Chia sẻ Lời Chúa- Chúa Nhật III Phục Sinh Năm A

  • 23/04/2023
  • “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”

     

    Chia sẻ Lời Chúa- Chúa Nhật III Phục Sinh Năm A

    Lc 24,13-35

    “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”

     

    Trình thuật hai môn đi đàng Emmaus hôm nay là một áng văn thật đẹp. Đẹp không chỉ trong cách hành văn, nhưng còn đẹp bởi đây là một câu chuyện kết thúc có hậu. Đó là câu chuyện về một cuộc đổi đời ngoạn mục của hai môn đệ.

    Trước khi gặp Đấng Phục Sinh

    Trước khi gặp Đấng Phục Sinh, hai môn đệ bước đi trong sự buồn nản và thất vọng. Họ thất vọng không phải là không có lý do. Bởi xưa nay, theo cách nhìn của họ, Đức Giêsu chỉ là “một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của người Do Thái đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá”. (x.Lc 24, 19-20)

    Làm sao lại không buồn, khi mà trước đây, họ vẫn hy vọng rằng chính Đức Giêsu là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. (x.Lc 24,21) – nghĩa là, Người sẽ đứng lên để lật đổ chính quyền ngoại bang và đem về nền độc lập cho dân tộc Israel. Và chắc hẳn, khi đó, họ sẽ có một chỗ đứng trong “chính phủ mới” do Đức Giêsu nắm quyền. Nhưng kể từ khi Đức Giêsu - Thầy của họ bị treo trên thập giá và chết đi, thì mọi hy vọng của họ đều tan biến thành mây khói.

    Không những thế, mấy người phụ nữ trong nhóm khi ra thăm mồ từ sáng sớm lại còn loan báo rằng: chẳng thấy xác Đức Giêsu đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. (x.Lc 24,23) - điều mà xưa nay chưa từng thấy ai nói tới bao giờ.

    Thế nên, hai ông đã chọn giải pháp “đào vi thượng sách”. Chí lớn không thành, thì đành trở lại quê hương, trở lại với ruộng vườn. Tương lai của các ông tạm thời bị khép lại. Trong lúc ruột gan rối bời như vậy, làm sao các ông có thể hiểu được rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người. (x.Lc 24,26).

    Sau khi gặp Đấng Phục Sinh

    Cũng bước chân ấy, cũng trên con đường ấy, nhưng sau khi gặp Đấng Phục Sinh, thái độ của hai môn đệ đã hoàn toàn khác hẳn.

    Tin Mừng ghi lại rằng: Sau khi chứng kiến “người khách lạ” dâng lời chúc tụng và bẻ bánh, thì mắt họ liền mở ra và họ nhận ra “người khách lạ” đó chính là Đức Giêsu (x.Lc 24,30). Thực ra, trước đó, họ vẫn là những người sáng mắt, chỉ có điều, họ “nhìn” mà chẳng “thấy” được cái sâu xa của biến cố Phục Sinh.

    Trong niềm vui sướng khôn tả, họ cùng nhớ lại, quả thật, lòng họ đã cảm thấy bừng cháy lên khi nghe Đức Giêsu giải thích những lời Kinh Thánh (x.Lc 24,32). Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. (x.Lc 24,33).

    Tại sao các ông lại có sự biến đối đến kỳ lạ như vậy ? Chắc hẳn ai cũng hiểu, lý do là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hi vọng và có lẽ sống.

    Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh? Thưa, chúng ta phải học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus.

    Trước tiên, để gặp gỡ Chúa, chúng ta cần phải có một niềm khao khát được gặp Ngài. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu không còn bị giới hạn trong không gian, nhưng Ngài ở khắp mọi nơi, có khi Ngài ở ngay bên ta. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta có nhận ra Ngài hay không.

    Thứ đến, để gặp được Chúa, chúng ta cần phải học hỏi về Ngài qua việc chia sẻ Lời Chúa với nhau. Khi đồng hành với hai môn đệ, Đức Giêsu không tỏ mình ra cho các ông ngay, mà Ngài lần lượt dẫn giải cho các ông về các đoạn Thánh Kinh liên quan đến Đấng Kitô. Từ đó, lòng các ông cảm thấy “nóng lên” - một cảm xúc mà trước đó các ông không có được.

    Để gặp gỡ Chúa, chúng ta còn cần phải năng tham dự nghi lễ “bẻ bánh” tức là Thánh lễ. Bởi Bí tích Thánh Thể chính là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Nơi đó, chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta.

    Sau cùng, để gặp gỡ Chúa, chúng ta cần phải biết chia sẻ với anh chị em chúng ta. Mặc dù Đức Giêsu làm như muốn đi xa hơn nữa, nhưng hai môn đệ đã nài xin Ngài ở lại để dùng bữa tối với mình. Và cũng chính trong bữa tối hôm đó, qua cử chỉ bẻ bánh, các ông đã nhận ra Chúa. Một trong những động lực giúp Tu hội của Chân phước Têrêxa Calcutta có thể phát triển trong việc bác ái xã hội, đó là vì: Mẹ cùng các nữ tu của Mẹ đã nhận ra hình ảnh của Chúa nơi những người đau khổ. Cũng vậy, qua công việc từ thiện bác ái, không chỉ giúp chúng ta biết cảm thông với những người đau khổ hơn, nhưng còn dễ nhận ra hình ảnh của Chúa nơi tha nhân hơn.

    ***

    Có thể nói, hành trình của hai môn đệ trên đường Emmaus cũng chính là hành trình cuộc đời của mỗi chúng ta. Trong cuộc sống vất vả, bôn ba lo cơm áo gạo tiền, không thiếu những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi chán chường. Nhiều người có cảm giác, những lúc đau khổ, dường như Thiên Chúa vắng bóng trong cuộc đời của họ. Nhưng câu chuyện về hai môn đệ đường Emmaus cho chúng ta thấy không phải vậy. Trong đời sống đạo, chúng ta cứ ngỡ mình là kẻ đi tìm gặp Chúa, nhưng thực ra, chính Thiên Chúa mới là Đấng đi tìm gặp chúng ta trước. Ngài luôn đồng hành bên cuộc đời chúng ta, nhỉ có điều, chúng ta lại không nhận ra sự hiện diện của Ngài.

    Hai môn đệ, sau khi gặp được Chúa, đã ngay lập tức quay trở lại Giêrusalem để loan báo tin vui này cho các môn đệ khác. Hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy chia sẻ niềm vui Phục sinh với hết mọi người chúng ta gặp gỡ thông qua đời sống chứng tá mỗi ngày.

    Cũng như hai môn đệ đường Emmaus, chúng ta hãy mời Chúa đến trong cuộc đời chúng ta, trong gia đình chúng ta. Để nhờ sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, những nỗi buồn của chúng ta sẽ trở thành niềm vui bất diệt - niềm vui mà không ai có thể lấy đi được.

    “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều”. (Lc 24,29). Amen.

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ