Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật thứ VI Phục Sinh Năm A

  • 14/05/2023
  • Hạnh phúc vì được ở cùng Chúa và được Chúa ở cùng

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật thứ VI Phục Sinh Năm A

    Hạnh phúc vì được ở cùng Chúa và được Chúa ở cùng (Ga 14, 15-21)

    Ðêm nọ, người đàn ông kia thấy một giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Nhìn lên bầu trời, anh thấy những cảnh sống trong đời mình được chiếu lên. Trong mỗi cảnh sống trong đó, anh ta thấy có hai đôi dấu chân in trên cát, một đôi của anh, còn đôi kia của Chúa.

    Khi cảnh cuối cùng trên đời anh chấm dứt, anh nhìn lại những dấu chân đã in trên cát và anh nhận thấy rằng, rất nhiều lần trong cuộc đời anh, anh thấy chỉ có một đôi dấu chân mà thôi. Anh cũng để ý và thấy rằng đó chính là những lúc cuộc đời anh bi đát nhất. Thấy vậy, anh hoang mang hỏi Chúa:

    - Thưa Chúa, Chúa đã nói rằng một khi con quyết định theo Chúa thì Chúa sẽ cùng bước đi với con suốt mọi chặng đường của đời con. Nhưng con nhận thấy rằng, trong những giai đoạn rối ren nhất của đời con, chỉ vẻn vẹn có đôi chân của con mà thôi. Con không hiểu tại sao những lúc con cần đến Chúa hơn cả lại chính là lúc Chúa từ bỏ con.

    Chúa ôn tồn trả lời:

    - Hỡi con yêu dấu, ta yêu thương con và không bao giờ lìa bỏ con đâu. Trong những thời gian thử thách nhất, khi con thấy chỉ có một đôi dấu chân, đó chính là lúc Ta bồng ẵm con trên tay Ta. Dấu chân trên cát lúc ấy là của chính Ta chứ không phải của con đâu.

    ***

    Có thể nói, cụm từ được lặp lại nhiều lần trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ VI Phục Sinh hôm nay đó là “Ở cùng”. Xưa nay, thường những người yêu nhau thì mới ước mong được “ở cùng” nhau. Ở cùng không chỉ để được mặt giáp mặt, nhưng còn để được nghe thấy giọng nói của nhau, được nghe tiếng cười của nhau. Ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói về ước muốn được ở gần nhau của những người đang yêu. Đặc biệt dân ca quan họ Bắc Ninh trong bài “Mời trầu” có câu: “Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần/ Anh còn son, em cũng còn son/ Ước gì ta được làm con một nhà ». Khi đã được sống chung dưới một mái nhà rồi thì người vợ nói những lời thật tha thiết với chồng mình rằng: “Đi đâu cho thiếp theo cùng/ Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”.

    Thế nên, sẽ là một nỗi khổ khi yêu nhau mà lại không được ở cùng nhau. Giáo lý nhà Phật dạy rằng: Một trong những nỗi khổ là yêu nhau mà phải lìa xa nhau - «Ái biệt ly”; nhưng cũng thật khổ khi phải ở gần người mà mình không hề yêu thương - “Oán tăng hội”.

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ ước muốn được ở cùng người mình yêu mà Ngài còn muốn « ở trong » người mình yêu và muốn người đó được « ở trong » Ngài : « Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em » (Ga 14,20).

    Chúng ta biết rằng, đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong Diễn từ ly biệt – nói về cuộc chia tay giữa Chúa Giêsu và các Tông Đồ. Đây là thời khắc thiêng liêng nhất của tình Thầy - trò, là những lời tâm sự của người sắp đi xa với người còn ở lại.

    Xưa nay, người ta yêu nhau đến mấy cũng chỉ bày tỏ tình yêu bằng cách ở bên cạnh nhau. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết, người được Thiên Chúa yêu thương, không chỉ được ở bên cạnh Ngài mà còn được « ở trong » Ngài và được Ngài « ở trong mình ». Đây là điều vượt quá trí hiểu của con người. Quả vậy, làm sao Thiên Chúa - Đấng vô biên vô hạn - lại có thể ở trong con người hữu hạn chúng ta được ?

    Vâng, những gì là vật chất thì không thể hòa nhập vào nhau, nhưng trong thế giới tâm linh thì điều đó là có thể. Đối với những người đang yêu, chắc chắn, trong con tim của họ luôn có bóng hình của người mình yêu. Cũng vậy, trong con tim của những người cha, người mẹ, sẽ luôn có bóng hình của những đứa con yêu quý. Nhưng, dù thế nào, thì sự hiện diện của những người yêu thương nhau cũng chỉ là sự hiện diện trong tâm trí. Còn ở đây, Chúa Giêsu muốn nói đến một sự hiện diện thực sự và sống động, khác hẳn với việc những người đang ôm ấp bóng hình của người mình yêu.

    Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không tự mình làm nên điều kỳ diệu đó, nhưng Ngài nhờ đến một Đấng khác. Đấng đó chính là Chúa Thánh Thần - vị Thiên Chúa hiệp thông - Đấng mà Chúa Giêsu gọi là Đấng Bảo Trợ khác. Chính Chúa Thánh Thần là mối giây liên kết tuyệt hảo giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu. Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta được sống trong tình hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.

    ***

    Được Thiên Chúa « ở trong » và được « ở trong » Chúa không chỉ là một niềm vinh hạnh mà còn là mơ ước của tất cả chúng ta - những người có niềm tin vào Thiên Chúa. Nhưng để đạt được diễm phúc đó, chúng ta phải làm gì ? Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta : Trước tiên, chúng ta cần phải có lòng yêu mến Thiên Chúa bằng việc tuân giữ Lời Ngài. Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh tới từ « tuân giữ » (x.Ga 14,15; 21). Bởi nếu chỉ có Lời Ngài trong mình thôi chưa đủ mà quan trọng hơn, phải thực hành những lời Ngài truyền dạy. Về điểm này, chính Chúa Giêsu đã trở nên mẫu gương cho chúng ta khi Ngài khẳng định rằng : Ngài đến thế gian này là để thi hành ý muốn của Chúa Cha. (x.Ga 4,34).

    Thứ đến, lòng yêu mến Thiên Chúa còn được thể hiện ở việc : làm những gì Chúa Giêsu đã làm. Chúa Giêsu đã không làm đủ mọi thứ việc thiện, nhưng là chu toàn tất cả những gì Chúa Cha yêu cầu Người làm, ngay cả khi lòng tuân phục của Người ra như chỉ là một sự vô ích.

    ***

    Để vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi lúc vui buồn của cuộc đời là điều không hề đơn giản chút nào. Đó cũng là kinh nghiệm xương máu của rất nhiều người trong chúng ta. Có thể chúng ta dễ dàng nhận ra Chúa khi cuộc đời gặp toàn những thành công ; nhưng làm sao, chúng ta vẫn nhận ra sự hiện diện của Chúa ngang qua những thất bại trong cuộc đời, đó mới là điều đáng nói.

    Nguyện xin Thánh Thần Thiên Chúa ban ơn, để khi vui cũng như lúc gặp buồn sầu, khổ đau trên hành trình dương thế, chúng ta vẫn luôn xác tín rằng : Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, trái lại, Ngài luôn hiện diện và đồng hành bên chúng ta trong cuộc đời.

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ