Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A

  • 12/03/2023
  • Nước hằng sống

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A

    Nước hằng sống

    (Ga 4,5 - 42)

    Nước không chỉ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, mà còn đặc biệt cần thiết đối với cơ thể con người. Nhiều người lầm tưởng rằng, thiếu ăn thì sẽ chết, còn thiếu nước không thể chết được. Đó là một sai lầm. Đối với cơ thể, nước còn quan trọng hơn cả chất đạm, chất béo, chất đường, vitamin và muối khoáng. Nếu một người không ăn gì cả, chỉ uống nước thôi, sẽ có thể sống được khoảng trên một tháng, nhưng nếu không uống nước, chỉ sống được không quá một tuần. Tại sao nước lại quan trọng đến thế ?

    Theo các nhà khoa học, nước tham gia vào việc hình thành các dịch tiêu hóa, giúp con người hấp thụ chất dinh dưỡng, cũng như tạo thành các chất lỏng trong cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Nước còn giúp cho các phế nang luôn ẩm ướt, có lợi cho việc hô hấp. Nước được gọi là dầu bôi trơn của toàn bộ khớp xương trong cơ thể. Vì vậy, khi bị mất nước đến một độ nhất định có thể dẫn đến tử vong.

    ***

    Nước thật cần thiết trong đời sống thường nhật, nhưng đối với Do Thái - một quốc gia mà địa hình chủ yếu là đồi núi và sa mạc nắng cháy, trong khi họ lại sống bằng nghề chăn nuôi gia súc – thì nước lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

    Bài đọc thứ nhất được trích trong sách Xuất Hành (Xh 17,3-7) kể về việc người Do Thái phàn nàn với ông Môsê, vì sau khi rời khỏi Ai Cập, họ phải rong ruổi trong sa mạc. Đối diện với tình cảnh thiếu lương thực, thực phẩm và nước uống, họ bắt đầu lẩm bẩm kêu trách ông Môsê rằng: "Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?" (Xh 17,3).

    Để đáp lại nguyện vọng của dân, ông Môsê đã thỉnh cầu lên Thiên Chúa và được Ngài chấp nhận. Thiên Chúa truyền cho ông lấy cây gậy đập vào một tảng đá, lập tức, nước từ tảng đá vọt ra cho dân uống thỏa thuê.

    Hình ảnh dòng nước vọt ra từ tảng đá trong sa mạc hoang vu và nắng cháy, chính là hình ảnh báo trước về nước hằng sống mà chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa trọn vẹn qua lời mạc khải của Đức Giêsu Kitô sau này.

    Cũng một chủ đề về nước, Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay (Ga 4,5-42) thuật lại câu chuyện giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp.

    Sau chuyến hành trình mệt nhoài bởi phải rong ruổi khắp các làng mạc để loan báo Tin Mừng, khoảng 12 giờ trưa, Chúa Giêsu dừng lại bên bờ giếng Giacóp. Bối cảnh của văn hóa Do Thái cũng giống như văn hóa tại các làng Bắc Việt của chúng ta vài chục năm về trước, giếng làng không chỉ là nguồn cung cấp nước mà con là nơi hội họp của mọi người dân trong làng.

    Thoạt đầu, Đức Giêsu ngỏ lời xin người phụ nữ Samaria chút nước uống. Có thể nói, đây là một cử chỉ thật khiêm nhường, bởi theo phong tục của người Do Thái, không bao giờ có chuyện một người đàn ông Do Thái tiếp xúc với một người phụ nữ Samaria, nhất là ở chốn công cộng, chứ đừng nói đến chuyện xin xỏ điều này điều kia. Nhưng ở đây, Đức Giêsu đã bỏ qua mọi rào cản của những cấm đoán và nghi kỵ như chúng ta thấy nhiều lần trong Tin Mừng Ngài đã từng làm như vậy khi chữa bệnh trong ngày Sabát hay đụng chạm tới người phong cùi…

    Thực ra, khi xin nước của người phụ nữ này, Đức Giêsu không có ý ám chỉ đến thứ nước thông thường (mặc dù Ngài đang rất mệt và khát nước) mà đó chỉ là câu chuyện khởi đầu để Ngài giới thiệu một thứ nước mà chính Ngài sẽ ban cho chị cũng như cho toàn dân – thứ nước hằng sống.

    Trình thuật sau của bài Tin Mừng cho thấy cục diện đã thay đổi 180 độ. Thật ngạc nhiên khi Đức Giêsu - người đi xin nước uống - lại trở thành người ban phát nước chỉ sau một vài trao đổi qua lại với người phụ nữ xa lạ.

    Qua câu chuyện về đời tư của chị, Đức Giêsu đã cho thấy, mặc dù chị đang ở bên giếng nước nhưng thực ra chị vẫn đang “khát” một thứ “nước” khác. Bấy lâu nay, chị những tưởng những cuộc phiêu lưu tình ái sẽ làm cho chị thỏa cơn khát, nhưng dù đã qua 5 đời chồng “hờ” mà vẫn chẳng có người đàn ông nào thực sự là của chị cả. Chỉ đến khi gặp được Đức Giêsu, trò chuyện với Ngài và được Ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với Chúa thì chị mới hết khát. Ngay lập tức, chị “bỏ vò nước lại” và chạy vào thành loan báo cho mọi người rằng: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao ?". Qua hành động “bỏ vò nước lại” cho thấy, lúc này, đối với chị, thứ nước uống vật chất không còn quan trọng nữa. Bởi Chúa Giêsu mới chính là thứ “nước” mà chị đang thực sự cần đến.

    ***

    Dường như con người ở mọi thời đại đều mải miết đi tìm danh vọng, quyền thế và tiền bạc. Không ít người lầm tưởng rằng, những thứ đó sẽ đảm bảo cho họ một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng thực ra, từ trong sâu thẳm của tâm hồn, con người vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó mà bản thân những của cải vật chất, danh vọng và tình ái… không làm cho họ thỏa mãn được. Thế nên, trong lịch sử, không thiếu gì ngôi sao điện ảnh, tỷ phú hay những doanh nhân thành đạt… tự tìm đến cái chết, vì họ cảm thấy cuộc đời này trở nên nhạt nhẽo và vô vị sau khi đã đạt được tất cả những thứ họ mong muốn.

    Qua câu chuyện của người phụ nữ Samaria hôm nay, Tin Mừng cho chúng ta thấy, chỉ có Thiên Chúa mới là thứ “nước” làm khỏa lấp mọi khát mong của con người. Không phải tự nhiên người phụ nữ Samaria bỗng chốc trở nên sứ giả loan báo Tin Mừng, nhưng là từ sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu - cuộc gặp gỡ đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời của chị. Đó cũng là kinh nghiệm của bốn môn đệ đầu tiên; của Lêvi - người thu thuế; của Maria Mađalena - người phụ nữ tội lỗi; của chàng thanh niên Saolê mà sau này được đổi tên là Phaolô…

    Để được biến đổi, chúng ta cũng cần phải đến với Chúa, nói với Ngài và để Ngài nói với chúng ta. Vậy mỗi chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem, tôi đã được biến đổi hay chưa? Nếu như chưa được biến đổi, phải chăng tôi đã chưa thực sự gặp được Chúa? Mỗi người đều có những cơn khát khác nhau. Còn tôi hôm nay, tôi đang khát thứ “nước” nào?

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ