Chia sẻ Lời Chúa - Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Năm C

  • 28/06/2022
  • "Chính anh em hãy cho họ ăn"

     

    Mẹ Têrêxa kể lại rằng: ngày nọ, có một thiếu phụ và tám đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Bà ta cho biết, từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà không có được một hạt cơm nào để ăn. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần... Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Têrêxa hỏi bà tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: "Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn". Mẹ Têrêxa kết luận như sau: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau.

    ***

    Trình thuật về việc Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều mà chúng ta vừa nghe được cả bốn Tin Mừng kể lại (Mt 15,29 và 15,32; Mc 6,34; Lc 9,12 và Ga 6). Đây quả là một điều hiếm thấy. Cùng một biến cố xảy ra, nhưng lại có hai phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau: Khi chứng kiến đám đông dân chúng không có gì ăn, một đàng, các môn đệ xin Đức Giêsu cho giải tán dân chúng, trong khi Đức Giêsu lại bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy ?

    Thực ra, nếu chúng ta ở vào tình huống của các môn đệ, chắc chúng ta cũng khó có thể hành xử khác được. Bởi vì với một lượng người đông như vậy (5000 người đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em), trong khi họ đang ở nơi hoang vắng, thì việc giải tán “để họ vào các làng mạc nông trại quanh đó, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn” (Lc 9,12) quả là diệu kế. Thế nhưng rất tiếc, đó lại không phải là cách lựa chọn của Chúa Giêsu. Với mội trái tim nhân hậu và tràn đầy tình yêu thương, Người không thể để mặc dân chúng trong tình cảnh bơ vơ vất vưởng như vậy được! Cũng trong trình thuật hóa bánh ra nhiều, thánh sử Matthêu thuật lại rằng: “Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: ‘Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường’" (Mt 15,32).

    Nhân biến cố này, Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ của mình tiến xa hơn một bước: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13). Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại rằng, Người nói như vậy là để “thử” các ông thôi, chứ Người biết mình sắp làm gì rồi! (x.Ga 6,6). Và quả đúng như lời Đức Giêsu nói, từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, Người đã làm cho hàng chục ngàn người được ăn no nê mà vẫn còn dư 12 thúng đầy những miếng bánh vụn.

    Khi thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn chứng tỏ rằng: Người thực sự là vị Mục Tử nhân lành - người mục tử biết và chăm sóc  cho từng con chiên của mình.

    Qua phép lạ này, Đức Giêsu còn muốn tiên báo cho dân chúng về Bí Tích Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập. Rằng: Người chính là Bánh Hằng Sống được bẻ ra để nuôi dưỡng con người qua muôn ngàn thế hệ, để họ được sống và sống một cách dồi dào sung mãn.

    ***

    Lời mời gọi của Đức Giêsu với các môn đệ xưa kia như một lời cảnh tỉnh chúng ta hôm nay: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).

    Dân tộc Việt Nam chúng ta đã từ lâu, vẫn được coi là một quốc gia có sự gắn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Bởi vậy mà trong kho tàng Ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu để diễn tả về tình tương thân thân tương ái như: “Bầu ơi thương lấy bì cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng” hay “Lá lành đùm lá rách”… Thế nhưng, dường như, những tình cảm đáng trân trọng đó, đang dần trở nên phai nhạt theo thời gian, nếu không muốn nói là chỉ còn tồn tại trên lý thuyết.

    Càng ở những đô thị phồn hoa, thì khoảng cách giàu nghèo lại càng lớn. Ngay bên cạnh những người có cơm dư gạo thừa, vẫn còn nhiều người hằng ngày phải vất vả chật vật mà vẫn chẳng đủ ăn! Bên cạnh những người có cuộc sống sung túc, vẫn không thiếu những người sống vô gia cư “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. Người ta cứ hô hào khẩu hiệu rằng: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”… thế nhưng, hằng ngày vẫn có hàng triệu trẻ em bị bỏ rơi, bị lợi dụng, đang phải ăn xin, bán vé số, lượm ve chai… để kiếm sống qua ngày.

    Đứng trước thực trạng đáng buồn đó, có người đổ lỗi cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường, có người lại đổ lỗi cho sự du nhập lối sống thực dụng của những nền văn hóa ngoại lai, nên: thời thế, thế thời phải thế…

    Vậy đâu là trách nhiệm của chúng ta ? Chúng ta không thể biện luận rằng: việc làm bác ái, việc san sẻ cơm áo, việc chăm lo cho phúc lợi xã hội là của các tổ chức xã hội; việc chăm lo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ là của các linh mục, nam nữ tu sĩ, chứ làm gì đã đến lần tôi? Mà đúng hơn, phải tự hỏi: Tôi đã làm gì để xoa dịu nỗi đau của anh chị em tôi? Tôi đã làm gì để làm giảm đi sự cách biệt giàu nghèo?

    Quả vậy, việc san sẻ áo cơm cho những người đói rách, chia sẻ tình mến thương cho những người kém may mắn…, không phải là bổn phận riêng của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, nhưng là trách nhiệm chung của hết thảy mọi người, không phân biệt giới tính, tôn giáo hay sắc tộc.

    Không ai giàu đến độ: Không hề thiếu bất cứ thứ gì? Cũng không ai nghèo đến mức: không có gì để cho. Chúng ta có thể nghèo về tiền bạc, nhưng chúng ta vẫn còn những thứ khác là: lòng trắc ẩn, tình thương yêu, sự cảm thông, là thời gian, công sức… Tất cả những thứ đó đều có thể trở thành những món quà để trao tặng cho người khác. Mỗi lần chúng ta quảng đại sẻ như vậy, là chúng ta đang thực hành lời mời gọi của Chúa: “Anh em hãy cho họ ăn”.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con trái tim của Chúa, để có thể yêu thương hết thảy mọi người. Xin cho chúng con ánh mắt của Chúa, để biết “chạnh lòng thương” trước những mảnh đời bất hạnh. Và xin cho chúng con đôi tay của Chúa, để chúng con không ngừng trao ban cho anh chị em con những gì trong khả năng mình có thể. Nhờ đó, thế giới sẽ thêm lên những tiếng cười, cuộc đời sẽ giàu thêm mãi niềm an vui. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ