Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm A

  • 26/11/2022
  • Hãy tỉnh thức

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A

    Mt 24,37-44

    Hãy tỉnh thức

    Một hôm, Luxiphe triệu tập đại hội đồng quỷ sứ để đề ra những chiêu thức cám dỗ hữu hiệu, hầu có thể lôi kéo được nhiều linh hồn sa hoả ngục hơn. Các tên quỷ tham gia tranh luận hết sức sôi nổi. Tên đầu tiên đề nghị: Chúng ta hãy cám dỗ con người rằng: "Không có Thiên Chúa, không có thiên đàng hoả ngục. Những thứ đó chỉ là ảo tưởng, chỉ là sản phẩm được thêu dệt để hù doạ những người yếu bóng vía”. Mưu chước này xem ra chưa thuyết phục nên không được đa số chấp nhận.

    Tên thứ hai cho rằng: Hãy gieo vào đầu con người, rằng Đức Giêsu chỉ là một người bình thường, Phúc Âm của Ngài gồm toàn những chuyện bịa đặt viển vông, đừng có tin vào những điều đó”". Nhưng rồi ý kiến này cũng không được hưởng ứng.

    Cuối cùng, có lão quỷ già có tiếng là đa mưu túc kế lên tiếng: "Theo tôi, chúng ta nên cám dỗ thế này: "Có Thiên Chúa, có thiên đàng hoả ngục và có sự sống đời sau...nhưng bạn hãy nhớ rằng: Đời bạn còn dài, bạn chưa chết đâu! Vậy hãy vui hưởng lạc thú đời này đi! Đợi đến khi già yếu rồi ăn năn sám hối cũng chưa muộn."

    Một tràng pháo tay giòn vang tán thưởng diệu kế của lão quỷ già thâm độc. Thế là hội nghị nhất trí với phương thức cám dỗ này.

    ***

    Câu chuyện giả tưởng trên đây muốn phản ánh một thực trạng đang diễn ra xung quanh chúng ta hiện nay. Là người tín hữu, ai cũng tin có thiên đàng, hỏa ngục và sự phán xét. Nhưng, không ít người lại cho rằng, đời mình còn dài, chưa đến lúc phải ăn năn hối cải. Ngày mai ta sẽ sám hối, sẽ cải thiện cuộc đời, còn hôm nay thì… cứ thoải mái đi. Nếu suy nghĩ như vậy quả là điều sai lầm. Bởi vì, ngày Chúa quang lâm sẽ là một biến cố xảy đến hết sức bất ngờ, không ai có thể biết trước được.

    Không ai có thể ngờ rằng, trận lũ lịch sử vào hồi trung tuần tháng 10.2016 vừa qua tại miền Trung nước ta lại gây thiệt hại nghiêm trọng cho những người dân ở đây đến như vậy. Mặc dù đã được dự báo trước, nhưng dường như mọi người chỉ nghĩ là một trận mưa lũ bình thường như bao trận mưa lũ khác đã từng hoành hành dải đất miền Trung này. Nhưng người ta đâu có ngờ rằng, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nước lũ dâng lên đã cuốn phăng đi tất cả, nào là tiền bạc, của cải và cả tính mạng con người. Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão trung ương, tính đến ngày 15.10.2016, mưa lũ tại miền Trung đã khiến 7 ngôi nhà bị sập, hư hại 764 nhà, bị ngập 27.184 nhà (trong đó Quảng Bình 26.920 nhà, Thừa Thiên Huế 186 nhà, Quảng Trị 78 nhà). Đó là chưa kể tới hàng nghìn hécta lúa, hoa màu, hồ nuôi trồng thủy sản bị hư hại; nhiều tuyến đường giao thông, đê, kè bị sạt lở và hư hỏng nặng. (Nguồn: kienthuc.net).

    ***

    Không phải cho đến thời đại chúng ta, mà ngay từ thời ông Nôe, thiên hạ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Họ mải mê dựng vợ, gả chồng, chè chén say sưa, bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyến cáo của ông Nôe để sống theo những bản năng của mình. Cho đến ngày ông Nôe và cả gia đình ông vào tàu, bấy giờ họ mới thất kinh, nhưng tất cả đã quá muộn.

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn kể lại câu chuyện thời Cựu Ước để nhắc nhở người Dothái xưa cũng như mỗi chúng ta ngày hôm nay rằng: “Biến cố lụt hồng thủy xảy ra thời ông Nôe thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôe vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy” (Mt 24, 37-40).

    Vậy chúng ta phải làm gì để có thể “đứng vững” trong ngày Con Người quang lâm? Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng: “Các con hãy tỉnh thức” (Mt 24,42).

    Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, nhưng là không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này.

    Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị chóng qua ở đời này.

    Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng.

    Tỉnh thức còn là sự tỉnh táo phân định, để biết khi nào và lúc nào Chúa đến mà sẵn sàng đón tiếp Ngài.

    Tỉnh thức không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng, nhưng còn là bằng những hành động cụ thể. Bài trích thư gởi tín hữu Rôma hôm nay, thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta những phương thế để sống tỉnh thức: "Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng." (Rm 13,12-14).

    Thái độ trông chờ Chúa đến hẳn không phải là một thái độ thụ động, nhưng là tích cực cộng tác vào các chương trình của Ngài bằng việc chu toàn công việc bổn phận mỗi ngày.

    Giờ Chúa đến chỉ là giờ báo oán đối với những ai chưa chuẩn bị sẵn sàng, nhưng đối với những đầy tớ trung tín, giờ Chúa đến lại là thời điểm của niềm vui được gặp Ông Chủ, gặp gỡ Đấng mà bấy lâu chúng ta hết lòng yêu mến và tôn thờ.

    Vậy trong ngày khởi đầu Mùa Vọng này, Lời Chúa lại mời gọi chúng ta: Hãy tỉnh thức giống như thái độ của một người tôi tớ luôn sẵn sàng lắng nghe tiếng chủ; hãy dứt khoát với tội lỗi, rũ bỏ khỏi những vướng bận trần tục, những thứ đã và đang trói buộc chúng ta, để có thể thanh thoát lên đường.

    Lạy Chúa Giêsu, xin đánh thức con. Xin đưa con ra khỏi cơn mê mà tự sức con không sao thoát ra được. Xin đừng ngại đánh thức con bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ, nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ đang cắt tỉa con vì yêu con. Ước gì con được tỉnh táo để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê, những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối. Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện, xin cho con thức luôn và sáng luôn, trước nhan Chúa. Amen. (Trích trong Manna)

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ