Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Hiển Linh – Năm A

  • 14/01/2023
  • “Chúa Giêsu là ánh sáng”.

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Hiển Linh – Năm A

    Mt 2,1-12

    Đề tài chủ đạo của Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa Hiển Linh hôm nay là chủ đề: “Chúa Giêsu là ánh sáng”. Mở đầu bài đọc thứ nhất là lời hiệu triệu đầy hân hoan vui mừng của ngôn sứ Isaia dành cho dân Thiên Chúa: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi” (Is 60,1).

    Chúng ta biết rằng, khi nói những lời đầy lạc quan này, Isaia cùng với dân của ông đang phải sống trong cảnh lưu đày. Mặc dầu vậy, ngôn sứ Isaia vẫn mơ tới ngày ông và dân tộc của ông được hồi hương. Khi đó Giêrusalem sẽ được tái thiết lại huy hoàng và là nơi thu hút muôn dân tuôn đến. Trong khi cả trái đất ngập chìm trong tăm tối thì Giêrusalem lại bừng sáng, vì có Chúa là ánh sáng đang ngự giữa thành.

    Trên thực tế, dân Do Thái đã được hồi hương và Giêrusalem đã được tái thiết. Nhưng Giêrusalem đâu phải là nơi để “muôn dân khắp nơi đổ về” như Isaia đã mơ! Mà phải tới gần 8 thế kỷ sau đó, giấc mơ của Isaia mới được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu, bởi vì Ngài chính là ánh sáng đến trần gian.

    Tuy nhiên, như lời mở đầu của Tin Mừng theo thánh Gioan: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Thật là một sự thật đáng buồn. Biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian không phải đều được mọi người đón nhận một cách nồng nhiệt, mà cùng với những người thành tâm thiện chí tìm đến với Ngài, thì cũng có những kẻ tìm cách để loại trừ Ngài. Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay cho chúng ta thấy hai tuyến nhân vật đối lập nhau như vậy.

    Các nhà chiêm tinh - những người ngoại khao khát tìm gặp Chúa

    Các nhà chiêm tinh mà chúng ta vẫn quen gọi là Ba Vua, thực ra là những trí thức, những người thông thạo thiên văn, họ sống tại vùng Babylon, phía Đông xứ Palestin. Theo quan niệm của người Đông Phương, mỗi người đều được sinh ra dưới một ngôi sao chiếu mệnh. Người ta có thể căn cứ vào ngôi sao đó để đoán biết về tương lai của con trẻ. Cũng với một niềm tin như vậy, ba nhà đạo sĩ đã lên đường để đến triều bái Hài Nhi Giêsu - Đấng mà các ông cho là “Vua dân Do thái”.

    Tuy nhiên, hành trình của các nhà đạo sĩ không phải lúc nào cũng thông dòng bén giọt, mà trái lại, trên đường đi, các ông cũng gặp phải không ít những thử thách gian nan. Thử thách trước tiên, đến từ chính ngôi sao đã dẫn đường họ. Ngôi sao lúc tỏ lúc mờ, thậm chí có lúc biến mất khỏi bầu trời đêm. Có những khi các ông tưởng chừng như bị mất phương hướng, không biết đi về đâu. Thử thách tiếp theo đến từ những người đã chỉ đường cho các ông. Các ông không hề biết âm mưu của vua Hêrôđê sẽ loại bỏ các ông sau khi tìm được Hài Nhi, cho đến khi các ông được báo mộng, khiến các ông phải “tìm đường khác mà trở về xứ sở mình” (Mt 2,12).

    Vua Hêrôđê cùng các cận vệ của nhà vua thì tìm cách loại trừ Chúa

    Quả thật, thái độ và cách hành xử của ông đúng như lời ca dao Việt Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng : "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." (Mt 2,7-8).Thay vì phải hân hoan vui mừng vì một vị vua sắp xuất hiện, thì đằng này, nhà vua lại tỏ ra “bối rối” (x.Mt 2,3). Có lẽ ông đã hình dung ra rằng, triều đại của ông sắp đến ngày cùng tận. Vị tân vương mới sinh sẽ là người lên thay thế ông. Ngai vàng của ông đang bị đe dọa… Tin Mừng kể lại rằng: “Nam đã từng mỉa mai rằng: “Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm” hay “Khẩu Phật, tâm xà”.

    Ông lo nỗi lo của ông cũng là chính đáng, nhưng ông đâu biết rằng, Vị Tân vương không làm vua để cai trị, để thị uy, để bóc lột và để ức hiếp dân lành theo như ông vẫn hiểu, mà ở đây, vị Vua mới sẽ cai trị muôn dân trong công lý và sự thật. Tầm ảnh hưởng của Ngài không phải chỉ giới hạn trong một quốc gia nhưng là cho muôn dân tộc. Triều đại của ngài không chỉ dừng lại ở một vài chục năm, nhưng là cho đến muôn đời và qua muôn thế hệ.

    Bài học cho người Kitô hữu hôm nay

    Hai thái độ trái ngược nhau trong hành trình tìm gặp gỡ Đấng Cứu Thế mà Tin Mừng hôm nay ghi lại, dường như vẫn phảng phất đâu đó trong cuộc sống của chúng ta hôm nay.

    Các nhà chiêm tinh vùng Babylon là đại diện cho dân ngoại. Đối với họ, bầu trời là cả một cuốn sách, các vì sao nói về những biến cố trên địa cầu. Với niềm tin như vậy, họ đã can đảm lên đường để tìm gặp Đấng Cứu Độ và cuối cùng, họ đã biến ước mơ của mình thành hiện thực.

    Ngày hôm nay, cũng có biết bao người thành tâm thiện chí đi tìm kiếm Thiên Chúa thông qua những nẻo đường khác nhau: qua văn hóa, nghệ thuật hay thông qua các tôn giáo khác… Có những người đã gặp được Chúa, nhưng cũng còn nhiều người chưa gặp được Ngài bởi còn thiếu những ánh sao chỉ đường cho họ. Đã bao giờ chúng ta nghĩ rằng mình phải là ánh sao để dẫn đường cho người khác đến với Chúa hay chưa?

    Vua Hêrôđê đã tỏ ra bối rối, lo sợ khi nghe biết “Vua dân Do Thái mới sinh”. Ông cũng lên đường tìm gặp Hài Nhi, nhưng không phải để thờ lạy, mà là để loại trừ Ngài và thủ tiêu luôn cả các nhà đạo sĩ. Ngày hôm nay, người Kitô hữu chúng ta cũng đang đi tìm gặp Chúa, nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta tìm Ngài với động lực nào? Để cung kính thờ lạy hay là để loại trừ Ngài?

    Về phần các thượng tế và kinh sư, họ là những nhà thông luật, mặc dù họ biết rất rõ về nơi Vua dân Do Thái hạ sinh, nhưng có lẽ vì họ tự hào mình là dân đặc tuyển, là những người được đặc quyền hưởng ơn cứu độ, nên họ không muốn lên đường tìm kiếm. Cũng vậy, nhiều người Kitô hữu hôm nay tự cho mình được đặc quyền hưởng ơn cứu độ, nên họ chỉ “giữ đạo” mà chẳng “sống đạo”. Nên thay vì trở nên những “ánh sao” dẫn đường thì họ lại trở nên vật cản trở người khác đến với Chúa.

    Mừng lễ Hiển Linh hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta biết nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời của chúng ta thông qua những biến cố xảy ra mỗi ngày. Và sau cùng, xin Chúa giúp chúng ta cũng biết trở nên những ánh sao để chỉ đường cho những người thành tâm thiện chí đến tìm gặp Chúa qua đời sống chứng tá của chúng ta.

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ