Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ - 2022

  • 19/11/2022
  • Vị Vua khiêm nhường
    Vị Vua khiêm nhường

     

    Thật ngạc nhiên khi trong ngày lễ kính Chúa Giêsu Kitô – Vua vũ trụ, Giáo Hội lại chọn bài Tin Mừng nói về cuộc thương khó của Chúa. Cứ theo lẽ thường, đáng lý ra phải chọn đoạn Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu vinh hiển tiến vào thành thánh Giêrusalem giữa tiếng hò reo vang dội của hàng ngàn người đang cầm cành lá vẫy chào. Thậm chí họ còn trải cả áo của mình xuống đất để Người đi qua. Nhưng đàng này lại là một cảnh hoàn toàn trái ngược. Vị Thiên Chúa làm người lại bị người ta tra tấn, đánh đòn rồi treo trên cây gỗ - điều mà người Do thái cho là ô nhục, không thể chấp nhận được, còn dân ngoại cho là điên rồ. (x.1Cr 1,23).

    Càng khó hiểu hơn nữa, khi Chúa Giêsu yên lặng trước những lời thách thức đầy ngạo mạn của các thủ lãnh tôn giáo Dothái: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn !" (Lc 23, 35). Không những thế, Ngài còn yên lặng ngay cả khi đám thuộc hạ, lính tráng chế giễu Người: "Nếu ông là vua dân Do thái thì cứu lấy mình đi !" (Lc 23, 37).

    Đây không phải là lần đầu tiên, người ta thắc mắc về sứ vụ Mêsia Cứu Thế của Đức Giêsu. Chính các môn đệ - những người luôn sát cánh bên Ngài cũng đã từng hiểu lầm. Họ tranh nhau ngồi bên tả, bên hữu trong vương quốc mà Ngài sẽ thiết lập. Dân chúng thì tìm Ngài để tôn lên làm vua, sau khi đã được Ngài cho ăn bánh no nê.

    Chắc hẳn, khi lựa chọn đọc bài Tin Mừng này, Giáo Hội muốn chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về tước vị làm vua của Đức Giêsu. Ngài không làm vua theo cách hiểu của người đời, nhưng là vị Vua Thiên Sai, Vua Cứu Thế. Ngài không đến để giải thoát nhân loại khỏi cảnh đọa đầy, hay làm một cuộc cách mạng mang màu sắc chính trị, nhưng là giải thoát chúng ta khỏi ách lầm than của tội lỗi và sự chết. Sự im lặng đến khó hiểu của Ngài lại là bài học quý giá nhất cho chúng ta.

    Có người nào đó đã nói rằng: Sức mạnh thực sự của con người không hệ tại ở sự hủy diệt, nhưng là làm cho sống. Quả vậy, sức mạnh và vương quyền của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô không hề là sức mạnh của sự hủy diệt, nhưng là sức mạnh của sự phục sinh. Đức Giêsu đã không nằm bất động mãi trong nấm mồ, nhưng ngày thứ ba, Ngài đã sống lại. Không những thế, Ngài còn mang lại sự sống mới cho toàn thể nhân loại. Lời bài thánh ca Côlôsê đã khẳng định điều này: “Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Pl 1,18-20).

    Sức mạnh của Thiên Chúa còn được thể hiện ở sự Phục vụ trong khiêm nhường. Ngay từ khi sinh ra làm người, Ngài đã không chọn một cung điện sa hoa, lộng lẫy nhưng là một hang đá nghèo hèn, đơn sơ. Ngài không chọn lớn lên giữa một vương triều uy nghi, nhưng là trong một gia đình bình như bao gia đình khác. Hành trình truyền giáo của Ngài không được dệt bằng những cuộc thị uy, tiền hô hậu ủng, nhưng cùng với một vài môn đệ, Ngài rong ruổi trên mọi nẻo đường của dải đất Palestin để đến với những đám dân nghèo và những người tội lỗi. Người đời làm vua là để thống trị dân, nhưng Đức Giêsu lại tự nguyện trở nên người phục vụ, trong khi Ngài thực sự là một vị vua đầy uy quyền. Như lời Ngài đã nói: “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ,... Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người tôi tớ” (Lc 22,25-27). Ở chỗ khác, Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

    Chính vì sự hy sinh đến quên cả thân mình đó, mà Thiên Chúa đã tuyên phong Ngài làm Vua muôn vua và là Chúa các chúa. “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Không chỉ phục vụ một cách vô vị lợi, mà Đức Giêsu còn muốn đi đến tận cùng của tình yêu, đó là tự nguyện hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu:

    ***

    Ca dao Việt Nam từng nói: “Con vua thì lại làm vua” hay “Con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh”. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được tham dự vào vào chức vụ: tư tế, ngôn sứ và là vua của Chúa Kitô. Đức Giêsu Kitô vua vinh hiển, Ngài đã được tôn phong trên các tầng trời. Là con cái của Ngài, nên chúng ta, một cách nào đó cũng là những hoàng tử, những công chúa trong vương quốc của Ngài và chúng ta có quyền hy vọng rằng, một ngày kia, chúng ta cũng được cùng hiển trị với Ngài trên thiên quốc.

    Tuy nhiên, chúng ta không thể nhận mình là dân của Vua Kitô trong khi cuộc sống của chúng ta vẫn nghiêng theo lối sống thế tục. Cũng không thể nhận mình ở trong Vương Quốc của Đức Kitô, khi hằng ngày chúng ta vẫn coi thường nhân phẩm, khinh rẻ người nghèo… Càng không thể nhận mình sống trong Vương Quốc Đức Kitô khi mà cuộc sống chung riêng vẫn gây ra những oán thù, ghen ghét, gian tham, bất công, gương xấu, tội lỗi…

    “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta”. Ai thuộc về công dân Nước Trời thì phải nghe lời Đức Kitô và để Người sống và lớn lên trong cuộc đời mình bằng cách nỗ lực thực thi tình bác ái và xây đắp an bình. Vì Nước Chúa là nước của bình an và nhân ái. Mỗi lần cố gắng thực thi lời Chúa dạy là mỗi lần chúng ta làm cho vương quốc của Chúa mau trị đến.

    ***

    Lạy Chúa Kitô, cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng con lặp lại niềm tin của mình vào Vương Quyền của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện chúng con dâng lên, để khi quyết tâm xa lìa tội lỗi và sống thánh thiện, chúng con được trở nên chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội. Amen.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ