nhận bà có đức tin rất mạnh. Không những thế, Ngài còn công khai khen ngợi lòng tin của người phụ nữ ngoại giáo trước mặt các Tông Đồ: "Này Bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”(Mt 15,28). Vậy ra, đâu phải cứ ở gần bên Chúa là có được lòng tin mạnh mẽ!

    ***

    Từ trước tới nay, chúng ta vẫn tự hào là người “đạo gốc”. Điều này cũng tương tự như người Do Thái tự hào mình là con cháu Abraham vậy. Thế nhưng là người “đạo gốc” không đương nhiên cho chúng ta đặc ân được hưởng ơn cứu độ nếu như chúng ta không có lòng tin đủ mạnh.

    Có thể không nói ra, nhưng trong cách hành xử thường ngày, đôi lúc chúng ta tỏ ra không tôn trọng đủ những anh chị em ngoại giáo. Thế nhưng đời sống của chính chúng ta lại không hơn gì họ. Chúa Giêsu đã từng cảnh báo rằng: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn những người Kinh sư và Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

    Học nơi người Phụ nữ ngoại Giáo, chúng ta hãy biết đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa, cho dẫu cuộc đời có gặp phải muôn vàn nghịch cảnh, vì Ngài là Đấng từ bi và giàu lòng thương xót.

    Chúng ta cũng hãy học nơi Chúa, biết yêu thương hết thảy mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc hay ngôn ngữ. Vì trong Đức Kitô, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ