Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C

  • 02/12/2021
  • “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, mở lối cho thẳng để Ngài đi”

     

    Giá trị của con đường

    Trong cuộc đời của con người, chúng ta đã đi qua không biết bao nhiêu con đường. Có những con đường thân quen, đã trở nên thiết thân với cuộc đời chúng ta. Tuổi thơ, chúng ta thường gắn bó với con đường đến trường, đường đến nhà thờ. Khi lớn lên, chúng ta dần quen với những con đường lên phố huyện, lên thành phố rồi đi xa hơn là những con đường vào Nam ra Bắc.

    Con đường giúp nối liền những miền quê. Con đường giúp phá tan những cách biệt. Con đường xóa mờ những khoảng cách giữa những nền văn hóa. Con đường thật ý nghĩa và quan trọng biết bao. Chính vì vậy mà nếu đường không tốt, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người. Đã có biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông xảy ra, chỉ vì những con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, ổ gà, ổ voi… Con đường xấu, khiến cho không chỉ giao thông mà cả hàng hóa cũng bị ngưng trệ, thông tin bị gián đoạn.

    Con đường mà Gioan Tẩy Giả loan báo

    Tin Mừng Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng hôm nay cũng nói đến những con đường qua lời loan báo của Gioan Tẩy Giả: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng đề Ngài đi” (Lc 3,4).

    Tại sao lại phải dọn sẵn những con đường cho Đức Chúa ? Có lẽ lời đề nghị này xuất phát từ văn hóa Đông Phương. Khi một vị vua định đi tuần tra một vùng nào đó trong vương quốc của mình, bao giờ ông cũng sai một vị quan đi trước để hô hào dân chúng sửa sang đường sá. Chỗ trũng phải lấp đầy, chỗ cao phải bạt xuống, đường quanh co phải nắn lại cho thẳng, đường gồ ghề phải sửa cho bằng phẳng.

    Cũng thế, Gioan, với tư cách là người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế, một sứ giả của vị Vua Thiên Sai, ông cũng lớn tiếng kêu gọi mọi người hãy sửa soạn những con đường. Nhưng chắc hẳn, con đường mà Gioan nói ở đây không phải là con đường vật chất được làm bằng xi-măng hay đất đá, nhưng là con đường của tâm hồn mỗi người.

    Như vậy, muốn cho người ta sẵn sàng tiếp nhận Chúa Kitô, những trở ngại đạo đức cần phải dẹp sạch, phải sám hối ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Thánh Luca đã kết thúc câu trích Isaia rằng: "Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa." để phù hợp với tính cách phổ thông của Tin Mừng.

    Và con đường mà Chúa muốn chúng ta đi hôm nay

    Chúng ta đã bước sang tuần thứ II của Mùa Vọng, điều đó có nghĩa là chúng ta đang tiến gần tới ngày đón mừng Con Thiên Chúa giáng trần. Vị Vua Cứu Thế sắp sửa đến thăm viếng chúng ta. Mà không chỉ là thăm viếng, mà Người còn “ở lại” với chúng ta cho đến ngày tận thế. Vậy tôi đã làm gì để sửa soạn con đường tâm hồn mình?

    Nhìn ra thực tế cuộc sống, vẫn còn đó những con đường gồ ghề của lòng con người. Trước tiên là những hố sâu của lòng tham lam. Xã hội càng phát triển thì dường như những khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo lại càng được gia tăng. Sở dĩ như vậy, là bởi vì người ta vẫn chưa biết san sẻ cho nhau. Các nước giàu vẫn chưa biết san sẻ cho các nước nghèo, những người giàu chưa biết mở rộng lòng ra với những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Con người chỉ lo cho hạnh phúc của mình, ai cũng chỉ chăm lo cho sự giàu có, sung túc của bản thân, trong khi, người nghèo khổ bất hạnh thì vẫn sống bơ vơ vất vưởng. Thế giới chúng ta đang sống thiếu gì cảnh: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Cái trớ trêu ở chỗ, người ta sẵn  sàng tiêu tốn cả bạc triệu vào những cuộc ăn chơi vô bổ chỉ trong chốc lát, nhưng lại rụt tay trước vài trăm bạc lẻ để giúp cho những mảnh đời nghèo khổ, ốm đau. Đứng trước thực tế phũ phàng đó, có người đã nhận định rằng: Hình như nhân loại ngày nay chỉ có khả năng thương mình mà đánh mất khả năng thương người.

    Con đường gồ ghề đó còn là những gò cao của lòng kiêu căng tự phụ. Vì kiêu căng, người ra sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được quyền lực và danh vọng, kể cả bằng những con đường bất chính. Sở dĩ những cuộc chiến tranh đây đó vẫn hằng ngày xảy ra trên thế giới, là bởi vì người ta chưa thể dẹp bỏ tính tự ái để ngồi lại đàm phán với nhau. Trong xóm làng, ngoài khu phố, trong giáo xứ, giáo họ, vẫn còn những bất hòa và tranh chấp, đôi khi chỉ vì một lý do rất đơn giản. Vợ chồng là người được kể là “tâm đầu ý hợp” nhất, nhưng trong thực tế, nhiều lúc vẫn chưa thể ngồi lại bên nhau để cùng xây dựng hạnh phúc gia đình, cũng chỉ vì vẫn chưa tìm được sự hoà hợp thực sự, chưa tìm được một tiếng nói chung.

    Cùng với những hố sâu của lòng tham lam, những cao vọng của tính tự kiêu tự đại, trong cuộc sống còn có những con đường ngoằn ngoèo là những giao xảo, những mưu mô của lòng người. Trong làm ăn, người ta đối xử với nhau bằng những mưu mô, toan tính, miễn sao có lợi cho mình. Chẳng thế mà những hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ngày càng tràn ngập khắp thị trường. Sự lươn lẹo, mưu mô đó không ngoại trừ cả trong lĩnh vực nhạy cảm nhất là tình cảm và tình yêu.

    ***

    Có người nào đó đã nói rằng: Bất cứ con đường chân chính nào cũng phải dẫn tới nhà thờ. Và nhà thờ nào cũng có lối ngỏ dẫn ra cuộc đời. Trong những ngày này, đây đó, chúng ta đang nô nức chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh. Nào là cây thông, nào là hang đá, máng cỏ… thế nhưng, có lẽ việc đón chờ Chúa đến không gì thiết thực và hữu ích hơn là hãy thay đổi cách sống, thay đổi cuộc đời như lời Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi hôm nay: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,6).

    Vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy lấp đầy những hố sâu tham vọng của lòng chúng ta bằng những việc làm nhân đức; hãy san phẳng tính tự kiêu tự đại của chúng ta bằng sự khiêm nhường, hòa nhã; hãy uốn lại những mưu mô toan tính của lòng chúng ta bằng sự ngay thẳng, thật thà. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hy vọng được “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” trong ngày Con Thiên Chúa giáng trần. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ