Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XIV Thường Niên C

  • 28/06/2022
  • “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XIV Thường Niên C

    “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”

    “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2) là một lời nhận định vừa hân hoan nhưng lại vừa đáng lo ngại. Hân hoan vì còn gì vui hơn niềm vui của những người nông phu khi đứng trước cánh đồng lúa chín vàng – công lao của bao nhiêu ngày khổ công vun xới. Đồng lúa chín vàng đã đánh giá thành quả lao động của họ trong suốt vụ mùa.

    Đáng lo ngại, là bởi vì là những người có kinh nghiệm về nghề nông, chúng ta thừa hiểu rằng, nếu lúa đã chín mà không gặt kịp, lúa sẽ hỏng hết, đặc biệt là gặp phải thời tiết mưa dông hoặc bão gió.

    Từ hình ảnh rất thực tế đó, Chúa Giêsu muốn nói tới sự khẩn thiết của công cuộc truyền giáo – loan báo Tin Mừng.

    Chưa nói tới vấn đề Giáo Hội tại Á Châu, chỉ xét hiện trạng tôn giáo tại Việt Nam chúng ta: Tính đến thời điểm năm 2008, người Công Giáo mới chỉ chiếm khoảng 7,1% dân số (tức là khoảng 6,2 triệu người Công Giáo trên tổng số hơn 86 triệu dân. Trong khi đó năm 1960, người Công Giáo chiếm tỉ lệ 6,93%). Như vậy, Giáo Hội Việt Nam của chúng ta sau hơn 50 năm truyền giáo, con số giáo dân chỉ tăng chưa được 1%.

    Nhìn sang tấm gương của Giáo Hội tại Hàn Quốc chúng ta thấy: năm 1949, con số giáo dân chỉ chiếm 1% dân số cả nước. Cho đến năm 2008, con số này đã lên tới 9,65%. Nhờ đâu mà con số lại tăng một cách đột biến như vậy? Thưa là bởi vì họ đã có sáng kiến: một gia đình Công Giáo kết thân với gia đình không Công Giáo để nâng đỡ nhau và giới thiệu Chúa cho họ. Kết quả là, sau những nỗ lực không mệt mỏi đó, con số giáo dân đã tăng trên 8%.

    Khi so sánh như vậy, chúng ta không hề có ý đánh giá thấp nỗ lực của biết bao nhiêu nhà truyền giáo đang ngày đêm âm thầm lo cho công việc cao cả này. Có thể những hạt giống mà các ngài gieo vãi chưa có cơ hội đơm bông kết trái. Nhưng nếu chỉ căn cứ trên con số mà chúng ta vừa nêu lên, thì công cuộc truyền giáo của chúng ta trên mảnh đất hình chữ S này quả là đáng lo ngại.

    Tại sao lại có tình trạng như vậy? Lý do thì có nhiều, như: thiếu nền tảng Kitô giáo vững chắc; thực trạng sống đạo chưa đáp ứng được những đòi hỏi của Tin Mừng... nhưng tựu trung lại vẫn là vấn đề quan niệm và ý thức truyền giáo.

    Ngày nay, nhiều người Công Giáo Việt Nam vẫn quan niệm rằng, truyền giáo là công việc đặc thù của các Giám mục, linh mục và tu sĩ, còn giáo dân có quá nhiều việc khác phải làm như gia đình, vợ chồng con cái, công việc làm ăn... vả lại, giáo dân còn được học hỏi gì đâu mà truyền giáo...!

    Chính vì suy nghĩ như vậy mà không ít người vẫn sống đạo một cách thụ động - chủ yếu là đọc kinh, xem lễ, tham dự phụng vụ Bí Tích… Tuy nhiên, họ lại quên mất rằng: Truyền giáo không chỉ là một lời mời gọi của Chúa Kitô dành cho những người sống đời thánh hiến, mà còn là căn tính của người Kitô hữu. Khi lĩnh Bí Tích Rửa tội, người tín hữu được tham dự vào ba chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả của Chúa Kitô. Ý thức được điều này, nên thánh Phaolô - vị Tông Đồ cả một đời dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại đã phải thốt lên rằng : «Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ! » (1Cr 9,16).

    Tháng 10 năm 1987, Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới đã khai mạc tại Rôma. Từ Thượng Hội Đồng này, một tông huấn mang tựa đề: “Người Kitô hữu giáo dân” đã được công bố. Trong đó, Đức Thánh Cha nói: “Giáo dân, vì là thành phần của Giáo Hội, nên mang ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Các Bí tích khai tâm Kitô giáo và các ân huệ của Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng và thúc giục họ thi hành sứ vụ của mình” (số 33). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Chắc chắn rằng: mệnh lệnh của Chúa Giêsu ‘Hãy đi loan báo Tin Mừng’ vẫn mang giá trị trường tồn và đặt ra một cách cấp bách. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay trong thế giới, đang đòi hỏi tuyệt đối phải thực thi mệnh lệnh của Chúa một cách khẩn trương và quảng đại hơn. Một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời đáp trả của riêng mình”.

    Điều đó cho thấy, cái mới mẻ trong việc thực thi công cuộc loan báo Tin Mừng là tất cả toàn dân Chúa, không phân biệt nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, mạnh yếu. Tất cả đều được sung vào việc tông đồ truyền giáo.

    Thượng Hội Đồng Giám Mục còn định nghĩa vị thế độc đáo của người giáo dân giữa lòng Giáo Hội và giữa thế giới như sau: “Giáo dân là ‘người của Giáo Hội’ trong lòng thế giới”; “giáo dân là ‘người của thế giới’ trong lòng Giáo Hội”. Là người của Giáo Hội, người giáo dân phải đem Giáo Hội và Chúa Giêsu vào trong thế giới. Và là người của thế giới, giáo dân phải đem thế giới đến cùng Giáo Hội và Chúa Kitô.

    Vậy làm sao để thực hành được sứ mạng cao cả này ?

    Tông huấn “Người Kitô hữu Giáo Dân” cho hay: Chính người tín-hữu-thương-gia, tín-hữu-công-nhân phải đem Chúa đến và làm gương sáng cho anh em mình nơi đồng ruộng, ngoài thị trường, trong cơ quan xí nghiệp của mình. Hãy coi nơi mình đang ở, chỗ mình đang làm việc là những nơi Chúa sai mình đến “như chiên ở giữa đàn sói”, không phải để bị sói vồ chụp cắn xé, nhưng để biến sói thành chiên; không phải lấy sức mạnh đọ lại với sức mạnh, không phải dùng mưu mô đối lại với mưu mô, nhưng khí giới của chúng ta là khí cụ bình an và hiền hòa, theo gương của Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta.

    Chúa muốn chúng ta phải đến với những người anh em mình một cách đơn sơ chân thành, không băn khoăn bối rối, không rào trước đón sau, nhưng với tinh thần dịu hiền, vô vụ lợi, hoàn toàn phục vụ, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

    Nhờ sự hiện diện và hoạt động tích cực giữa đời như vậy, chúng ta sẽ làm sáng danh Chúa và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng Nước Trời. Sống như thế, chúng ta mới có lý do chính đáng để hân hoan vui mừng, vì như Chúa đã bảo đảm: “Anh chị em hãy vui mừng vì tên tuổi anh chị em sẽ được ghi đậm nét ở trên trời”. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ