Chia sẻ Lời Chúa – Chúa Nhật VII PS - Lễ Chúa Thăng Thiên Năm C

  • 27/05/2022
  • “Chúa về trời, con đi vào đời”

     

    Trong cuộc đời con người, ít nhiều chúng ta cũng đã từng có hoặc ít ra đã từng chứng kiến những cuộc chia ly. Cuộc chia ly nào cũng để lại trong lòng người đi - kẻ ở những tình cảm khó diễn tả thành lời. Tình cảm càng sâu đậm thì cuộc chia ly càng da diết. Nhà thơ Thâm Tâm trong bài “Tống biệt hành” đã từng có những vần thơ rất hay để diễn tả về điều này:

    “Đưa người ta không đưa qua sông

    Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?

    Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?”

    Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cũng thuật lại cho chúng ta về một cuộc chia ly. Đó là cuộc chia ly giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Thế nhưng, trong cuộc chia ly này, lại không hề có nước mắt hay sự buồn thương, tiếc nuối. Tin Mừng theo Thánh Luca thuật lại rằng: “Bấy giờ, các môn đệ quay trở lại Giêrusalem lòng đầy hoan hỷ” (Lc 24, 52). Tại sao các ông lại tỏ ra vui mừng khi phải chia tay Thầy? Hẳn là có những lý do khiến các môn đệ vui mừng:

    Trước tiên, việc Chúa Giêsu về trời chứng tỏ, Người đã thực sự chiến thắng sự dữ và thần chết. Người đã hoàn tất chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao. Giờ đây, Người về trời, ngự bên hữu Chúa Cha, nghĩa là Ngài tham dự vào quyền năng và chính uy quyền của Thiên Chúa. Người là Đức Chúa, vì thế Người nắm mọi quyền hành trên trời và dưới đất, vì Chúa Cha "đã đặt mọi sự dưới chân Người" (Ep 1,20-22). Như thế, Đức Giêsu Kitô là Chúa của vũ trụ và của toàn thể lịch sử (x.Ep 1,10). Niềm vui mừng này đã được chính Chúa Giêsu khẳng định: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha” (Ga 14, 28).

    Lý do thứ hai khiến các môn đệ vui mừng, là vì Chúa về trời để chuẩn bị cho chúng ta cũng sẽ được về trời với Người, như lời Người nói: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. (Ga 14,3).

    Lý do thứ ba, Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng không xa cách Hội Thánh, hay xa cách chúng ta. Trái lại, Người còn hiện diện với chúng ta một cách sống động hơn nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu sẽ sai Chúa Thánh Thần xuống để nâng đỡ, soi sáng, dạy dỗ và làm sáng tỏ những gì Người đã nói, và đã làm khi còn sống ở trần gian: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 7). 

    Sau cùng, lý do khiến chúng ta vui mừng, là bởi vì giờ đây, với tư cách là Đầu của Hội Thánh, là tư tế và là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, Đức Giêsu sẽ cầu bầu cho Giáo Hội của Người và cho mỗi chúng ta.

    ***

    Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, không phải là chúng ta tham dự một cuộc tiễn biệt Chúa đi vào nơi xa thẳm, để rồi vĩnh viễn không bao giờ gặp lại nữa, nhưng đúng hơn, đây là biến cố mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Bởi vì từ nay, tuy Chúa Giêsu không còn hiện diện một cách cụ thể như trước khi về trời, nhưng Người có thể đến với con người chúng ta để cảm thông, chia sẻ bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào.

    Việc Chúa về trời mời gọi chúng ta không nên đứng ngước nhìn trời cao, mà quên đi bổn phận trần thế. Bởi vì, trời không phải là nơi đến của một người chỉ biết chăm lo cho ơn cứu độ của mình một cách ích kỷ. Nhưng là đích điểm của hành trình trần thế, là nơi dành cho những người biết hoàn tất cách tốt đẹp bổn phận trong ơn gọi làm người của mình.

    Người ta kể rằng: Thời Trung cổ, có hai tu sĩ tình cờ đọc thấy trong một cuốn sách cổ chép rằng: ở tận cùng trái đất sẽ có một nơi mà trời đất gặp nhau. Họ quyết định ra đi tìm cho bằng được điểm gặp nhau ấy và thề quyết sẽ không trở về nhà nếu không tìm ra nơi ấy, vì họ đã đọc được trong quyển sách cổ rằng tại điểm giao nhau giữa trời và đất, một cánh cửa sẽ mở ra và họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường. Họ vượt thác băng rừng, không quản ngại hy sinh. Cuối cùng thì họ cũng đứng trước giao điểm ấy. Với tất cả xúc động, họ đưa tay gõ vào cánh cửa hẹn hò, cánh cửa mở ra và họ bỡ ngỡ nhận ra đó chính là căn phòng của mình. Họ chợt hiểu rằng nơi gặp gỡ giữa trời và đất, nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người không gì khác hơn là chính cuộc sống hằng ngày của họ.

    ***

    Người ta từng nói: Con đường đích thực phải là con đường dẫn người ta đến với nhà thờ; và nhà thờ nào cũng có lối thông với cuộc đời. Vẫn biết rằng, việc Chúa lên trời giúp chúng ta hướng lòng về trời cao, nơi chúng ta hằng mong ước. Tuy nhiên, có một thực tế là: một đàng vẫn ước mong được về trời với Chúa, đàng khác, không ít người vẫn muốn bám víu vào những thực tại trần thế này. Đôi khi có người còn coi những phương tiện trần thế như là cứu cánh của cuộc đời… đến nỗi sẵn sàng từ bỏ cả những giá trị thiêng liêng, cao quý để chạy theo những giá trị ảo ảnh, chóng qua… Vô hình trung, những thứ thay vì giúp chúng ta mang lại ơn cứu độ, lại trở thành những đồ vật ngáng trở hành trình của chúng ta.

    ***

    Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta: Đức Giêsu Kitô - người anh cả của chúng ta, nay vinh hiển về trời, thì đến lượt chúng ta, cũng sẽ được lên trời với Người. Tuy nhiên, con đường về trời không phải là con đường thênh thang rộng rãi, nhưng là con đường hẹp. Muốn bước đi trên con đường đó, điều kiện tiên quyết là phải biết từ bỏ con người cũ của mình, từ bỏ những gì đang làm cản bước chúng ta tiến về trời cao. Thứ đến, mừng lễ Chúa về trời cũng mời gọi chúng ta chu toàn cách tốt nhất bổn phận của mình ở trần gian này, bởi vì: Đường về trời không còn lối nào khác hơn là con đường đi qua nẻo trần thế.

    Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con, biết ái mộ những sự trên trời. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ