Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A

  • 17/12/2022
  • “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” – (Mt 1,18-24)

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A

    “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” – (Mt 1,18-24)

    “Ở với con người” là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa

    Trong những ngày này, khắp nơi trên thế giới (cả người Công Giáo và ngoài Công Giáo) đều nô nức đón mừng Giáng Sinh. Người ta thi nhau trang trí đèn điện, cây thông, hang đá và tổ chức mua sắm…Có lẽ chính vì thế mà lễ Noel không còn đơn thuần là ngày lễ của người Công Giáo nữa mà đã mang ý nghĩa toàn cầu.

    Tuy nhiên, với những người không cùng niềm tin, họ chỉ giới hạn lễ Noel trong việc mua sắm và tặng quà. Còn người Công Giáo chúng ta, không chỉ dừng lại ở niềm vui bên ngoài đó, mà chúng ta đi vào ý nghĩa đích thực của ngày lễ, đó là mừng trọng thể biến cố “Thiên Chúa viếng thăm dân Người”. Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Thế nhưng, lời loan báo này, không phải tới thời của Chúa Giêsu, mà khoảng tám thế kỷ trước đó, ngôn sứ Isaia đã đề cập tới.

    Cùng lần trở lại bối cảnh của dân Thiên Chúa thời ngôn sứ Isaia, chúng ta biết được rằng, khi đó vương quốc Giuđa đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi đế quốc Assyria. Người dân lương thiện phải sống trong lầm than, khổ cực, khốn khổ trăm bề. Đúng vào thời điểm đó, ngôn sứ Isaia xuất hiện. Ông trấn an vua Achaz (bấy giờ đang làm vua Giuđa) rằng: đừng sợ, hãy trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhưng vua Achaz hoài nghi. Để khuyến khích nhà vua thêm tin tưởng, Isaia cho nhà vua một dấu chỉ: “Này đây một phụ nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14).

    Đây không phải là điều gì mới mẻ và xa lạ với dân Thiên Chúa, bởi ngay từ lúc khởi đầu, sau khi dựng nên vũ trụ vạn vật, Thiên Chúa đã “ở với dân của Người”. Sách Sáng Thế thuật lại rằng: Chiều chiều, Thiên Chúa đi dạo với con người trong vườn địa đàng. Sau khi tổ tông loài người phạm tội, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương, nâng đỡ. Trong suốt hành trình 40 năm sa mạc, Ngài đã ở với họ trong áng mây, cột lửa, Ngài đã ở nơi họ trong Hòm Bia giao ước và nơi các vị thủ lãnh, ngôn sứ và những người đặc tuyển.

    Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ, Ngài còn muốn ở với họ một cách sâu xa và gần gũi hơn nữa bằng việc tự nguyện trở nên một người phàm như chúng ta. Ngài không muốn chỉ ghé thăm chúng ta như một vị khách xa lạ, nhưng là “ở cùng chúng ta” nữa.

    Để “ở với con người”, Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người

    Tuy nhiên, để có thể ở giữa loài người, Thiên Chúa muốn có sự cộng tác của con người. Đức Maria và thánh Giuse là những con người đầu tiên và gương mẫu của việc cộng tác thực hiện kế hoạch này.

    Trong khi thánh sử Luca thuật lại biến cố Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ (x.Lc 1,26-38), thì ở đây, thánh sử Matthêu thuật lại việc Thiên Thần truyền tin cho thánh Giuse (x.Mt 1,18-24).

    Trong biến cố truyền tin cho Đức Mẹ, dù chưa hiểu hết chương trình và ý định của Thiên Chúa, nhưng Đức Maria vẫn cúi đầu xin vâng trong tâm tình của một “nữ tì của Thiên Chúa”. Hai tiếng xin vâng của Đức Maria như chìa khóa mở đầu cho một giai đoạn mới, thời kỳ cuối cùng của chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúa Cứu Thế đã nhập thể với lời xin vâng của Đức Mẹ. Thế nhưng, chắc hẳn, khi nói lời “Xin vâng” Mẹ đã phải đắn đo rất nhiều, bởi khi quyết định thuận theo ý Chúa, cũng đồng nghĩa với việc Mẹ sẵn sàng chấp nhận những gian lao, thách đố đang đợi chờ. Sở dĩ Mẹ có thể đi đến quyết định như vậy là vì như lời một thánh giáo phụ nói, Mẹ đã cưu mang Chúa trong đức tin trước khi cưu mang Người trong thể xác Mẹ. Maria đã dẹp bỏ tất cả những gì là riêng tư, cá nhân, để "Xin cho ý Cha được thực hiện."

    Thánh Giuse cũng vậy, sau khi đã được giải thích cho biết về kế hoạch thần linh, Người cũng đã sẵn lòng quên mình để cho ý định của Thiên Chúa được hoàn tất, ngài đã vui vẻ đón Đức Maria về nhà mình. Chính việc tự xoá mình và hoàn toàn giao phó đời mình cho Thiên Chúa đã làm cho tình yêu của các ngài sung mãn.

    Chúng ta phải làm gì, để được Thiên Chúa ở cùng và được ở cùng Thiên Chúa?

    Chúng ta đang tiến rất gần tới những ngày đại lễ Thiên Chúa Giáng Sinh - biến cố mừng kỷ niệm việc “Thiên Chúa ở với dân Người”. Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc mừng lễ bề ngoài, thì cũng chẳng khác gì những người ngoài Công Giáo, tức là chỉ giới hạn lễ Giáng Sinh trong những việc như trang trí hang đá, cây thông, máng cỏ, hay mua sắm, vui chơi…

    Đấng Emmanuel đã đến giữa con người hơn 2000 năm qua, và cho tới hôm nay, Ngài vẫn hằng ở giữa chúng ta, nhưng vấn đề là ở chỗ, chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài hay không ?

    Đấng Emmanuel cũng là Hoàng Tử của hòa bình. Thế nên, chúng ta sẽ chẳng thể nhận ra Ngài, nếu như đời sống của chúng ta vẫn còn những hận thù, chia rẽ, những toan tính nhỏ nhen, những hờn ghen, tính toán.

    Đức Mẹ và thánh Giuse đã chấp nhận gạt bỏ ý riêng để cho thánh ý Thiên Chúa được thể hiện. Cũng vậy, để thánh ý Chúa được thể hiện nơi cuộc đời chúng ta, mỗi người cũng hãy biết dẹp bỏ ý riêng, khiêm tốn cộng tác vào chương trình của Ngài, nhờ việc siêng năng suy niệm Lời Chúa trong lòng.

    Khi người ta yêu nhau, người ta thường mong ước được ở gần người mình yêu. Thiên Chúa đã, đang và vẫn ước muốn được “ở với chúng ta” mọi ngày cho đến tận thế qua Bí Tích Thánh Thể. Còn chúng ta, chúng ta có sẵn sàng mở cửa lòng mình, để đón rước Chúa đến hay không ?

    Chớ gì, trong khi chuẩn bị hang đá, máng cỏ để mừng đại lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, chúng ta hãy dành cho Chúa một “máng cỏ” trong tâm hồn chúng ta. Ước gì chúng ta biết mở rộng lòng đón lấy Ngài, nên một với Ngài, nhờ đó, Ngài có thể mãi mãi là Đấng Emmanuel cho mỗi chúng ta và cho nhân loại hôm nay.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ