Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXIX Thường Niên - Năm C

  • 22/10/2022
  • Kiên nhẫn trong cầu nguyện

     

    Chúa Nhật thứ XXIX Thường Niên C

    Lc 18,1-8

    Kiên nhẫn trong cầu nguyện

    Thánh Luca không chỉ là tác giả của Tin Mừng thứ III và Sách Công Vụ Tông Đồ, mà ngài còn là một “văn sỹ ca ngợi lòng nhân hậu của Đức Kitô”. Quả vậy, những trang Tin Mừng của thánh nhân tràn ngập những hình ảnh về một Thiên Chúa yêu thương những người cùng khổ. Một Thiên Chúa tỏ ra xao xuyến trước hình ảnh một bà mẹ góa vừa mất đứa con duy nhất; một vị Thiên Chúa làm bạn với những người thu thuế và tội lỗi; một vị Thiên Chúa cảm thông với người phụ nữ bị người ta khinh bỉ và một vị Thiên Chúa làm bạn với dân nghèo…Nhờ thánh nhân mà chúng ta có được những dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền bị mất và đặc biệt hơn cả là dụ ngôn người cha nhân hậu (15,11-32).

    Không chỉ là tác giả viết về lòng thương xót của Thiên Chúa, Tin Mừng Luca còn được biết đến với cái tên: “Tin Mừng của cầu nguyện”. Quả vậy, nhờ ngài mà Giáo Hội có được những lời kinh tuyệt vời như: kinh “Ngợi khen” (Magnificat), kinh “Chúc tụng” (Benedictus) và kinh “Phó dâng” (Nuncdimittis). Trong suốt tác phẩm của mình, thánh Luca cho ta thấy một Đức Giêsu say mê cầu nguyện, từ khi Ngài khởi đầu sứ vụ công khai cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá.

    Cũng là chủ đề về cầu nguyện, qua Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay,  Chúa Giêsu dạy chúng ta không chỉ cầu nguyện, nhưng còn cầu nguyện một cách liên lỉ, không được nản chí. Vậy đâu là lý do khiến chúng ta phải cầu nguyện luôn?

    Thưa, trước tiên, Cầu nguyện giúp chúng ta có đủ tự tin để đứng vững trước những khó khăn hiện tại.

    Bài đọc thứ nhất trích trong Sách Xuất Hành mô tả lại cuộc chiến giữa quân Israel và quân Amalech. Mặc dù so sách về lực lượng, quân Israel vừa thiếu lại vừa yếu, trong khi đó, lúc bấy giờ, Amalech đã là một lực lượng hùng mạnh. Nhưng với niềm tin tưởng vào lời Thiên Chúa hứa, ông Môsê đã đứng lên lãnh đạo dân chiến đấu chống lại kẻ thù của mình không phải bằng sức mạnh của con người, nhưng là bằng sức mạnh của Thiên Chúa được biểu hiện bằng cây gậy mà ông cầm ở trên tay. Sách Thánh kể lại rằng: Cứ khi nào ông Môsê giơ tay lên thì quân Israel thắng thế, khi ông hạ tay xuống thì lại đến lượt quân Amalech chiếm ưu thế hơn, đến nỗi, người ta phải lấy một tảng đá để ông Môsê gác tay lên cho tới khi quân Israel đánh bại được kẻ thù.

    Thứ đến, cầu nguyện giúp chúng ta biết phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên  Chúa.

    Trong bài Tin Mừng, khi kể câu chuyện về người đàn bà góa, Chúa Giêsu không có ý đề cao việc nài nẵng một cách dai dẳng của người phụ nữ này cho bằng Ngài đề cao sự khiêm tốn của bà. Chính bà ý thức được thân phận “mẹ góa con côi” của mình, bà cũng biết rằng, chỉ vị quan tòa mới là người duy nhất có thể giúp mình vượt ra khỏi tình cảnh khốn khó hiện tại.

    Còn về phần ông quan tòa, Tin Mừng nói rằng: “Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 18,2), ông ra tay giúp đỡ cũng chẳng phải vì ông cảm thông với hoàn cảnh của người đàn bà góa bụa, mà đúng hơn vì chính bản thân ông, để khỏi bị người phụ nữ này quấy rầy.

    Hình ảnh của vị quan tòa được phác họa trong bài Tin Mừng hôm nay càng làm nổi bật lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Quả vậy, một người phàm “chẳng kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng coi ai ra gì” mà còn ra tay giúp đỡ đồng loại (mặc dù chỉ vì sự ích kỷ của bản thân), thì huống hồ Thiên Chúa - Đấng từ bi và hay thương xót, lại chẳng ra tay cứu giúp con cái của Ngài hay sao. Trong Cựu Ước, đã rất nhiều lần Thiên Chúa khẳng định thông qua lời của các ngôn sứ rằng: Cho dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì Thiên Chúa cũng sẽ không bao giờ bỏ quên con người… Bước sang thời Tân Ước, trong cuộc đời công khai của mình, Đức Giêsu đã nhiều lần đáp lại lời thỉnh cầu của những người đến xin với Ngài, như trường hợp của viên đại đội trưởng ngoại giáo, bà góa thành Naim, anh mù ở thành Giêricô, 10 người phong cùi… Không những thế, Ngài còn ban những ơn vượt lên trên cả những dự tính và ước muốn của con người nữa, như phép lạ hóa bánh ra nhiều, phép lạ tại tiệc cưới Cana…

    ***

    Có thể nói rằng, cầu nguyện là một sự biểu lộ rõ nét của lòng tin! Người Công Giáo chúng ta được gọi là “tín hữu” tức là “người có niềm tin”. Thế nên, một tín hữu không cầu nguyện thì đâu còn là tín hữu nữa! Cầu nguyện cũng có muôn vàn cách, tuy nhiên, để cầu nguyện cho đúng là điều không hề đơn giản.

    Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, để nói với Chúa và để lắng nghe Chúa nói. Nhưng trong thực tế, khi đến với Chúa, nhiều người chỉ quan tâm đến điều mình xin mà ít ai biết rằng: cầu nguyện còn là để nghe Chúa nói với mình. Đã bao giờ chúng ta thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, Chúa muốn nói gì với con sự kiện cố này, Chúa muốn dạy con điều gì qua biến cố kia?

    Cầu nguyện là xin cho được nhận ra thánh ý Thiên Chúa chứ không phải là áp đặt cho Thiên Chúa những ý riêng của mình. Một lời cầu nguyện được đáp lại, không phải khi chúng ta có được điều chúng ta cầu xin, nhưng khi chúng ta được ơn có đủ can đảm để đón nhận. Lời cầu nguyện của một bệnh nhân được đáp lại không phải bởi vì bệnh của người ấy biến mất, nhưng bởi vì người ấy có được niềm tin rằng, Thiên Chúa luôn ở bên tôi, rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi. Cầu nguyện có thể không làm thay đổi thế giới cho chúng ta, nhưng có thể giúp chúng ta có được lòng can đảm để đối diện với thế giới. Thế nên, khi cầu nguyện, chúng ta không chỉ học cách đọc lời kinh mà còn học cách mở rộng lòng mình.

    Sau cùng, chúng ta được mời gọi nhìn lên Chúa Giêsu là mẫu gương của cầu nguyện. Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng trong thân phận làm con, Ngài vẫn hằng cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Để thực thi thánh ý Chúa Cha, trong vườn cây dầu, Ngài đã phải cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu. Xin Ngài giúp chúng ta cũng có được tâm tình con thảo như Ngài, để chúng ta cũng biết kiên trì cầu nguyện trong tin yêu và phó thác. Amen.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ