Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C

  • 25/03/2022
  • Tấm lòng hiền phụ

     

    Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe được coi là một trong những tuyệt tác văn chương của thánh sử Luca - một thầy thuốc nhưng đồng thời cũng là một văn sĩ. Trước đây, người ta quen gọi dụ ngôn này với cái tên “Người con hoang đàng” để nói về sự đi hoang của người con thứ ngỗ nghịch, nhưng đúng ra, phải gọi dụ ngôn này với cái tên: “Người cha nhân hậu”. Bởi vì dụ ngôn nói về lòng từ bi và sự tha thứ vô bờ bến của người cha già giàu lòng xót thương.

    Theo tục lệ của người Dothái cũng như tại hầu hết các quốc gia, cha mẹ chỉ phân chia tài sản cho con cái khi đã thực sự qua đời. Còn nếu có phân chia gia tài khi các ngài còn sống, thì phải do các ngài tự ý làm điều đó; đàng này, người con thứ lại đòi cha mình phân chia gia tài khi ngài còn sống. Điều đó như một sự xỉ nhục cho người cha già tội nghiệp. Nghiệt ngã hơn, qua hành động xin phân chia gia tài như vậy, người con còn như thầm mong cho cha mình sớm khuất bóng.

    Mặc dù biết như vậy, nhưng người cha ở đây vẫn chiều theo ý của cậu quý tử. Ông đồng ý không phải vì ông nhu nhược hay bất lực, nhưng ông muốn tôn trọng sự tự do của con. Chắc hẳn ông làm điều đó nhưng lòng ông đau lắm. Ông đau vì tình yêu của ông bị phản bội, mà người phản bội không ai khác, lại chính là đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Người xưa vẫn nói: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Vậy mà trong lúc tuổi già, ông lại bị đứa con bỏ nhà ra đi.

    Đối với người con thứ, anh ta chỉ làm theo những gì mình nghĩ, mà không cần đếm xỉa đến việc người cha già sẽ nghĩ gì và lo lắng gì? anh ra đi theo tiếng gọi của những thú vui, những mời mọc của lối sống trác táng.

    Sau khi đã phung phí hết số tài sản của mình, anh nghĩ đến việc trở về nhà. Nếu chỉ đọc thoáng qua, chúng ta sẽ nghĩ rằng: Thế là sau cùng anh chàng này cũng biết hối hận: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15, 18-19). Thế nhưng theo mạch văn của Tin Mừng cho chúng ta biết, thực ra động lực khiến anh trở về ở đây không phải là vì anh hối hận vì những lầm lỗi của mình, lại càng không phải là vì anh thương người cha già đang ở nhà đợi con trong mòn mỏi, mà việc anh trở về chỉ đơn giản là vì … anh đói. Tin Mừng ghi lại rằng: Ở nơi đất khách quê người, “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: 'Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói !(Lc 15,16-17). Như vậy, động lực khiến anh trở về cũng chỉ vì anh lo cho bản thân của mình. Có thể trong lòng anh, nghĩ, mình sẽ chấp nhận mọi hình phạt của người cha để có được miếng ăn.

    Thế nhưng người cha già đã hành động trái ngược hẳn với những gì mà người con thứ quan niệm. Khi trong thấy anh tự đàng xa, ông đã vội vàng chạy tới ôm chầm lấy anh. (x.Lc 15, 20). Tại sao lại phải chạy mà không đi chầm chậm thôi, vì ông đã già rồi mà! Nhưng không! người cha già đã chạy. Hành động “chạy lại” chứng tỏ ông đang khao khát mong đứa con trở về.. Sở dĩ ông là người đầu tiên trong gia đình phát hiện ra con mình trở về chứ không phải là ai khác, là bởi vì kể từ ngày đứa con ngỗ nghịch bỏ nhà ra đi, không ngày nào ông lại không ra ngõ đứng ngóng con trở về.

    Sau khi ôm hôn con hồi lâu, ông đã sai gia nhân đem áo đẹp nhất mặc cho cậu, đem nhẫn xỏ vào ngón tay cậu và đem giầy xỏ vào chân cậu” (x. Lc 15, 22). Ông muốn ngay lập tức trả lại cho cậu địa vị làm còn trong gia đình, trong khi, tự thâm tâm, người con thứ chỉ ước mong được cha coi như “một đứa ở trong nhà”. Không những thế, ông còn sai gia nhân giết con bê béo làm thịt. Có lẽ đây là con bê đã được ông chuẩn bị từ lâu, vì ông biết rằng, sẽ có ngày con ông sẽ trở về.

    ***

    Hình ảnh của người cha nhân hậu mà đoạn Tin Mừng Luca vừa giới thiệu, chính là hình của Thiên Chúa - Đấng nhân hậu và hay tha thứ. Trong cuộc đời, đã biết bao lần chúng ta đi hoang, tỏ ra bất cần trước lời mời gọi đầy yêu thương của Thiên Chúa. Trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta thường coi Ngài như một vị quan tòa, chỉ biết lên án và xử phạt, mà ít khi ý thức được rằng: Thiên Chúa là Đấng công thẳng, nhưng đồng thời, Ngài cũng là Đấng rất mực yêu thương.

    Người cha già trong bài Tin Mừng hôm nay đã không muốn nghe hết lời xin lỗi của người con. Ông không muốn nghe cụm từ: “Xin cha hãy coi con như một người làm công cho cha” (Lc 15,19). Cũng vậy, Thiên Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu của một người cha dành cho người con yêu dấu của mình: “Từ nay, Thầy không gọi anh em là tôi tớ… nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Thế nhưng lạ lùng thay, nhiều lúc, chúng ta lại chỉ muốn mình là một người đầy tớ! Thiên Chúa muốn ôm chúng ta vào lòng, trong khi chúng ta lại chỉ muốn tuột khỏi bàn tay nhân ái của Ngài. Thiên Chúa không đòi chúng ta điều gì khác, ngoại trừ việc ước mong chúng ta hãy quay trở về với Ngài, để Ngài có thể tha thứ cho chúng ta.

    ***

    Phụng Vụ Mùa Chay, cách riêng Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức lại cách hành xử của chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta, vậy chúng ta cũng đừng bao giờ nghi ngờ về tình yêu Thiên Chúa cũng như đừng bao giờ thất vọng về chính bản thân mình. Đối với Thiên Chúa, ở tận cùng của những con đường, đều có một con đường mới.

    Vậy hôm nay đây và ngay lúc này, chúng ta hãy đứng dậy để trở về. Cho dù chúng ta có yếu đuối sa ngã, cho dù chúng ta có mệt mỏi và chán chường, cũng hãy cứ tin tưởng mà trở về cùng Chúa, vì Ngài là Đấng khoan dung và nhân hậu.

    Lạy Chúa: “Tình Chúa bao la như biển cả. Tình con nhỏ bé như Giọt sương. Tình Ngài vững bền tựa núi non. Tình con cho Chúa quá mỏi mòn. Xin cho con một đời trung kiên trong ân tình Chúa. Để con rao giảng Tin Mừng, để con minh chứng tình yêu. Để con đi khắp trần gian, loan báo hồng ân Chúa cho mọi người”. Amen. (Trích lời bài hát: “Tình Chúa – Tình con” của Duy Thiên).

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ