Chia sẻ Lời Chúa - Thánh lễ Đêm Giáng Sinh - Năm C

  • 23/12/2021
  • "Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta".
    Caption

     

    "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

    Tin vui mừng mà cộng đoàn chúng ta vừa nghe, chính là lời của sứ thần Gabriel loan báo cho các mục đồng - những người chăn chiên ngoài đồng vắng Belem.

    Việc một đứa trẻ được sinh ra là một tin vui mừng cho gia đình, cho họ hàng thì còn có thể hiểu được, nhưng tại sao lại là “Tin Mừng cho toàn dân”? Để hiểu được ý nghĩa của lời loan báo này, thiết tưởng chúng ta cùng lần trở lại lịch sử ơn cứu độ được diễn tả qua các bài đọc Sách Thánh hôm nay.

    Bài đọc thứ nhất được trích trong sách ngôn sứ Isaia. Ông là một vị tiên tri sống vào khoảng thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, trong giai đoạn mà dân tộc của ông bị đè nén bởi ách nô lệ của ngoại bang…

    Phải đặt mình vào bối cảnh của dân tộc “Cái ách nặng nề trên ngươi, cái gông nằm trên vai ngươi, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức, Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là "Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình". Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời”. Trong bối cảnh đó, Thiên Chúa đã sai ông đến để loan báo cho họ một tin vui mừng rằng: Israel, chúng ta mới hiểu hết được tại sao lời loan báo của ngôn sứ Isaia lại là một tin vui mừng.

    Tin tưởng vào lời Chúa hứa, dân tộc Israel hàng ngày, hàng giờ không ngừng mong ngóng cho Đấng Cứu Tinh mau đến, đặc biệt là những lúc họ gặp phải những bách hại nặng nề.

    Và tin vui đó hôm nay lại được sứ thần Gabriel loan báo. Tuy nhiên, có thể có người trong chúng ta tự hỏi: Tại sao vị "Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình" lại sinh ra một cách âm thầm trong như vậy? chẳng giống với những vị vua mà chúng ta vẫn thấy trên truyền hình trong các bộ phim dã sử một chút nào cả? Có lẽ không có lời giải đáp nào khác ngoài lý do, Thiên Chúa sinh ra trong cảnh đơn sơ nghèo hèn là hoàn toàn vì tình yêu.

    Tình yêu là gì vậy? Đó là đề tài đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà văn, nhà thơ ở mọi thời đại. Thi sĩ Xuân Diệu cũng đã từng nói như thách thức rằng: “Đố ai định nghĩa được tình yêu”. Vâng, người ta nói, tình yêu nó có lý lẽ riêng của nó mà chúng ta không thể lý luận theo phương diện tự nhiên được.

    Trong tình yêu nam nữ, ca dao Việt Nam xưa đã có câu:

    Yêu nhau mấy núi cũng leo

    Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

    Yêu nhau chẳng ngại đường xa

    Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều”

    Trong gia đình, khi nói về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, người xưa có câu:

    Mẹ đem một nắng hai sương,

    Đem ra chợ đổi làm đường con đi

    Hay:

    Công cha như núi như non

    Hy sinh tất cả cho con nên người

    Tình yêu của con người dành cho con người còn thiết tha, còn mãnh liệt như thế, huống hồ đây là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người?

    Tình yêu đích thực là tình yêu đi ra, là tình yêu vị tha, là tình yêu muốn người khác được hạnh phúc. Ngược lại với tình yêu đó là thứ tình yêu vị kỷ, tình yêu chỉ muốn chiếm đoạt, chỉ muốn vơ vét cho riêng mình.

    Thiên Chúa không yêu con người trên đầu môi chót lưỡi, nhưng Ngài muốn bằng hành động cụ thể. Ngài đi đến với con người trước khi con người tìm biết Ngài.

    Khi đã yêu nhau, người ta luôn muốn được ở gần nhau. Như lời một bài hát nào đó có câu: “Anh còn son, em cũng còn son. Ước gì ta được làm con một nhà”. Thiên Chúa yêu con người, nên Ngài cũng muốn được ở cùng một mái nhà với con người.

    Không chỉ có thế, vì yêu thương nên Thiên Chúa còn muốn đồng cảm với con người bằng việc đến với những con người bất hạnh, với những mảnh đời phiêu bạt, thế nên, Ngài đã lựa chọn được sinh ra trong cảnh bần hàn, trong một gia đình mà nói theo cách của người Việt Nam gọi là “bần cố nông”. Cha mẹ Ngài đều là những con người lao động bình thường, trong một làng quê chẳng có gì là nổi nang, ngoại trừ Ngài thuộc dòng dõi vua Đavít.

    Đức Giêsu - Vị Thiên Chúa làm người ấy – không chỉ sinh ra trong cảnh nghèo, nhưng suốt cuộc đời, Ngài đã sống như một người nghèo, sống cùng người nghèo, làm bạn với người nghèo, bênh vực kẻ cô thế cô thân, yêu thương những người tội lỗi. Thế nên có thể nói: Đức Giêsu là vị Thiên Chúa của người nghèo và những người bất hạnh.

    ***

    Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng văn minh, tất cả mọi lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị không ngừng được cải tiến không phải từng ngày, mà là từng giờ. Chất lượng cuộc sống của con người không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, cũng chưa bao giờ khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo lại được nới rộng như bây giờ, chưa bao giờ con người lại cảm thấy bất an như bây giờ, thế giới chưa một ngày ngưng tiếng súng… Tại sao vậy? Thưa có lẽ là bởi vì, mặc dù con người ngày càng có đầy đủ mọi sự nhưng dường như con người đang ngày càng thiếu vắng tình yêu thương!

    Đức Giêsu đến, không ngoài mục đích mời gọi con người sống tình yêu thương. Để cụ thể hóa lời giảng dạy đó, chính bản thân Ngài đã trở nên mẫu gương cho con người, mà biến cố giáng sinh là một bài học điển hình.

    Mừng lễ Giáng sinh chúng ta chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp: Giáng sinh vui vẻ, cuộc sống an khang, gia đình hạnh phúc... Nhưng thiết tưởng, những lời chúc tốt đẹp đó sẽ vẫn mãi chỉ là những câu chữ trên sách vở nếu như mỗi người chúng ta không làm một nghĩa cử yêu thương nào đó cho chính người thân yêu của chúng ta nơi gia đình, cho người đồng nghiệp nơi công sở, cho người bà con nơi xóm ngõ. Vậy nên, thay vì ngồi nguyền rủa bóng đêm của hận thù, bất công và chia rẽ, mỗi người hãy thắp lên ngọn nến của yêu thương, công bằng và hiệp nhất. Có như vậy, biến cố Ngôi Lời nhập thể mới trở nên niềm vui và niềm hạnh phúc đích thực cho tất cả chúng ta.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ