Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Thánh Gia thất – Năm A

  • 14/01/2023
  • “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Thánh Gia thất – Năm A

    Mt 2, 3-15.19-23

    Hiện trạng các gia đình hiện nay

    Trong xã hội ngày nay, đặc biệt là tại các nước Âu Mỹ, người ta nói nhiều đến tự do cá nhân, đề cao việc giải phóng con người. Dựa vào những luật lệ và quy định tự do của mình, con người đang dần tách tình yêu ra khỏi hôn nhân, hôn nhân ra khỏi việc sinh con, và việc sinh con ra khỏi trách nhiệm đối với Chúa. Hậu quả là ở Mỹ hiện nay, con số những đứa con sinh ngoài hôn nhân lên tới 30%. Ở Anh tỷ lệ này cũng là 30%. 20% trẻ em chỉ sống với cha hoặc mẹ và 40 – 50% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị. Bức tranh ảm đạm về hiện trạng đời sống của các gia đình ngày nay hiện đang đe doạ nghiêm trọng tới sự phát triển của xã hội, trong đó có đất nước chúng ta.

    Đối với các gia đình Công Giáo, tình trạng ly dị mặc dù có tỷ lệ thấp hơn, nhưng không phải là không có. Đó là chưa kể đến khá nhiều cặp vợ chồng Công Giáo sống trong cảnh ly thân, chồng một nơi, vợ một nẻo… Và kết cục của những cuộc ly thân như vậy, con cái sẽ đi về đâu, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có thể hình dung ra được.

    Nguyên nhân từ đâu?

    Ngoài những nguyên nhân từ phía xã hội như: Lối sống thực dụng, chủ nghĩa hưởng thụ, sự tha hóa xuống cấp của một bộ phận không nhỏ những người trẻ… thì chúng ta phải kể đến những nguyên nhân từ phía gia đình.

    Trước tiên là sự thiếu sót trong bổn phận làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con, làm anh chị em trong gia đình. Nhiều bậc cha mẹ chưa thực sự là mẫu gương trong đời sống luân lý cho con cái mình. Thứ đến, nhiều ông bố bà mẹ, mặc dù đã cố gắng rất nhiều để lo cho gia đình về phương diện vật chất, nhưng lại chưa cố gắng đủ để lo cho gia đình về phương diện tinh thần và đạo đức. Thêm vào đó, nhiều phụ huynh còn thiếu phương pháp giáo dục thích hợp với tâm lý lứa tuổi của con cái mình; họ tỏ ra quá nuông chiều con, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ những yêu cầu vật chất không chính đáng, khi con cái yêu cầu. Sau cùng, nguyên nhân còn do các em được sinh ra trong những gia đình mà cấu trúc không hoàn hảo, như mồ côi cha mẹ, gia đình chỉ có bố hoặc chỉ có mẹ, hoặc bố mẹ ly dị,… chính vì thế, các em thường có xu hướng chán đời, học hành sa sút và dễ bị lôi cuốn vào tội ác hơn. Khi đến tuổi trưởng thành, chính các em sẽ dễ lập lại chu trình gia đình đổ vỡ mà chúng đã từng là nạn nhân.

    Đứng trước thực trạng như vậy, chúng ta phải làm gì ?

    Lời Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê hôm nay dạy chúng ta: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại” (Cl 3,12). Có sống đời sống chung với nhau, đặc biệt là đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta mới hiểu được đức hiền lành và nhẫn nại cần thiết là dường nào. Có người tâm sự rằng, trong đời sống vợ chồng, những chuyện xích mích cãi cọ xảy đến, rất nhiều khi không phải là từ những chuyện to tát như mua nhà, tậu xe… mà là những chuyện nhỏ mọn như con cá, mớ rau, củ hành, củ tỏi… Quả vậy, người xưa vẫn từng nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Nếu vợ chồng chỉ để ý và chấp nhất nhau những điều nhỏ mọn, thì làm sao có thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề lớn!

    Tiếp đến, thánh Tông Đồ khuyên chúng ta: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”. (Cl 3,13). Thánh Phaolô thật tinh tế khi ngài dùng từ “chịu đựng” nhau trong cung cách ứng xử vợ chồng. Trong cuộc sống, có nhiều điều khiến chúng ta phải chịu đựng, ví dụ như: Đứa trẻ phải chịu đựng khi từ bỏ những trò chơi hấp dẫn để ngồi học bài; người vận động viện phải chịu đựng luyện tập dưới thời tiết khắc nghiệt để mong đạt được thành tích cao; người phụ nữ muốn làm đẹp phải chịu đựng sự thèm thuồng khi đứng trước những món ăn mà mình yêu thích… Trong những việc mang tính phụ tùy còn như vậy, huống hồ trong đời sống hôn nhân gia đình, là mối dây liên kết vợ chồng suốt cuộc đời, thì sự chịu đựng lại càng phải được phát huy. Tuy nhiên ở đây, chịu đựng không có nghĩa là nhu nhược, nhưng là nhường nhịn nhau để cùng tìm hướng giải quyết chung. Còn nếu như ai cũng khăng khăng bảo vệ ý kiến của riêng mình, thì thử hỏi làm sao có thể tìm được sự đồng thuận! Lý do mà thánh Tông Đồ Phaolô đưa ra khiến chúng ta phải chịu đựng và tha thứ cho nhau còn là bởi vì, chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Và để có thể làm được điều đó, chúng ta phải có một nhân đức làm nền, đó là đức bác ái, vì đó là mối dây liên kết những điều toàn thiện. (x.Cl 3, 14).

    Trên đường đời, và cũng là trên đường nên hoàn thiện, kinh nghiệm cho biết, có lắm lúc, ta nản chí chùn chân. Trong Phúc Âm, nhiều lần kể lại rằng Chúa Giêsu “đi ra nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó” (x.Mc 1,45). Cũng vậy, trong đời sống gia đình, vợ chồng con cái lại càng cần phải có những giây phút để cầu nguyện chung với nhau thông qua giờ kinh gia đình.

    Sau cùng, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống theo mẫu gương của Thánh Gia Nadaret. Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã chấp nhận sinh ra trong một gia đình và chịu sự giáo dục của những người cha người mẹ trần gian. Ngài cũng đã phải tập đi, tập nói, tập đọc, tập viết. Ngài cũng đã phải học Thánh Kinh, Lề Luật. Ngài cũng đã phải tập lao động với những dụng cụ như cưa, bào, đục… trên những khúc cây, tấm ván. Ba mươi năm tại Nazarét là một chuỗi ngày bình dị như hàng trăm gia đình cùng thôn cùng làng, như hàng triệu cuộc sống của con người qua các thời đại.

    Mặc dù sinh thành và nuôi dưỡng Đấng Cứu Thế, nhưng Thánh Giuse và Đức Mẹ đã sống một đời sống âm thầm trong lao động và cầu nguyện. Các ngài hằng nêu gương cho chúng ta về đời sống hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa và để Chúa hướng dẫn và lèo lái cuộc đời mình.

    ***

    Để khép lại bài chia sẻ này, xin được mượn lời của bài hát “Cầu xin Thánh Gia” để cầu chúc cho tất cả những ai sống trong đời sống gia đình. Chúc cho: người Cha hết sức yêu mến tận tình, biết nêu gương sáng chốn gia đình. Dù bao phong trần lòng được luôn sướng vui, vững tay đưa thuyền qua sóng đời. Chúc cho: người thân mẫu giữ hạnh phúc gia đình, sống vui trong chí hướng trung thành. Nhiệt tâm giáo dục đoàn trẻ thơ dấu yêu, lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều. Và chúc cho: đoàn con cái biết thảo kính vâng lời, biết noi gương mến Chúa, yêu người. Hồn luôn giữ gìn được màu hoa Thánh ân, xứng nên ngôi đền Chúa Thánh Thần. Amen.

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ