Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng Năm A

  • 12/12/2022
  • Niềm vui mong chờ Chúa đến

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng Năm A

    Mt 11, 2-11

    Niềm vui mong chờ Chúa đến

    Chuyện kể rằng, vào một buổi sáng nọ, người thợ giày thức giấc rất sớm, anh quét dọn cái xưởng nhỏ bé của anh cho tươm tất rồi vào trong phòng khách chờ đợi. Bởi vì hôm nay bằng mọi giá anh phải ngồi ở nhà để chờ đợi cho bằng được người khách quý, và người khách quý đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối hôm qua trong giấc mơ của anh, Người hiện ra và báo cho anh biết Người sẽ đến thăm nhà anh trong ngày hôm sau.

    Người thợ giày ngồi trong phòng khách chờ đợi, tâm hồn tràn ngập niềm vui. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua những cành cây bên nhà, cũng là lúc anh nghe có tiếng gõ cửa. Lòng anh vừa hồi hộp vừa hân hoan. Hẳn là Chúa đang đến! Anh vội vàng ra mở cửa, nhưng kẻ đứng trước mặt anh không phải là Chúa mà là một người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông cho nên cái lạnh như cắt làm cho mặt mũi và tay chân của người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giày không nỡ để cho người nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa, anh liền mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc của mình.

    Người thợ giày lại tiếp tục ngồi vào phòng khách và chờ đợi Chúa đến. Nhìn qua cửa sổ anh bỗng thấy một cậu bé đi ngang qua. Hình như cậu ta đang khóc! Anh thợ giày bèn gọi nó lại và hỏi cho biết cơ sự. Ðứa bé cho biết, nó đã bị lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giày lấy giấy viết vài chữ để lại trên bàn để báo cho vị khách quý biết mình đang có việc cần phải đi ra ngoài, rồi anh cầm tay đứa bé tìm đường dẫn nó về nhà.

    Khi anh về lại nhà mình thì phố xá đã lên đèn, vừa bước đến cửa, anh lại thấy có một người đang chờ đợi anh, nhưng người đó không phải là Chúa mà là một người đàn bà dáng vẻ tiều tụy. Người đàn bà cho biết, đứa con của bà bị ốm rất nặng mà bà chẳng có ai để cậy nhờ. Nghe thế, người thợ giày lại hối hả cùng với người đàn bà đến chăm sóc cho đứa bé đến nửa đêm anh mới về nhà. Quá mệt mỏi, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

    Thế là một ngày đã qua mà Chúa vẫn chưa đến thăm anh, nhưng thình lình trong giấc ngủ, người thợ giày bỗng nghe tiếng Chúa nói với anh như sau: Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay.

    ***

    Tin Mừng hôm nay cũng kể lại việc Gioan Tẩy Giả (lúc ấy đang ở trong tù) sai người đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “"Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?" (Mt 11,3).

    Cũng như những người đương thời, Gioan Tẩy Giả nôn nóng chờ Đấng Messia đến. Gioan cũng đoán rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia ấy. Chỉ có điều Gioan lại quan niệm rằng, Đấng Messia là một vị Thẩm phán nghiêm minh. Ngài đến để trừng trị những người gian ác theo kiểu: “Cái rìu đã kề sát gốc cây, cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Vì thế khi thấy Đức Giêsu chưa làm gì để trừng trị kẻ ác, thậm chí bản thân Gioan cũng đang bị giam giữ trong ngục một cách bất công mà Ngài cũng chưa ra tay. Gioan đâm ra hoang mang, ông sai môn đệ đến để hỏi cho biết thực hư thế nào. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không trả lời trực tiếp. Ngài bảo các môn đệ của Gioan về thuật lại cho thầy của họ tất cả những điều họ thấy Ngài làm, đó là: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5). Như thế, một cách gián tiếp, Đức Giêsu đã trả lời cho Gioan biết rằng Ngài chính là Đấng Messia; đồng thời Ngài cũng điều chỉnh lại quan niệm của Gioan: Đấng Messia đến không phải để trừng trị mà để cứu vớt.

    ***

    Nhận thức sai lầm về vai trò của Đấng Mêsia không chỉ xảy ra thời Chúa Giêsu, mà còn xảy ra vào thời Giáo Hội sơ khai như trong thư của thánh Giacôbê cho chúng ta biết. Mặc dù đã được loan báo về ngày quang lâm rằng, Đấng Mêsia sẽ đến để giải thoát dân chúng khỏi cảnh lầm than, khỏi ách nô lệ của ngoại bang, thế nhưng, trong khi mong chờ ngày ấy đến, các tín hữu vẫn phải sống trong cảnh khổ cực, cuộc sống vất vả, bất công làn tràn… và họ bắt đầu nản lòng. Thánh Giacôbê khuyến khích họ hãy làm như bác nông phu: đã gieo giống rồi thì thế nào cũng tới mùa gặt hái, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi thôi : "Anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến" (Gc 5,7).

    ***

    Chúng ta đã đi được quá nửa quãng đường của Mùa Vọng, thế nhưng chúng ta đã làm được gì để chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến ? Thái độ của Gioan Tẩy Giả hôm nay có thể đang lặp lại một cách nào đó nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta.

    Lời Chúa hôm nay, một lần nữa nhắc nhở chúng ta hãy vui lên. Nhưng phải là “vui trong niềm vui của Chúa” chứ không phải theo kiểu người đời. Người đời thường vui khi cuộc sống gặp những thành công, vui khi công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, vui khi gia đình bình an, con cái thành đạt... đó cũng là lẽ thường tình. Trong khi, niềm vui của Chúa thì khác: Vui khi sống công chính, ngay thẳng; vui khi đem thứ tha vào nơi lăng nhục; vui khi đem an hòa vào nơi tranh chấp; vui khi phải chấp nhận những thiệt thòi; vui khi bị bách hại chỉ vì chúng ta mang danh là Kitô hữu; vui khi những lời cầu nguyện của chúng ta chưa được Chúa chấp nhận…

    Lý thuyết thì như vậy, thế nhưng để hiểu và sống niềm vui đó là điều không hề đơn giản, nhưng đó lại là điều mà Chúa đang mời gọi chúng ta dấn thân. Chúa đã đến với nhân loại hơn 2000 năm qua, nhưng cho đến hôm nay, Đức Giêsu - Đấng Cứu Độ duy nhất - vẫn còn xa lạ với nhiều người. Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ. Phải chăng bởi vì vẫn còn thiếu những người Kitô hữu dám làm chứng, thiếu những người giới thiệu Chúa cho người khác. Như câu chuyện kể trên, mỗi người hãy làm một điều gì đó tốt đẹp cho anh chị em mình.

    Xin cầu chúc cho cộng đoàn, giữa bao nghịch cảnh của cuộc sống, luôn biết sống vui, sống lạc quan trong niềm tin yêu phó thác vì biết rằng chỉ có Chúa mới là niềm vui đích thực của chúng ta.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ