Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Chúa Ba Ngôi

  • 10/06/2022
  • Mầu nhiệm của tình yêu thương

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Chúa Ba Ngôi

    Mt 28,16-20

    Mầu nhiệm của tình yêu thương

    Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ ấn giáo tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông : Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hàng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi tu sĩ ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ Ấn Giáo ôn tồn bảo : “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Và ông giải thích : “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài.”

    Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy ? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.

    Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn.

    ***

    Câu chuyện kể trên nói lên ý nghĩa của sự hiệp thông trong cộng đoàn. Quả đúng là : Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời, và ở đâu có Đức Chúa Trời, chắc chắn, ở đó sẽ có tình yêu thương. Tình yêu thương ấy có lẽ không đâu thiết thực và cụ thể cho bằng nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.

    Có thể nói, mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo nhưng cũng là mầu nhiệm khó hiểu nhất trong đạo. Nhiều người đã cố công tìm hiểu hay tìm những kiểu so sánh loại suy để cắt nghĩa về mầu nhiệm siêu việt này như : Ba Ngôi như ba vòng tròn đồng tâm ; Ba Ngôi như tính chất của các góc trong một tam giác đều ; hay Ba Ngôi như ba hình tam giác đều v.v.. thế nhưng, thiết tưởng, tất cả những kiểu so sánh đó chỉ nói lên một phần nào rất nhỏ về mầu nhiệm Ba Ngôi. Có lẽ, mầu nhiệm này, sẽ mãi và vẫn là một mầu nhiệm đối với chúng ta. Tuy nhiên, việc chúng ta không thể nào hiểu được một cách tường tận về mầu nhiệm này, cũng là điều dễ hiểu, bởi vì làm sao trí óc của một tạo vật hữu hạn như con người chúng ta lại có thể phân tích một cách rạch ròi về Thiên Chúa là Đấng Vô biên ; Đấng vô thủy vô chung ; Đấng mà cả và trời đất chứa chẳng nổi ?

    Có lẽ cho đến trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn chưa được tỏ ra. Đối với người Dothái, họ chỉ biết đến và tôn thờ Một Thiên Chúa độc nhất, là Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp mà thôi. Niềm tin của họ là niềm tin độc thần, thế nên, họ không chấp nhận một giáo lý đi ngược lại với niềm tin của cha ông họ.

    Khi Đức Giêsu nói về Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần, chính các môn đệ cũng đâu có hiểu. Vậy nên, ông Philipphê đã có lần thưa với Chúa : « Lạy Thầy, xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. Như thế là đã đủ cho chúng con. Chúa Giêsu đáp lại : Philipphê, Thầy ở với anh bấy lâu mà anh lại không hiểu biết gì ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha » (Ga 14,8-9). Thánh Phaolô, trước khi trở lại, ngài đã từng là người đi lùng bắt Đạo Chúa. Vì ông cho rằng, giáo lý mới này là một « tà đạo », dạy những điều không phù hợp với truyền thống của cha ông. Điều đó cho thấy, Một Thiên Chúa mà có Ba Ngôi là một mầu nhiệm không hề dễ chấp nhận.

    Tuy nhiên, không phải những gì mà ta không chứng minh hay không cầm nắm được là điều đó không có thực. Ví dụ như tình cảm, tình yêu, tấm lòng hy sinh, sự can đảm… những thứ đó, ta đâu có chứng minh được, nhưng vẫn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày quanh ta.

    Theo mạc khải của Đức Giêsu, Ngài cho biết; Chúa Cha là Thiên Chúa, còn ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, nghĩa là Ngài cùng bản tính với Chúa Cha, Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng Ngài và Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.

    Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, nghĩa là ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban con yêu dấu của Ngài để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời, Ngài đã sai Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

    Đối với người Kitô hữu, mầu nhiệm Ba Ngôi như gắn liền với chúng ta không chỉ trong từng giai đoạn của cuộc đời, mà còn trong từng thời khắc của ngày sống. Như lời bài hát « Làm dấu » của NS Lê Đức Hùng mà ca sĩ Phan Đình Tùng vẫn hát : « Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu. Đưa tay sang trái phải, vinh danh Chúa Thánh Thần, nguồn ơn thánh thiêng hồng phúc đời con./ Mỗi lần làm dấu thánh xin ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con, xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài giữa đời ».

    Khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội Không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa không khép kín lại trong Ba Ngôi, nhưng đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người.

    Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất. Bởi vì theo lời Thánh Gioan, « Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu » (1Ga 4,8).

    Sau cùng, niềm tin vào Thiên  Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta lên đường loan báo Tin Mừng, như lời Chúa nói trong đoạn kết thúc Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay : « Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em ». (Mt 28,19-20).

    Việc loan báo Tin Mừng không đơn thuần là lời mời gọi, nhưng là một lệnh truyền của Đức Kitô. Ngày hôm nay, thế giới vẫn còn nhiều người chưa nhận biết Chúa, vẫn còn nhiều tâm hồn thiện chí khao khát tìm về với Đấng là cội nguồn đích thực, nhưng chưa có người nói cho họ biết. Chớ gì, mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy rao truyền về màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho những người khác, qua lời giảng dạy, và nhất là qua đời sống hiệp nhất và yêu thương của chúng ta. Amen.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ