Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C

  • 27/04/2022
  • “Con có yêu mến Thầy không ?”

     

    Có lẽ chưa bao giới truyền thông lại quan tâm đến công việc của Giáo Hội nhiều như trong dịp bầu Giáo Hoàng vừa qua. Người ta nói nhiều đến Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô không chỉ vì vai trò và tầm quan trọng của ngài trong tư cách là người lãnh đạo tinh thần của hơn hai tỷ người Công Giáo, mà còn vì ngài là “Vị Giáo Hoàng của người nghèo” - theo như cách gọi của giới truyền thông.


    Quả vậy, việc ĐGH Phanxicô quan tâm cách đặc biệt tới người nghèo không phải vì để “đánh bóng tên tuổi” như một vài vị nguyên thủ quốc gia hay một số ngôi sao, nhưng là xuất phát tự con tim của một vị mục tử. Ngay từ thời còn là linh mục, rồi Giám mục, Tổng Giám mục, ngài luôn sống một cách đơn sơ giản dị. Ngoài những công việc thuộc trọng trách, ngài còn dành phần lớn thì giờ cho những người nghèo khổ trong xã hội. Hành động ngài cúi xuống rửa và âu yếm hôn đôi chân của những người bất hạnh là bằng chứng hùng hồn cho những lời nhận xét của báo chí. Nhưng đâu là động lực để ngài có thể làm được những nghĩa cử cao đẹp như vậy, nếu không phải là từ lòng yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương con người ? 


    Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ trên bờ biển hồ Galilê. Tác giả Tin Mừng ghi rõ rằng: “Đây là lần thứ ba Người hiện ra với các ông sau khi từ cõi chết sống lại” (Ga 21,14). Trong lần hiện ra này, Chúa Giêsu đã thẩm vấn thánh Phêrô về tình yêu của ông dành cho Người.


    Nếu chỉ hiểu việc Chúa Giêsu hỏi ông Phêrô tới ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” như là một sự “trả đũa” Phêrô thì xem ra chưa lột tả hết được ý nghĩa sâu xa mà Chúa Giêsu muốn nhắm tới. Việc lặp lại ba lần câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không”, ngoài việc muốn trắc nghiệm lại lòng mến của ông đối với Người, sau khi ông đã công khai chối Thầy ba lần, thì câu hỏi của Chúa Giêsu còn có ý nói rằng: Phêrô chính thức được giao phó nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Người.


    Qua việc thẩm vấn như vậy, Chúa Giêsu hoàn toàn không muốn khơi lại niềm đau xa xưa, nhưng Người muốn nói với Phêrô rằng: việc ông được trở nên “người chăn dắt các chiên của Chúa” không phải là do công lao, hay tài đức của riêng ông, nhưng hoàn toàn do Thiên Chúa: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Đây cũng là điểm chung của mọi trình thuật về ơn gọi trong toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước. Lời mời gọi của Thiên Chúa luôn đi theo lời xác quyết tính cách bất xứng của đương sự. 


    Tuy nhiên trong Giáo Hội, quyền bính không phải là thứ để người ta lên mặt tự hào cho bằng để phục vụ tha nhân. Như lời Chúa nói: “Thủ lãnh các dân thì dùng quyền mà thống trị dân,... nhưng trong anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,25-26). Chính vì thế mà liền sau lời “phong chức” cho Phêrô, Chúa Giêsu tỏ cho ông biết rằng: ông sẽ phải chịu nhiều đau khổ vì Danh Người: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn" (Ga 21,18).

     
    Việc thẩm vấn hôm nay còn hàm ý rằng, Chúa Giêsu đã tha thứ cho những lỗi lầm của Phêrô và mời gọi ông bước lên một tầm cao mới. Có lẽ ý thức được điều này, mà không chỉ Phêrô, các Tông Đồ khác cũng hăng say lên đường truyền giáo, bất chấp tất cả những hiểm nguy đang chờ đợi ở phía trước. Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại rằng: Sau khi bị tra tấn dưới nhiều hình thức khác nhau, “các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su” (Cv 5,41). Cũng nhờ có sự can trường và quả cảm đó mà Tin Mừng của Đức Kitô đã được loan đi đến tận cùng bờ cõi trái đất.

    ***

    Lời mời gọi của Đức Giêsu với Phêrô, Người vẫn lặp lại với chúng ta ngày hôm nay: “Con có yêu mến Thầy không?”


    Nếu chỉ hiểu tình yêu mến Thiên Chúa như một thứ tình cảm chúng ta dành cho Ngài thì có lẽ ai trong chúng ta cũng sẵn sàng trả lời “có” mà không cần so đo hay tính toán. Tuy nhiên, cũng như Phêrô, lời tuyên xưng “yêu mến Thiên Chúa” không đơn giản như vậy, mà đồng nghĩa với việc phải chấp nhận đi theo con đường mà Thiên Chúa đã định liệu cho chúng ta – đó là con đường thập giá.


    Tình yêu mến chỉ thể hiện trên đầu môi chót lưỡi thôi chưa đủ, nhưng phải được thể hiện bằng cả cuộc sống của chúng ta, như lời Bài Ca Đức Mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. (1Cr 13,4-7).


    Trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội hơn hai ngàn năm qua, đã có không biết bao nhiêu vị thánh, đã sống và chết cho lý tưởng tốt đẹp đó. Gần chúng ta hơn cả là tấm gương của các Thánh Tử Đạo Việt Nam – cha ông chúng ta. Các ngài đã thể hiện tình yêu đó bằng việc chấp nhận muôn ngàn gian lao khốn khó và sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để minh chứng cho tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa, Đấng mà các ngài tôn thờ.

    ***

    Khi trao trọng trách đứng đầu Giáo Hội cho thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã không hỏi rằng: Ông có bao nhiêu bằng cấp; Người cũng không hỏi ông có thể nói được bao nhiêu thứ tiếng, hay có những khả năng đặc biệt gì? Nhưng Người hỏi: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?”. 


    Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có tình yêu mới tồn tại mãi. Vào ngày cuối cùng của cuộc đời, chúng ta sẽ không bị xét xử về điều gì khác, ngoại trừ xét xử về lòng yêu mến của chúng ta dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Vậy hôm nay đây, chúng ta sẽ làm gì để ngày chung thẩm, chúng ta có thể nói được như thánh Phêrô rằng: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến thầy” ? Amen.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
     

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ