Tài liệu học tập về 12 Thánh Tử Đạo phục vụ tại Giáo phận Thái Bình - Dành cho Giới trẻ - Sinh viên - TNTT

  • 15/08/2021
    1. 12 THÁNH TỬ ĐẠO PHỤC VỤ TẠI GP. THÁI BÌNH

    20-Thánh FRANCISCO GIL DE FEDRICH (Phanxico TẾ), Linh mục

    (1702-1745)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 22/1

    Phanxicô Tế, tên thật là Franciscô Gil de Fedrich, sinh ngày 14/12/1702 tại Tortosa, Tây Ban Nha. Từ niên thiếu, ngài đã xin nhập Dòng Đa Minh và tuyên khấn tại Tu Viện Santa Catarina thành Barcelona khi mới 16 tuổi. Ngày 29/3/1727 thầy Phanxicô được thụ phong linh mục. Với ước vọng thâm sâu là được đi truyền giáo, nên cha đã chuyển sang Tỉnh Dòng Mân Côi, là tỉnh dòng đặc trách việc truyền giáo ở Viễn Đông.

    Ngày 28/8/1735 cha Tế đến Việt Nam. Sau khi học ngôn ngữ và phong tục, cha đã đi phục vụ tại nhiều nơi.

    Ngày 3/8/1737, cha bị bắt tại nhà xứ Lục Thuỷ, bị áp giải về Thăng Long và chịu hạch hỏi trước công đường. Sau nhiều lần tra xét, các quan tuyên án trảm quyết ngài vì tội rao giảng đạo Công Giáo.

    Ngày 30/5/1744, tại nhà tù Thăng Long, cha Phanxicô Tế đón tiếp cha Matthêu Anphongsô Đậu, bạn đồng hương và cùng Dòng Đa Minh vào tù chung với ngài. Ngày 22/01/1745, sau khi đã dâng Thánh Lễ, Cha Phanxicô Tế bị điệu đi xử tử, còn cha Đậu được phép tiễn chân bạn ra tận pháp trường. Do sự đổi ý của Chúa Trịnh, cả hai cùng chịu trảm quyết ngày hôm đó. Thi hài hai vị được đem về chôn cất tại nhà chung Lục Thuỷ.

    21- Thánh MATEO ALONSO LICINIANA

    (MATTHÊU ANPHONGSÔ ĐẬU), linh mục

    (1702-1745)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 22/1

    Cha Matthêu Anphongsô Đậu, tên thật là Mateo Alonso Liciniana, sinh tại Tây Ban Nha, nhập Dòng Đa Minh tại tu viện Sancta-Crux ở Segovia. Ngài là một trong 24 tu sĩ cùng đi với cha Phanxicô Tế (Gil de Fdrich) sang Phi Luật Tân, và sau đó được cử tới Bắc Hà ngày 19/01/1732.

    Tại địa phận Đông Đàng Ngoài, ngài đã hăng say rao giảng Phúc Âm và lần lượt coi sóc nhiều giáo xứ giữa cơn bách hại thời Chúa Trịnh. Vào một buổi sáng cuối năm 1743, do cáo giác của một người bỏ đạo, bọn lính đã ập vào bắt ngài đang lúc ngài dâng Thánh Lễ. Ngài bị đánh đập tàn nhẫn và bị mang gông cùm.

    Sau 3 phiên toà, với nhiều cách thức nạt nộ, đe doạ, dụ dỗ hoặc tra tấn, quan trấn thủ không thể làm cha Đậu và thầy Quý chối bỏ đức tin. Sau nhiều lần tra xét, ngài bị kết án chung thân, và ngày 30/5/1744, bị chuyển tới ngục Thăng Long nơi đang giam giữ cha Phanxicô Tế.

    Ngày 22/01/1745, có lệnh đưa cha Tế đi xử trảm. Án của cha Đậu vẫn như cũ là án chung thân. Cha buồn rầu hết sức và năn nỉ xin phép quan cho đi tiễn chân bạn đến pháp trường. Khi đi ngang hoàng cung, đoàn người dừng lại, một viên quan sau khi đọc bản án của cha Tế và đọc tiếp: “Matthêu cũng là đạo trưởng Hoa Lang đã bị án chung thân, nay bị kết án xử trảm”.

    22-Thánh Đa Minh VŨ ĐÌNH TƯỚC (1775 - 1839), Linh mục

    (1775-1839)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 02/4

    Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước sinh năm 1775 tại làng Trung Lao, tỉnh Nam Định. Ngay từ bé, cậu đã tỏ ra là người đạo đức vững chắc. Khi được làm linh mục, cha Tước tận tụy không biết mệt mỏi trong việc thánh hoá các tín hữu. Ngày 17/4/1811, cha xin gia nhập Dòng Đa Minh và tuyên khấn ngày 18/4/1812. Đức cha Delgado Y bổ nhiệm cha coi sóc các tín hữu ở Xương Điền, một làng Công Giáo đông đảo của địa phận Đông Đàng Ngoài.

    Ngày 02/4/1839, trong cơn bách đạo dưới thời vua Minh Mạng, kẻ bội giáo trước kia đã nộp Đức cha Henares và được thăng quan, nay lại đem lính về bắt cha Đa Minh Tước. Họ sợ rằng tin cha Đa Minh bị bắt, một khi được loan đi các nơi, sẽ làm cho nhiều giáo hữu hoang mang. Hơn nữa, theo phong tục bấy giờ, đàn bà không có vũ khí mà đánh nhau với lính thì vô tội và lính không được dùng khí giới để đàn áp họ. Do đó họ đã cử một số bà đi trước để tấn công bọn lính, còn hầu hết giáo dân trong xứ đi sau để yểm trợ và cản đường bọn lính một khi giải thoát được cha. Trước tình thế ấy, bọn lính nhất quyết áp giải cha cho bằng được, và khi cùng đường, tên đội trưởng đã hạ lệnh đánh đập ngài tàn nhẫn đến nỗi ngài đã trút hơi thở trong tay Chúa ngay chính ngày hôm đó.

    23-Thánh DOMINGO HENARES

    (ĐA MINH MINH), OP giám mục

    (1765-1838)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 26/6

    Thánh Domingo Henares - Minh chào đời ngày 19/12/1765 tại làng Baena, Giáo phận Cordoba, Tây Ban Nha. Sinh trưởng trong một gia đình giàu sang, nhưng cậu Henares được thân mẫu đạo đức giáo dục, biết thương người nghèo, không để tiền tài chi phối. Năm 16 tuổi, cậu Henares xin nhập Tu viện Đa Minh tại Niebla, sau chuyển sang Tu viện Thánh Giá tại Granada và nhận áo dòng thánh Đa Minh ngày 30/08/1783.

    Sau mt năm tp vin, thy Henares xin cha giám đốc tập viện co đi Philippines, nhằm thực hiện ước nguyện truyền giáo miền Viễn Đông. Đến Manila, thầy tiếp tục các môn thần học và được thụ phong linh mục ngày 20/09/1789. Nhận thấy ngài có nhiều đức độ và tài năng, Giám đốc Tu viện muốn giữ tân linh mục ở lại Manila. Thế nhưng, tân linh mục vẫn ôm hoài bão tung cánh đến miền truyền giáo xa xăm.

    Con tàu cặp hải cảng Ma Cao. Tại đây, có Đức cha Delgado - Y và hai giáo sĩ khác cùng dòng Đa Minh đang chờ đợi ngài. Cả bốn nhà truyền giáo cùng đặt chân đến Bắc hà ngày 29/10/1790. Chỉ trong 6 tháng, giáo sĩ Henares đã nói được tiếng Việt, nhận tên Việt là Minh. Ngài được chỉ định làm Giám đốc Chủng viện Tiên Chu, kiêm giáo sư môn Tu đức và Latinh. Năm 1798, Đức cha Delgado – Y đặt ngài làm cha Chính địa phận (Tổng Đại diện)

    Ngày 09/09/1800, Đức Thánh Cha Piô VII bổ nhiệm ngài làm Giám mục phó kế vị Đức cha Ignacio Delgado - Y. Lễ tấn phong giám mục được cử hành vào ngày 09/01/1803 tại xứ đạo Phú Nhai.

    Trong một lần di chuyển để tránh bách hại, Đức cha Henares - Minh và thầy Chiểu đang ở trên con thuyền từ Quất Lâm, định ra khơi, nhưng gặp mưa bão kinh hoàng. Một lương dân thấy con thuyền có vẻ khả nghi, mới mời hai cha con vào tạm trú trong nhà mình cho qua cơn giông tố. Nhưng rồi ban đêm, ông đã đi trình báo quan lớn để nhận tiền thưởng trọng hậu.

    Đức cha Henares - Minh bị bắt giam vào cũi và bị áp giải lên công đường Nam Định ngày 11/06/1838. Quan cho tra khảo để buộc Đức cha Henares tiết lộ nơi ẩn trốn của các linh mục, nhưng ngài tuyệt đối thinh lặng. Quan tổng đốc Lê Văn Đức yêu cầu Đức cha bước lên thập giá, ngài nói: “Nhà quan có đang tâm để cho một người con đạp lên xác cha mẹ mình không? Làm sao tôi dám bước lên hình ảnh Chúa, Đấng đã tạo dựng trời đất mà mọi người phải tôn kính thờ lạy. Vậy mà các quan dụ dỗ tôi đạp lên Thánh Giá; dù có bị tan xương nát thịt, tôi cũng không thể làm điều tội ác đó”.

    Đến pháp trường, ngày 26/06/1838, Đức cha Henares - Minh bước ra khỏi cũi, kêu ba lần tên cực thánh Giêsu và yêu cầu xin mấy phút thinh lặng cầu nguyện. Ngài quỳ xuống đất, đôi mắt nhìn trời, nghiêng đầu cho lý hình thi hành án. Đức cha hưởng thọ 73 tuổi, 48 năm truyền giáo trên quê hương Việt Nam, 38 năm trong sứ vụ giám mục giáo phận.

    Thánh Giám mục Domingo Henares - Minh được nâng lên hàng chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

    24-Thánh JOSE DIAZ SANJURO (GIUSE AN), OP giám mục

    (1818-1857)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 20/7

    Đức cha Giuse An (Jose Diaz Sanjurjo) là vị tử đạo đầu tiên của địa phận Trung (Trung Bộ Bắc Kỳ), nay là địa phận Bùi Chu.

    Ngài sinh năm 1818, gần Lugô, Tây Ban Nha. Sau khi mãn Tiểu Chủng Viện và tốt nghiệp ở Đại học Compostello, ngài nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo với ước vọng trở thành một nhà truyền giáo. Thầy Giuse An mặc áo dòng tại Ocana ngày 23/9/1842 và thụ phong linh mục ngày 23/3/1844. Ngài cùng với năm tu sĩ khác vâng lênh Bề trên, vượt biển tới Phi Luật Tân. Tại thủ đô Manila, ngài giữ chức vụ giáo sư văn chương ở đại học. Sau đó, ngài nhận lệnh qua Việt Nam, và đến Bắc Kỳ vào ngày lễ Phục Sinh năm 1845.

    Ngài được giao nhiệm vụ Giám Đốc chủng viện ở Lục Thuỷ, và năm 1849, được chỉ định làm trợ tá cho Đức cha Marti, Giám mục địa phận Trung. Ba năm sau (1852), ngài lên kế vị Đức cha Marti, và đặt toà Giám mục tại Bùi Chu. Trong khoảng thời gian này, vì thiên tai, đói khổ và dịch tễ, vua Tự Đức phải ngưng việc cấm đạo ở miền Bắc. Đến tháng 9/1855, sóng gió lại nổi lên và cuộc bách đạo ngày càng thêm dữ dội. Vào năm 1857, vì muốn được nhà vua thưởng công, một vị quan, mới được bổ nhiệm về Bùi Chu, đã cho quân linh bao vây bắt Đức Giám mục, tước đoạt Thánh Giá cùng nhẫn Giám mục của ngài, rồi tống ngục. Đức Gia Giuse An bị xử trảm ngày 20/7/1857.

    25-Thánh MELCHIOR GARCIA SAMPEDRO

    (GIUSE XUYÊN), OP Giám mục

    (1821 - 1858)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 28/7

    Thánh Melchior Garcia Sampedro - Xuyên sinh ngày 26/4/1821 tại Arrojo, tỉnh Oviedo, nước Tây Ban Nha. Gia đình ngài thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng đã sa sút đến chỗ nghèo khổ.

    Năm 21 tuổi, thầy Sampedro học thần học ở Chủng viện Oviedo. Ba năm sau, thầy xin vào dòng Đa Minh để được đi truyền giáo. Sau năm tập, thầy tuyên khấn và chuẩn bị thụ phong linh mục ngày 29/5/1847. Đến Manila, cha Sampedro xin và được cử đến Việt Nam vào tháng 02/1849. Từ nay cha có tên mới là Xuyên.

    Tháng 3/1850 cha Xuyên được Đức cha Sanjurjo - An đặt làm Giám đốc chủng viện ở Cao Xá. Tháng 7, cha được chọn làm đại diện giám tỉnh. Cha Xuyên cho in nhiều tập sách giáo lý nhỏ cho giáo hữu và quan tâm truyền giáo cho lương dân.

    Năm 1852, Đức cha An đã chọn cha Sampedro làm giám mục phó. Lễ tấn phong được cử hành long trọng ngày 16/9/1855 tại Bùi Chu. Đức cha Xuyên nhiệt tình trong sứ vụ mới. Riêng năm 1855, địa phận Trung có 35.349 trẻ em được rửa tội.

    Cuộc bách hại gia tăng, thánh Sanjurjo-An chịu tử đạo ngày 20/7/1857. Dù bị ra giá cao cho ai bắt được, nhưng Đức cha vẫn lén lút đi thăm các họ đạo vào ban đêm. Đề phòng giáo phận sẽ không có chủ chăn, Đức cha Xuyên đã chọn cha Valentino - Vinh làm giám mục phó. Lễ tấn phong của vị giám mục gậy tre mũ giấy được cử hành âm thầm vào bân đêm tại nhà mt giáo dân Ninh Cường.

    Ngày 08/7/1858 tại Kiên Lao, Đức cha Xuyên bị bắt cùng hai chú giúp lễ Nguyễn Tiệp và Mai Hiến. Sau 20 ngày trong ngục, Đức cha lãnh án lăng trì ngày 28/7/1858. Trên đường ra pháp trường Bảy Mẫu, một tay cầm sách nguyện, tay còn lại Đức cha giơ cao ban phép lành cho dân chúng. Tuy nhiên cũng có kẻ lấy bùn ném vào ngài.

    Sau khi hai cậu Tiệp và Hiến đón nhận phép lành của Đức cha, rồi đưa cổ chịu chém, lý hình xô vị giám mục nằm sấp trên chiếu có phủ vải, rồi họ cột chân tay căng vào bốn cọc ở bốn phía, và thêm hai cọc ở dưới nách để nạn nhân khỏi cựa quậy.

    Đức cha thụ án, thi thể được chôn dưới một hố sâu. Thủ cấp thì bêu nơi công cộng ba ngày. Về sau các giáo hữu đưa thi hài Đức cha về an táng tại Phú Nhai. Năm 1888, thi hài của ngài được dời về quê hương Oviedo, nhưng tay phải thì để lại Bùi Chu, còn tay trái được đưa về Manila.

    Ðức Giám mục Garcia Sampedro - Xuyên được suy tôn lên bậc chân phước ngày 29/4/1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/6/1988.

    26-Thánh HERMOSILLA

    (HIÊRÔNIMÔ LIÊM - VỌNG), OP giám mục

    (1800 - 1861)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 01/11

    Đức cha Hiêronimô Liêm, tên thật là Jeronimo Hermosilla, sinh ngày 30/9/1800 tại Santo Domingo de la Calzada Tây Ban Nha. Năm 19 tuổi, ngài gia nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo, và được gửi tới Phi Luật Tân năm 1825. Một năm sau, ngài được thụ phong linh mục và đến Bắc Việt năm 1829, đang thời cấm đạo của vua Minh Mạng.

    Từ lúc đặt chân lên đất Việt, ngài luôn phải lén lút để thi hành sứ mạng truyền giáo. Ngày 25/3/1841, ngài được tấn phong Giám mục cách bí mật. Khi trở về nhiệm sở, ngài bị bắt; sau đó, được trả tự do nhờ số tiền chuộc. Cơn bách hại càng ngày càng gắt gao. Từ tháng 9/1861, ngài cùng với thầy Giuse Khang phải tạm trú trên thuyền bè của các giáo hữu. Nhưng sau đó cả hai đều bị tố giác. Các ngài bị bắt ngày 20/10/1861 rồi bị giải về Hải Dương và bị kết án trảm quyết.

    Ngày xử án đã định là 01/11/1861. Ba chiếc cũi được khiêng đi sau đội quân chừng 500 người. Đức cha Liêm trong cũi sau cùng. Tại pháp trường Năm Mẫu, Đức cha đã được đưa ra khỏi cũi và cầu nguyện trong giây lát, đoạn lý hình vung gươm thi hành phận sự, linh hồn ngài về Thiên Quốc. Thi thể ngài được chôn táng tại chỗ, sau được di dời về đền Các Thánh Tử Đạo Hải Dương.

    27-Thánh Valentino BERRIO-OCHOA

    (Valentino VINH), OP giám mục

    (1827 - 1861)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 01/11

    Đức cha Valentinô Vinh, tên thật là Berrio Ochoa, chào đời ngày 14/2/1827, tại làng Elorrico, địa phận Vich, nước Tây Ban Nha. Ngài thụ phong linh mục ngày 14/6/1851, gia nhập Dòng Đa Minh ngày 06/10/1853 và được gửi tới Bắc Hà ngày 30/3/1858, dưới thời cấm đạo của vua Tự Đức.

    Tại đây, ngài lãnh nhận trách nhiệm phụ tá cho Đức Giám mục. Khi Đức Giám mục bị xử tử, ngài được chọn lên kế vị coi sóc địa phận Trung ngày 13/6/1858. Cuộc đời chủ chăn của ngài đầy gian nan khổ cực. Chỉ bốn ngày sau khi được tấn phong, ngài phải trốn sang địa phận Đông, trú trong hầm của một gia đình Công Giáo tại làng Hương La, tỉnh Bắc Ninh.

    Đến năm 1861, ngài bị bắt trong lúc di chuyển qua Hải Dương và bị kết án trảm quyết vào ngày 01/11/1861 cùng với các chứng nhân đức tin khác. Thi thể ngài được chôn táng tại chỗ sau được di dời về đền thánh Các Thánh Tử Đạo Hải Dương. Đến đời Đức cha Hiển, hài cốt Đức cha Vinh được gởi về Macao, và sau cùng được đem về quê hương của ngài.

    28-Thánh ĐA MINH ĐINH ĐỨC MẬU, Linh mục

    (1794 - 1858)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 05/11

    Thánh Đa Minh Đinh Đức Mậu sinh năm 1794 tại làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Từ thời thơ ấu, cậu ước muốn dâng mình cho Chúa, nên đã chăm chỉ học hành và luyện tập nhân đức. Sau này, cậu xin gia nhập chủng viện và kiên trì trong ơn gọi.

    Mùa Xuân năm 1829, sau khi được thụ phong linh mục cùng với 10 anh em đồng môn, cha Mậu xin gia nhập và tuyên khấn trọng thể trong dòng Đa Minh.

    Trải qua những năm cấm đạo gắt gao thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, cha Mậu vẫn luôn trung kiên, vượt mọi thử thách và hăng say đi rao giảng Tin Mừng tại các xứ đạo: Trung Linh, Phú Nhai và Kiên Lao.

    Ngày 27/8/1858, cha Mậu bị bắt cùng với một số tín hữu tại làng Kẻ Diền, tỉnh Thái Bình. Sau đó, tất cả bị giải về Hưng Yên. Trong hơn 2 tháng tù đày, dầu phải mang gông xiềng, chịu tra tấn nhiều lần, cha không chỉ chấp nhận gian lao đau khổ mà còn khích lệ các giáo hữu cùng bị giam cầm hãy chịu đựng vì danh Chúa Giêsu. Nhờ đó, nhiều người đã trung thành với Chúa đến hơi thở cuối cùng.

    Trong tù, cha vẫn luôn sống đời cầu nguyện, kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa, nhất là siêng năng lần chuỗi Mân Côi để trung thành với ơn gọi và giữ vững đức tin.

    Ngày 05/11/1858, bên bờ sông Hồng, thị xã Hưng Yên, dưới thời vua Tự Đức, cha Đa Minh Đinh Đức Mậu đã thanh thản tiến ra pháp trường nhận bản án trảm quyết vì danh Chúa Kitô. Ngài được mai táng trọng thể tại nhà thờ giáo xứ Mai Linh, tỉnh Nam Định.

    Linh mục Ðaminh Ðinh Ðức Mậu được nâng lên hàng chân phước ngày 29/4/1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/6/1988.

    29-Thánh Vinh Sơn LIÊM, Linh mục

    (1732- 1773)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 07/11

    Cậu Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm sinh năm 1732 tại Thôn Đông, làng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Cậu vào tu trong nhà Đức Chúa Trời tại địa phương do các cha Dòng Đa Minh coi sóc. Sau vài năm, cậu được gửi đi du học tại Philíppin và theo học tại trường Gioan Latêranô tại tỉnh Manila.

    Sau năm học hành thành công xuất sắc, thầy Liêm xin nhập Dòng Đa Minh và lãnh tu phục ngày 09/9/1753. Năm sau, thầy tuyên khấn trọng thể tại dòng. Tiếp đó, thầy học thêm 4 năm thần học và lãnh tác vụ linh mục năm 1758.

    Thụ phong linh mục rồi, cha Liêm chuẩn bị trở về phục vụ quê hương. Ngày 20/01/1759, cha về đến Việt Nam và được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh những kiến thức cha đã thu thập được. Nhưng nguyện vọng của cha là loan báo Tin Mừng bình an cho anh em. Và chẳng bao lâu, cha rời chủng viện và dấn thân vào con đường truyền giáo.

    Hoạt động của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách. Với lòng nhiệt tình, yêu thương giúp đỡ mọi người nên ai ai cũng hết lòng thương mến. Dầu thành công trong công tác, cha Liêm không bao giờ tự mãn với chính mình.

    Ngày 01/10/1773, cha Liêm đi giảng cho họ Lương Đống, chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, thì bị bắt. Sau một trận đòn chí tử, họ trói cha và hai cậu giúp lễ là Mátthêu Vũ và Giuse Bích rồi đem giải về Thiên Nam ngày 16/10/1773. Ở đây, cha Liêm gặp một linh mục cùng dòng, cha Cátnêđa Gia đã bị giam ở đó. Hai anh em sung sướng cùng chia ngọt sẻ bùi trong cảnh tù đày. Ngày 20/10/1773, quan trấn trao hai cha cho quan phủ Thần Khê để giải về Thăng Long, ra mắt chúa Trịnh Sâm.

    Ngày 27/11/1773, hai cha bị đem đi xử. Hai vị anh hùng đức tin đã vui mừng đọc kinh Tin Kính và hát kinh Lạy Nữ Vương trên đường ra pháp trường Đồng Mơ. Những nhát gươm định mệnh giúp hai vị hoàn tất sứ mệnh, chứng tá tuyệt hảo cho Đức Ki-tô. Thi hài các ngài được rước về an táng tại Trung Linh.

    30-Thánh Jacinto CASTANEDA (Giacintô GIA) Linh mục

    (1743 - 1773)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 07/11

    Thánh Castañeda - Gia sinh năm 1743 tại Javita, Tây Ban Nha. Năm 1789, thầy Castañeda khấn trọn trong dòng Đa Minh và nhận tên dòng là Jacinto. Thầy Jacinto mơ ước đi truyền giáo Viễn Đông nên tham gia hành trình đến Philippines, và tu học tại tu viện dòng Đa Minh ở Manila. Tại đây, thầy được truyền chức linh mục vào ngày 02/6/1765 và được sai đi truyền giáo tại Trung Hoa.

    Năm 1766, hai cha Jacinto Castañeda và Jose Lavilla đến Hán Khẩu. Trong 3 năm, hai nhà truyền giáo nhiệt thành mục vụ tại một xứ đạo đã được thiết lập trước khi hai cha tới.

    Khi được mời đi xức dầu cho một bệnh nhân, do có người mật báo, hai cha bị bắt giải về Phúc Kiến, bị giam tại huyện Phú An và bị trục xuất sang Ma Cao. Từ Ma Cao, ngày 22/01/1770, cha Jacinto đến xứ Kẻ Bùi và được gửi học tiếng Việt tại Trung Linh, nhận tên Việt là Gia, rồi được bổ nhiệm làm việc tông đồ tại hạt Phú Thái.

    Ngày 11/7/1773, khi đi từ từ Kẻ Non đến Lai Ổn để ban bí tích xức dầu cho một bệnh nhân, cha Gia và thầy Tân lọt vào vòng vây của quan phủ Thần Khê. Khi hai người cùng chạy trốn vào làng Gia Đạo thì bất ngờ chủ nhà đi báo quan để lãnh thưởng. Khi quan đòi 3000 tiền chuộc, cha đáp: “Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền. Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ, kể cả cái chết”.

    Quan phủ giải ngài về Phố Hiến rồi đến Kẻ Chợ (Hà Nội) để chúa Trịnh Sâm xét xử. Tại đây, cha tham dự cuộc tranh luận giữa 4 tôn giáo: Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và Công giáo. Với kinh nghiệm giảng đạo và hiểu biết về tôn giáo tại Trung Hoa, những đối đáp của cha làm chúa khâm phục.

    Ngày 07/11/1773, theo bản án của chúa Trịnh Sâm, cha bị xử trảm tại pháp trường Đồng Mơ. Thi hài cha được mai táng tại xứ Trung Linh. Linh mục Jacinto Castaneda - Gia được nâng lên hàng chân phước ngày 20-5-1906 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

    31-Thánh Ignatiô DELGADO Y, OP giám mục

    (1762-1838)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 12/7

    Thánh Ignacio Delgado - Y sinh ngày 23/11/1762 tại làng Villafeliche, tỉnh Saragozza, miền Aragon, nước Tây Ban Nha. Lúc đầu anh gia nhập dòng Đa Minh, tỉnh dòng Aragon và tuyên khấn năm 1781. Nhưng những lá thư của cha Alonsô - Phê về sứ vụ tại Việt Nam đã thắp lên nơi thầy Delgado ước vọng truyền giáo. Thầy liền xin chuyển qua tỉnh dòng Mân Côi, tiếp tục học thần học tại Manila và được thụ phong linh mục tại đây năm 1787. Sau hai năm hành trình, năm 1790 cha Delgado cùng vi ba anh em khác đến Việt Nam.

    Cha Delgado được cử coi sóc chủng viện hai năm, rồi làm cha chính giáo phận, kiêm đại diện giám tỉnh hai năm. Và theo sự giới thiệu của Đức cha Alonsô - Phê, cha Delgado được bổ nhiệm làm giám mục phó ngày 11/02/1794 và được tấn phong vào tháng 9 năm sau.

    Năm 1799, Đức cha Phê qua đời, Đức cha Delgado - Y phải đảm đương giáo phận. Bốn năm sau, công tác này được san sẻ với vị tân Giám mục phó Henares - Minh. Dù đường xá khó khăn, hai vị giám mục đã không ngại đi hàng ngàn cây số đường mòn bờ đê, xuyên rừng leo núi đến thăm từng giáo xứ và các họ đạo.

    Tận dụng giai đoạn bình an, Đức cha Delgado lo củng cố lại giáo phận. Ngài tái lập các chủng viện Ninh Cường, Lục Thủy, Tiên Chu và Ngọc Đồng. Tín hữu được tham dự kinh lễ mỗi ngày, học giáo lý kỹ lưỡng hơn và sống đạo tốt hơn. Nhờ những nghi lễ long trọng tại các giáo xứ, trong mười năm, hơn 10.000 người lớn xin rửa tội.

    Năm 1838, vì những lá thư của cha Viên gửi các thừa sai bị phát hiện, dưới áp lực của triều đình và sự nhiệt tình của tổng đốc Trịnh Quang Khanh, các chủng viện, nhà thờ phải tự tháo dỡ, chủng sinh và nữ tu phải về gia đình. Các thừa sai tạm lánh qua làng Kiên Lao. Nhưng do sự chỉ điểm của thầy đồ Hy, cả hai vị giám mục lần lượt bị bắt.

    Đức cha Delgado bị giam trong cũi gỗ với chắn song phủ kín bốn phía, chỉ chừa một lỗ nhỏ bên trên để đưa cơm nước cho tù nhân. Một viên quan xúi Đức cha: “Ông đã bị bắt, ông có thể tự vẫn như những người dũng cảm khác thường làm”. Đức cha trả lời: “Chúng tôi không được tự vẫn, vì đó là trọng tội. Nhưng nếu vì đạo, quan truyền giết tôi thì tôi hết sức vui mừng”. Kể sao cho xiết những khốn cực Đức cha phải chịu suốt 43 ngày trong cũi. Cũi nhốt Đức cha được đặt ngoài cửa thành, khiến cha ban ngày thì nhễ nhại mồ hôi dưới sức nóng mặt trời, ban đêm thì lạnh cóng vì sương gió.

    Án xử lần thứ hai gửi vào kinh được vua châu phê ngay, nhưng bn án chưa kp về đến Nam Định thì Đức cha đáng kính đã từ trần. Với tuổi già (76 tuổi), cộng với bệnh tật, một tháng rưỡi trong cũi đã làm Đức cha kiệt lực và an nghỉ ngày 12/07/1838. Quân lính thấm dầu vào vải, quấn quanh ngón chân, đốt thử để biết là đã chết thật. Tuy nhiên quan vẫn quyết: “Cứ thi hành mọi sự như án đã đề ra, để mọi người biết tội y nặng nề dường nào”. Quân lính liền khiêng cũi có xác Đức cha ra pháp trường Bảy Mẫu, đưa thi thể ra ngoài rồi chém đầu.

    Thi hài vị tử đạo được các tín hữu an táng tại một nhà thờ đã bị tàn phá ở Bùi Chu. Thủ cấp bị treo nơi công cộng ba ngày rồi ném xuống sông Vị Hoàng. Ba tháng sau một người đánh cá vớt được, đưa về an táng chung với thi hài của ngài.

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ