Chia sẻ Lời Chúa - Thứ 6 Tuần Thánh

  • 15/04/2022
  • “Người phải mang thương tích, để chúng ta được chữa lành”

     

    Khi nghe lời hát: “Thập giá Đức Kitô - niềm vinh dự của chúng ta” không ít người thắc mắc rằng: Tại sao thập giá, vốn được coi là một hình khổ, là sự điên rồ đối với người Hy Lạp, là sự xỉ nhục đối với những người Do Thái… lại trở nên “niềm vinh dự” của người tín hữu Kitô? Tại sao Thiên Chúa - Đấng đầy quyền năng, Đấng có muôn ngàn cách thế để cứu độ con người - lại để cho Đức Giêsu, Con của Ngài phải chịu chết một cách tức tưởi như một tên trộm cướp như vậy? Để tìm được câu trả lời, trước tiên, chúng ta hãy cùng đọc lại Bài ca thứ tư của ngôn sứ Isaia về người Tôi Tớ Giavê.

    Chúng ta biết rằng, người tôi tớ Giavê là một nhân vật được Thiên Chúa sủng ái: “Người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng” (Is 52,13). Mặc dù vậy, cuộc đời của ông lại không được như người ta mong đợi: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53,2-3). Thử hỏi, còn tủi nhục nào hơn, khi bị người ta khinh khi, ruồng rẫy ? Có kẻ còn ác ý cho rằng: ông bị như vậy là đáng đời, vì theo quan niệm của họ, không ai vô tội mà lại bị Thiên Chúa giáng họa như thế !

    Thế nhưng ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết rằng: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53, 4-5).

    ***

    Hình ảnh người tôi trung của Giavê mà ngôn sứ Isaia đã loan báo được thể hiện một cách trọn vẹn nơi con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô. Quả thế, mặc dù là Đấng vô tội, nhưng Ngài phải chịu muôn cực hình cả tinh thần lẫn thể xác. Bên ngoài, Ngài bị người ta đánh đập không nương tay, không biết bao nhiêu roi đòn phải hứng chịu. Về mặt tinh thần, Ngài bị người ta phỉ nhổ, nhục mạ, mắng nhiếc… Ngài cũng bị phản bội, vu khống và thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi, để chúng tôi thấy mà tin nào?”

    Chúng ta đừng nghĩ rằng, Đức Giêsu làm tất cả những điều đó một cách dễ dàng. Trong thân phận con người, Ngài cũng phải lao đao vất vả mà lần mò từng bước để tìm biết thánh ý Thiên Chúa. Chính vì vậy mà nơi vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã phải mướt mồ hôi máu vì lo sợ. Tác giả thư Dothái diễn tả rằng: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết... Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,7-8).

    Vậy đâu là động lực để Đức Giêsu có thể can đảm đón nhận Thập giá một cách can trường như vậy? Câu trả lời là: Chỉ vì Tình yêu.

    Chính vì tình yêu, Đức Giêsu đã biến cây thập giá, vốn vẫn được coi là một nhục hình mà con người dựng nên để hành hạ nhau, trở nên phương tiện để cứu độ con người. Con Thiên Chúa đã đón nhận thập giá để chung chia khổ đau với nhân loại, để chuộc lại lỗi lầm của con người, để nên phương dược chữa lành cho chúng ta. Và hơn hết, Đức Giêsu đã dùng thập giá để nối lại con đường giữa trời và đất – con đường đã bị cắt đứt kể từ khi nguyên tổ loài người phạm tội. Phương thế ấy đã mở ra cho con người một ý nghĩa, một niềm hy vọng cho cuộc sống đời này.

    Với cái chết của Đức Giêsu, kể từ đây, cây thánh giá không còn là một nhục hình nữa, nhưng là một biểu tượng của tình yêu. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galata đã khẳng định rằng: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta !” (Gl 6,14). Cũng chính vì niềm tin sắt son này, mà các thánh Tử Đạo Việt Nam - cha ông chúng ta, đã không ngần ngại hy sinh mạng sống của mình chứ nhất quyết không chịu bước qua thập giá.

    ***

    Khi tôn vinh thập giá Đức Kitô, Giáo Hội không hề có ý tôn vinh sự đau khổ, hay những nhục hình, nhưng là tôn vinh Đấng đã chịu treo trên cây Thánh Giá. Đó là một minh chứng hùng hồn cho lời Ngài rao giảng: “Không có tình yêu nào lớn hơn, tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

    Trong cuộc sống đời thường, chúng ta ít ai muốn đề cập đến thập giá, vì thập giá thường đồng nghĩa với đau khổ. Tuy nhiên, qua cái chết và sống lại của Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng ta hiểu rằng: Thập giá hay đau khổ là điều cần thiết cho cuộc sống này, bởi vì: “Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì sẽ sinh được nhiều bông hạt” (Ga 12,24).

    Sẽ không có một vụ mùa bội thu, nếu không có những vất vả chăm bón của người nông dân. Sẽ không có việc đỗ đạt, nếu người học trò không miệt mài đèn sách. Sẽ không có một tình bạn trong sáng, nếu hai bên không biết bỏ qua những sai sót của nhau. Sẽ không có gia đình hạnh phúc, nếu như mỗi thành viên trong gia đình không biết sống cho nhau và vì nhau…

    ***

    Thập Giá Đức Kitô mãi vẫn là một lời mời gọi đầy yêu thương cho tất cả chúng ta. Thập giá cũng nhắc nhở chúng ta ý thức hơn khi gặp phải những thử thách trên đường đời. Để chúng ta biết khiêm tốn đón nhận thập giá như phương tiện nên ơn cứu độ cho chúng ta. Nhờ đó, chúng ta cũng biết cảm thông hơn với nỗi đau khổ của anh chị em đồng loại.

    Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài. Xin cho con cùng chết với Ngài. Để được sống với Ngài vinh quang. Amen.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ