1. Nguyên nhân bé thích chơi.
Trò chơi điện tử thực sự rất hấp dẫn với trẻ: Các hãng sản xuất trò chơi điện tử quả thật rất tài tình khi nắm bắt tâm lý trẻ em. Một trò chơi vừa có âm thanh, màu sắc sống động, vừa có thể tương tác giữ con người và máy móc nên rất dễ lôi cuốn trẻ. Không nói đâu xa, đến người lớn vẫn còn ham mê điện tử nữa là trẻ con.
Đem lại cho trẻ niềm vui chiến thắng: Trẻ emm cũng có khao khát tìm kiếm hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Trò chơi điện tử đáp ứng trực tiếp khao khát đó. Mỗi khi thắng trò nào đó, bé cảm thấy rất tự hào về thành công. Vấn đề ở chỗ, thành công ấy đến nhanh và dễ gấp nhiều lần so với nỗ lực học tập ở trường.
Trò chơi điện tử mang lại niềm vui chiến thắng cho trẻ.
Giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, bực tức trong học tập và cuộc sống hàng ngày: Đôi khi, trẻ gặp những bực bội khi bị người lớn mắng; việc cãi lại thì không được phép, đập phá đồ đạc lại càng không. Chính vì vậy, trẻ có thể tìm đến trò chơi điện tử để giải tỏa cơn tức trong người.
Thiếu sự quan tâm của bố mẹ: Bố mẹ bận rộn, không có thời gian quan tâm xem cần tổ chức các hoạt động như thế nào để con giải trí bổ ích. Từ đó, họ bỏ bê trẻ với cái máy điện tử. Vì không biết chơi gì khác, lại không có ai định hướng, bé sẽ bầu bạn với các trò chơi trong thế giới ảo.
2. Mức độ “nghiện”
Có thể chia mức “nghiện” của bé theo 04 cấp độ:
- Tìm kiếm: Bé tranh thủ cơ hội để tham gia trò chơi điện tử. Chúng vội vã lao vào máy vi tính ngay khi làm xong bài tập. Hoặc ngay khi vừa mở mắt.
- Quen dùng: Sở thích chơi điện tử đã bám rễ và thời gian bé dành cho môn này ngày càng tăng.
Trẻ mê điện tử thường quên hết các công việc khác và chỉ quan tâm tới trò chơi.
- Không thể thiếu: Bé bắt đầu trở nên cáu bẳn nếu như không được tham gia trò chơi điện tử. Thậm chí chúng ngồi lỳ nếu như máy vi tính hỏng hoặc không được ra ngoài chơi. Lúc này, chơi điện tử đã thành nhu cầu tất yếu của trẻ.
-Chểnh mảng công việc khác: Bé càng mê trò chơi điện tử chắc chắn kết quả học ở trường càng kém. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể trốn học, ăn cắp vặt để có tiền chi trả chơi điện tử. Chúng dường như quên hết các công việc khác.
3. Giải pháp
Dù bé “nghiện” ở cấp độ nào, bạn cũng nên kiên trì giúp con. Hãy nhớ rằng, trò chơi điện tử không hoàn toàn có nghĩa độc hại bởi có những trò bổ ích cho con phát triển trí tuệ.
Chọn nội dung chơi cho con: Bạn nên có gắng can thiệp vào việc này càng sớm càng tốt. Con bạn từ khi biết chơi điện tử mà được tiếp xúc với các loại trò chơi trí tuệ, trò chơi giáo dục thì tương lai bé cũng hứng thú với các loại trò chơi này. Nên hạn chế những trò chơi đánh nhau đối kháng, bắn súng...
Lập thời gian biểu cho trẻ sử dụng máy tính.
Xây dựng nguyên tắc: Giống như nguyên tắc xem ti vi, nguyên tắc an toàn, bạn cũng nên cùng con lập nguyên tắc chơi điện tử: Ví dụ, không được chơi điện tử quá 30 phút/lần; tổng thời gian xem ti vi và chơi điện tử không quá 2 tiếng/ngày; không được chơi trong khi ăn; phải hoàn thành các nhiệm vụ như làm bài tập, rửa bát, quét nhà rồi mới được chơi…
Giảm cơ hội tiếp cận máy vi tính và internet: Đảm bảo, máy tính, máy điện tử đều để ở nơi sinh hoạt chung trong nhà; không để ở phòng ngủ của trẻ vì bạn sẽ không kiểm soát được tần suất chơi của con.
Luôn lắng nghe và chia sẻ: Hãy quan tâm thích đáng tới con và khơi gợi để con tâm sự. Hạn chế trách mắng và tăng cường thân thiện với con. Nâng cao tinh thần trách nhiệm. Ví dụ, bạn nên nhẹ nhàng nhắc: “Con chơi quá thời gian đã hứa với mẹ/bố rồi đấy” thay vì “Con là đồ vô trách nhiệm, không chịu giữ đúng lời hứa”.
"Cai" điện tử cho trẻ bằng các trò chơi lành mạnh khác.
Đồng cảm với trẻ: Bạn đừng quá gay gắt nếu phát hiện bé chơi điện tử ngoài hàng. Hãy khéo léo mua máy điện tử về nhà, cho phép con mình rủ bạn về nhà chơi cùng. Như vậy, bạn sẽ yên tâm hơn rất nhiều vì có thể kiểm soát được bé chơi cái gì và chơi với ai.
Gợi ý, tổ chức cho con các hoạt động khác: Bạn có thể sáng tạo để con có những lựa chọn giải trí khác như chơi cờ, học nhạc, học vẽ, các hoạt động thể thao, các lớp kĩ năng hoặc các trò chơi vận động tại khu vui chơi...
Đề dạy con, điều đầu tiên bạn phải tự nâng cao trách nhiệm và sự kiên nhẫn của chính mình. Một khi bạn đã thành công trong rèn luyện bản thân thì khả năng thành công trong dạy con sẽ rất gần.
Trẻ "nghiện" chơi điện tử là trường hợp thường thấy trong cách gia đình có con nhỏ; đặc biệt là có con trai. Nếu không điều chỉnh đúng cách cho bé, con bạn sẽ có những phát triển lệch lạc so với tuổi.
Nguồn: beta.giupban
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 24 | Tổng lượt truy cập: 2,952,560