Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên - Năm A

  • 20/05/2023
  • Đức Kitô được rước lên trời

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên - Năm A

    Mt 28, 16-20

    Đức Kitô được rước lên trời

    Nếu như lắng nghe các bài đọc của Chúa Nhật lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay, hẳn nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc: Tại sao, một đằng nói là Chúa Giêsu được rước lên trời như trong bài trích sách Công vụ Tông đồ (x.Cv 1,9), đằng khác, Tin Mừng theo thánh Matthêu lại thuật lại lời của Chúa Giêsu rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,20). Vậy phải hiểu biến cố Chúa Giêsu được rước lên trời như thế nào ?

    Đã có không ít người đi tìm câu trả lời này dựa trên phương diện vật lý, trong đó có Gagarin - một phi hành gia người Liên Xô (cũ). Ngày 12/4/1961, Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Sau khi bay một vòng quanh trái đất trở về, ông đã công bố với giới báo chí rằng: “Trong cuộc bay lượn giữa các vì sao, tôi chẳng nhìn thấy Thiên Chúa đâu cả”. Và ông đi đến kết luận rằng: Chẳng có Thiên Chúa nào hết. Thế nhưng ngay lập tức, lập luận này của ông bị phản bác bởi linh mục Dom. Dubarle, một nhà triết học tôn giáo đồng thời là chuyên gia tại Công đồng Vatican II và là trưởng khoa triết học tại học viện Công Giáo Paris (1967-1973) rằng: Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng chứ không phải là loài vật chất hữu hình giống như các tạo vật do Ngài sáng tạo. Do đó, các phi hành gia dù có đi trong vũ trụ bao lâu đi nữa cũng không bao giờ có thể nhìn thấy Ngài. Cũng như với cặp mắt thường, chúng ta không thể nhìn thấy những con vi trùng vô cùng nhỏ bé. Nhưng không thấy không có nghĩa là chúng không có. Vì khi nhìn qua kính hiển vi, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hàng triệu con vi trùng. Cũng vậy, với mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa trong vũ trụ thiên nhiên, nhưng với con mắt đức tin, chắc chắn chúng ta sẽ thấy được sự hiện hữu của Ngài.

    Vâng, sẽ mãi mãi chúng ta không thể hiểu được biến cố Chúa Giêsu lên trời nếu như chỉ dựa vào lý trí của con người. Nhưng nhờ mạc khải của Thánh Kinh, chúng ta biết rằng: Chúa Giêsu thực sự đã lên trời. Nhưng phải hiểu về biến cố này như thế nào?

    Thưa: việc Ngài lên trời không có nghĩa là Ngài bay lên trên bầu trời phía trên đầu ta. Vì Thiên đàng không phải ở một nơi nào đó trên khoảng trời bao la này. Mà đúng hơn, việc Chúa Giêsu lên trời chứng tỏ rằng, Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Thân xác Ngài không còn bị phụ thuộc bởi thế giới vật chất này nữa, không còn bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, nhưng vượt lên trên tất cả, Ngài được về cùng Thiên Chúa là Cha của Ngài và được Thiên Chúa Cha trao cho mọi quyền năng trên trời dưới đất. Đó cũng là lời khẳng định của Thánh Phaolô Tông đồ trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô mà chúng nghe trong bài đọc II: “Người (Thiên Chúa Cha) đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,21-23).

    Chúa Giêsu lên trời cũng không phải là việc Ngài giã từ thế giới, để đi vào một nơi xa vắng mịt mù, nhưng là Ngài đi vào một hiện hữu mới, để có thể hiện diện một cách mãnh liệt hơn. Giờ đây, Ngài không còn bị kìm chế trong không gian, nên Ngài có thể hiện diện ở khắp mọi nơi; không còn bị lệ thuộc vào một thân xác, nên Ngài có thể hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau: Ngài hiện diện trong Lời của Ngài trong Sách Thánh để dạy cho ta biết con đường về với Thiên Chúa. Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể để nuôi linh hồn ta, để kết hợp với ta và để giúp ta đủ sức mạnh đi hết con đường trần gian này. Ngài hiện diện trong những người đồng tâm nhất trí cùng nhau dâng lời cầu nguyện, như lời Ngài nói: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,29). Ngài hiện diện trong những con người bé nhỏ nghèo hèn đang chờ chúng ta mở rộng trái tim, mở rộng vòng tay nhân ái. Ngài hiện diện trong những người hiến thân phục vụ anh em, trong những người hy sinh bản thân mình cho công bình và cho một thế giới tươi đẹp hơn. Người có mặt trên khắp mọi nơi nẻo đường, trong tất cả mọi cảnh huống của cuộc đời. Người có mặt trong mọi thời gian đúng như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

    Việc Đức Giêsu lên trời mang lại ích lợi gì cho chúng ta?

    Mừng lễ Chúa Thăng Thiên là mừng ngày Đức Giêsu được tôn vinh. Có một con người mang tên Giêsu, nay được hưởng vinh quang và danh dự của Thiên Chúa. Hay nói như lời của một vị thánh Giáo phụ rằng: “Từ nay, trong Ba Ngôi Thiên Chúa, có một con người.”

    Lễ Thăng Thiên thực hiện giấc mơ lớn nhất của con người, bởi vì, Thiên đàng chính là đích điểm của cuộc đời người Kitô hữu. Tất cả chúng ta đều hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Hôm nay, Chúa Giêsu, người Anh Trưởng của chúng ta đã khải hoàn tiến vào thiên quốc, thì chúng ta là những người em, sớm muộn cũng được cùng hưởng phúc vinh với Ngài.

    Không những thế, việc Đức Giêsu về trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha còn để bầu cử cho chúng ta. Bởi Ngài chính là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Mọi lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa đều phải nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài.

    Để được về trời với Chúa, chúng ta phải làm gì?

    Lời nhắc nhở của Sứ Thần Thiên Chúa “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?” cũng nhắc nhớ chúng ta rằng: Niềm hy vọng được về Trời với Chúa không khiến chúng ta tránh né bổn phận ở trần gian. Bởi vì, Trời không phải là nơi đến của một người chỉ biết chăm lo cho ơn cứu độ của cá nhân mình. Trời cũng không chỉ là phần thưởng cho con người hay là sự “bù lỗ” cho những khốn khổ ở đời. Nhưng Trời là nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người qua chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

    Việc Chúa lên trời còn nhắc chúng ta nhớ rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời”. Với niềm xác tín đó, chúng ta hãy thi hành và chu toàn một cách tốt nhất những nghĩa vụ ở trần gian với niềm hy vọng tiến về quê trời.

    Một bài hát Dâng lễ mà có lẽ ai trong chúng ta cũng biết – bài “Con dâng Chúa” của nhạc sỹ Phanxicô - trong đó có câu: “Vì ngày mai con lo hôm nay, vì tương lai con lo hiện tại”. Quả vậy, Nước Trời đang bắt đầu ngay từ hôm nay và ngay lúc này. Chớ gì, mỗi chúng ta hiểu được như vậy, để biết sống một cách tích cực hơn, sống có ích hơn cho chính cuộc sống của chúng ta, cho gia đình chúng ta và cho con người của thời đại hôm nay.

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ