Tài liệu học tập về Các Thánh Tử Đạo Giáo phận Thái Bình - Dành cho Giới trẻ - Sinh viên - TNTT

  • 15/08/2021
  • Caption

    TÀI LIỆU HỌC TẬP

    VỀ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO QUÊ HƯƠNG THÁI BÌNH

    1. 19 THÁNH TỬ ĐẠO QUÊ HƯƠNG GP. THÁI BÌNH

    1-Thánh Phêrô ĐINH VĂN DŨNG, ngư phủ

    (1800-1862)

    Lãnh phúc tử đạo ngày: 06/6

    Ông Phêrô Đinh Văn Dũng người họ Đông Phú, thuộc giáo xứ Trung Đồng, Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình. Ông là một giáo hữu bình dân, chất phác và nhiệt thành, làm nghề ngư phủ để sinh sống. Sau khi lập gia đình, ông đã tận tâm giáo dục con cái biết sống đạo cách sốt sắng theo tinh thần Phúc Âm.

    Đầu năm 1862, thảm họa đã đổ xuống trên làng Đông Phú. Trong dịp này, ông bị bắt khi đã ngoài 60 tuổi, bị giải về huyện, rồi bị tống giam vào ngục Ngọc Chí. Tại đây, ông đã chịu những cực hình, cổ mang gông, chân chịu xiềng xích, bị cưỡng bức chà đạp Thập Giá, nhưng ông vẫn nhất mực từ chối và thẳng thắn tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô.

    Nhận thấy việc kéo dài thời gian giam giữ cũng vô ích, các quan liền kết án thiêu sinh. Ngày 06/6/1862, quan cho nhốt hai ông Phêrô Dũng và Phêrô Thuần vào một cũi tre chật hẹp, rồi chất củi thiêu hai ông. Trong ngọn lửa, hai vị đã chắp tay cầu nguyện, tạ ơn Chúa trong tâm tình hiến dâng mạng sống mình để nói lên niềm tin kiên vững vào Đấng Cứu Chuộc.

    2- Thánh Vincentê PHẠM VĂN DƯƠNG, nhân viên thuế vụ

    (1821-1862)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 06/6

    Thánh Vinh Sơn Dương sinh năm 1821 tại làng Doãn Trung, sau gọi là Phương Viên, thuộc xứ Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình.

    Khoảng cuối tháng 9/1861, ông Vinh Sơn Dương cùng nhiều giáo hữu khác bị bắt và bị phân sáp vào làng Mỹ Nhuệ, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Suốt  chín tháng bị giam giữ tại đây với biết bao hình khổ dữ dằn, bao sỉ nhục mắng nhiếc, ông đã vui vẻ chấp nhận tất cả để giữ lòng trung tính với Chúa Giêsu, quyết không chà đạp lên Thánh Giá. Cuối cùng, ngày 06/6/1862, ông Vinh Sơn Dương đã lãnh bán án thiêu sinh. Sau giờ hành quyết, các giáo hữu đã chôn cất vị anh hùng Đức Tin ngay nơi lãnh phúc tử đạo. Ít lâu sau, thi hài ngài được cải táng và rước về mai táng tại nhà thờ Thánh Vinh Sơn, quê hương của ngài.

    3-Thánh Tôma NGUYỄN VĂN ĐỆ, thợ may

    (1810-1839)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 19/12

    Tôma Nguyễn Văn Đệ sinh năm 1811 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình. Ví lý do kinh tế nên anh Đệ theo mẹ về xứ Kẻ Mốt và ở ngay gần nhà thờ. Lớn lên, anh theo nghề thợ may và được mọi người yêu mến.

    Ngày 29/6/1838, quân lính vây làng Kẻ Mốt, và ép buộc mọi người trên 18 tuổi phải đạp lên Thánh Giá, mới đầu anh lẩn trồn, nhưng về sau biết không thể tránh được, anh đã tự ra trình diện quan. Đến trước Thánh Giá, anh Đệ quỳ xuống cầu nguyện lớn rằng: “Lạy Chúa! Không bao giờ con bước qua mặt Ngài”.

    28 tuổi đời, trách nhiệm đối với vợ và ba đứa con, đó là mối ưu tư trăn trở của anh Tôma Đệ trong những ngày bị giam cầm. Tuy thế, sau nhiều ngày suy nghĩ và cầu nguyện xin Chúa soi sáng, cuối cùng, anh tìm được bình an trong tâm hồn, phó thác tất cả trong bàn tay Chúa quan phòng.

    Sau hơn một năm dụ dỗ, tra tấn không kết quả, quan liền xin triều đình ra án xử tử. Đêm 18/12/1839, án về đến nơi và ngay sáng hôm sau, anh bị xử giảo.

    4-Thánh Phaolô VŨ VĂN ĐỔNG

    (1802-1862)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 03/6

    Phaolô Đổng sinh năm 1802 tại Vực Đường, thuộc giáo xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên. Là một giáo dân đạo đức và đầy thế giá trong xứ Vực Đường, nhưng vì ngài không tuân theo chiếu chỉ của vua Tự Đức, buộc phải đạp qua Thánh Giá để chối đạo, nên đã bị tống giam. Ngài luôn luôn giữ vững đức tin dù nhiều lần bị đánh đạp tàn nhẫn và thân thể mang đầy thương tích. Ngài đã anh dũng chống lại bọn lính khi họ định khắc trên má hai chữ “tả đạo”.

    Thay vào đó, ngài đã nhờ bạn tù khắc hai chữ “chính đạo” trên má mình. Ngài bị bỏ đói nhiều ngày và sau cùng bị lên án tử hình.

    Trên đường ra pháp trường, ngài dọn mình chết lành và đọc kinh phó dâng linh hồn cho Chúa. Ngài đã lớn tiếng kêu tên cực trọng Chúa Giêsu ba lần trước khi đao phủ chém, linh hồn vị tử đạo được đưa về Thiên Quốc ngày 03/6/1862.

    5-Thánh Ðaminh HUYÊN, ngư phủ

    (1817-1862)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 05/6

    Thánh Đa Minh Huyên là người làng Đông Thành, tỉnh Thái Bình (thuộc xứ Kính Danh mới thành lập). Ông đã lập gia đình và là gia trưởng đạo đức, gương mẫu. Ông làm nghề ngư phủ trên sông Nhị Bình gần cửa Ba Lạt.

    Ông đã bị bắt vì tin theo đạo Công Giáo, lúc đó ông được 45 tuổi. Tại huyện Quỳnh Côi, sau khi khẳng định lập trường đức tin của mình, ông bị tống giam vào ngục tù Tăng Già. Suốt thời gian 9 tháng ở đây, mọi người có thể thấy rõ lòng quả cảm và kiên cường của ông: nào đói, nào khát, nào đòn vọt và ngay cả án tử hình cũng không làm cho ông sờn lòng, nản chí. Ngược lại, ông tiếp tục khích lệ các bạn kiên trì giữ vững niềm tin.

    Nhiều lần bị dẫn đến trước công đường và bị ép buộc chà đạp lên Thập Giá, ông khẳng khái phản đối. Các quan thấy khó lòng lay chuyển được vị chứng nhân của Chúa nên đã kết án thiêu sinh. Khi biết tin này ông đã hân hoan tạ ơn Chúa.

    Sáng ngày 05/6/1862, ông Đa Minh Huyên và Đa Minh Toại bước đến giàn hoả thiêu một cách hân hoan vui vẻ. Hai ông đã cất cao lời cầu nguyện hoà quyện với ngọn lửa rực hồng đem linh hồn các ngài về cùng Thiên Chúa.

    6-Thánh Giuse NGUYỄN DUY KHANG, thầy giảng

    (1832-1861)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 06/12

     Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang sinh năm 1838, tại Cao Mại, xã Trà Vi, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình (nay thuộc Giáo xứ Trà Vi). Sau 10 năm sống với cha Năng, cậu Giuse Khang được nhập Chủng viện Kẻ Mốt. Sau đó thầy gia nhập Dòng Đa Minh và được các anh em trong cộng đoàn tín nhiệm bầu làm trưởng tràng, điều hành mọi công việc trong nhà.

    Ngày 20/9/1861, thầy bị bắt và bị tống giam. Thầy đã chịu tra tấn ba lần kể từ ngày Đức cha Liêm bị xử trảm. Lần nào thầy cũng tỏ ra anh hùng, xứng với danh hiệu chứng nhân Đức Tin.

    Ngày 06/12, thầy nhận bản án trảm quyết từ kinh đô gửi ra. Và cũng chính ngày hôm ấy, vị chứng nhân anh hùng được dẫn ra pháp trường Năm Mẫu để nhận án lệnh cuối cùng một cách can đảm phi thường.

    7 - Thánh Tôma Ngô Túc Khuông, Linh mục

    (1780-1860)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 30/01

    Đạo Công giáo không những cấm các tín hữu chống đối triều đình, mà còn khuyến khích họ cầu nguyện và góp phần xây dựng quê hương an ninh thịnh vượng.

    Thánh Tôma Ngô Túc Khuông sinh năm 1780 tại làng Nam Hòa, xứ Tiên Chu, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc Giáo xứ Tp. Hưng Yên). Thân phụ ngài giữ chức tuần phủ giàu sang quyền quý ở Hưng Yên, nhưng cậu bé Khuông chỉ ước mong dâng mình cho Chúa.

    Sau khi chịu chức linh mục, cha Khuông xin nhập dòng Ba Đa Minh. Ngài là vị mục tử khôn ngoan, thánh thiện, nhân lành, tận tuỵ với sứ mệnh truyền giáo, khôn khéo trong giao tế nhưng cương quyết trong hành động. Cha rất sùng kính tràng hạt Mân Côi và nhiệt tâm cổ võ cho việc đạo đức này.

    Trong thời kỳ bách đạo, cha Khuông vẫn âm thầm tiếp tục thi hành công việc mục vụ, ban các bí tích cho giáo dân nhờ sự khôn khéo giao tiếp với giới quan lại.

    Năm 1859, một số ít giáo hữu xứ Cao Xá tổ chức võ trang để tự vệ, chống lại việc binh lính triều đình tấn công các làng đạo. Cha Khuông không ủng hộ việc này nên ngài lánh sang Hải Phòng, thuộc Giáo phận Đông Đàng Ngoài.

    Khi đi lánh nạn đến đầu cầu làng Trần Xá, cha Khuông bị bắt do khẳng khái từ chối việc bước qua Thánh Giá. Cha bị tống ngục cùng một số tín hữu tháp tùng.

    Quan tổng đốc tìm mọi cách ép buộc cha làm nhân chứng tố cáo những tín hữu Cao Xá chống lại triều đình, nhưng cha nhất mực từ chối khai báo và nói: “Đạo Công giáo không những cấm các tín hữu chống đối triều đình, mà còn khuyến khích họ cầu nguyện và góp phần xây dựng quê hương an ninh thịnh vượng”.

    Quan tổng đốc đổi chiến thuật yêu cầu cha khuyến khích giáo hữu đạp ảnh thánh, chối đạo để được trả tự do về đoàn tụ gia đình. Cha kiên quyết trả lời: “Tôi nay đã 80 tuổi. Là đạo trưởng Công giáo, tôi luôn khuyên nhủ giáo hữu trung thành giữ Đạo Thánh Chúa. Giờ đây, nếu tôi khuyên bảo họ chối đạo thì tôi thật bất xứng và chẳng đáng làm đạo trưởng”.

    Án xử trảm cha Ngô Túc Khuông được thi hành ngày 30/01/1860 ngoài thành Hưng Yên. Trên đường tiến ra pháp trường, cha chống gậy tre nhưng còn cột thêm đầu gậy một thanh ngang ngắn, tạo thành cây Thập giá. Đến nơi xử, cha quỳ xuống cầu nguyện và cúi đầu lãnh nhận lưỡi gươm từ đao phủ.

    Linh mục Tôma Ngô Túc Khuông được nâng lên hàng chân phước ngày 29/4/1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/6/1988.

    8-Thánh Phanxicô Xaviê HÀ TRỌNG MẬU, thầy giảng

    (1790-1839)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 19/12

    Thánh Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu sinh năm 1790 tại làng Kẻ Diền tỉnh Thái Bình (nay thuộc Giáo xứ Duyên Lãng). Cậu được cha mẹ cho đi tu trở thành thầy giảng và đi giúp nhiều giáo xứ. Khi hay tin cha Tự bị bắt, thầy đến để nghe ngóng tin tức về cha, ai ngờ ngay hôm ấy thầy cũng bị bắt.

    Thầy Mậu bị dẫn đến quan Lương Tài, quan hỏi lý lịch thầy, thầy dõng dạc xưng mình là đệ tử của cha Tự.  Khi quan bắt ép bước qua Thập Giá, thầy liền giải thích: “Thưa quan, chúng tôi mong ước về với Chúa, như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh với Chúa, như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của đức vua”.

    Sau hơn một năm dụ dỗ, tra tấn không có kết quả, quan liền xin triều đình ra án xử tử. Đêm 18/12/1839, án về đến nơi và ngay sáng hôm sau, thầy đã bị xử giảo cùng các vị chứng nhân Đức Tin khác.

    9-Thánh Augustinô NguyỄn Văn MỚi

    (1806-1839)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 19/12

    Augustinô Nguyễn Văn Mới sinh năm 1806, tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nông dân ngoại giáo. Đến tuổi trưởng thành, anh đến làng Đức Trai, xứ Kẻ Mốt để làm mướn. Tiếp xúc với giáo hữu ở đây, càng ngày anh càng thấy mến đạo và xin theo học giáo lý. Năm 31 tuổi anh được cha Tự rửa tội và đặt tên thánh bổn mạng là Augustinô.

    Mấy năm sau, cha Tự làm lễ cưới cho anh với một thiếu nữ trong làng. Ngày 29/6/1838, khi quân lính  bao vây làng Kẻ Mốt và bắt cha Tự, họ buộc toàn dân phải ra đình điểm danh, rồi bước qua Thánh Giá. Anh Mới cương quyết không chịu bước qua Thánh Giá nên bị bắt và áp giải chung với cha Tự, ông trùm Cảnh và 2 thầy Uý và Mậu lên giam tại Bắc Ninh.

    Tuy là một tân tòng, anh Augustinô Mới đã biểu lộ một Đức Tin kiên cường, không thua kém gì những kitô hữu vững tin nhất.

    Sau hơn một năm dụ dỗ, tra tấn không có kết quả, quan liền xin triều đình ra án xử tử. Đêm 18/12/1839, án về đến nơi và ngay sáng hôm sau tất cả đã bị xử giảo.

    10- Thánh Phêrô Đinh Văn ThuẦn, ngư phủ

    (1800 – 1862)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 06/6

    Ông Phêrô Đinh Văn Thuần người họ Đông Phú, thuộc giáo xứ Trung Đồng, Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình (nay là Giáo xứ Đông Phú). Là anh em con chú con bác với Phêrô Dũng, ông cũng làm nghề ngư phủ, là giáo hữu bình dân, chất phác và nhiệt thành. Sau khi lập gia đình, ông đã tận tâm giáo dục con cái biết sống đạo cách sốt sắng theo tinh thần Phúc Âm.

    Đầu năm 1862, thảm hoạ đã đổ xuống trên làng Đông Phú. Trong dịp này, ông bị bắt khi đã ngoài 60 tuổi, bị giải về huyện, rồi bị tống giam vào ngục Ngọc Chí. Tại đây, ông đã chịu những cực hình, cổ mang gông, chân chịu xiềng xích, bị cưỡng bức chà đạp Thập Giá, nhưng ông vẫn nhất mực từ chối và thẳng thắn tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Ktô. Tuy nhiên, vì một lần thoái chí nản lòng, ông Phêrô Thuần đã nghe lời quan đạp lên Thập Giá, nhưng sau khi gặp lại các bạn hữu, ông tìm lại được lòng can đảm, tiếp tục tuyên xưng niềm tin cho đến chết, bất chấp mọi cực hình.

    Nhận thấy việc kéo dài thời gian giam giữ cũng vô ích, các quan liền kết án thiêu sinh. Ngày 06/6/1862, quan cho nhốt hai ông Phêrô Dũng và Phêrô Thuần vào một cũi tre chật hẹp, rồi chất củi thiêu hai ông. Trong ngọn lửa, hai vị đã chắp tay cầu nguyện, tạ ơn Chúa trong tâm tình hiến dâng mạng sống mình để nói lên niềm tin kiên vững vào Đấng Cứu Chuộc.

    11-Thánh Ðaminh ToẠi, ngư phủ

    (1811-1862)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 05/6

    Thánh Đa Minh Toại là người làng Đông Thành, (thuộc xứ Kính Danh mới thành lập), tỉnh Thái Bình. Làm nghề ngư phủ trên sông Nhị Bình gần cử Ba Lạt.

    Ông bị bắt vì tin theo đạo Công Giáo, lúc đó ông đã trên 50 tuổi. Tại huyện Quỳnh Côi, sau khi khẳng định lập trường đức tin của mình, ông bị tống giam vào ngục Tăng Già. Suốt thời gian chín tháng ở đây, mọi người có thể thấy rõ lòng quả cảm và kiên cường của ông: nào đói, nào khát, nào đòn vọt và ngay cả án tử hình cũng không làm cho ông nản lòng. Ngược lại, ông tiếp tục khích lệ các bạn kiên trì giữ vững niềm tin. Ông Toại thường nói với cá bạn tù: “Nào anh em, hãy can đảm lên! Chúng ta chịu khổ hình vì Đức Kitô, nên chúng ta phải đón nhận đau khổ cách nhẫn nại. Chúng ta phải bền chí đến cùng, và nếu cần, sẵn sàng hy sinh mạng sống”.

    Nhiều lần bị dẫn đến trước công đường và bị ép buộc chà đạp lên Thập Giá, ông khẳng khái phản đối. Các quan thấy khó lòng lay chuyển được vị chứng nhân của Chúa nên đã kết án thiêu sinh. Khi biết tin này ông đã hân hoan tạ ơn Chúa.

    Sáng ngày 05/6/1862, ông Đa Minh Toại bước đến giàn hoả thiêu một cách hân hoan vui vẻ. Ông đã cất cao lời cầu nguyện hoà quyện với ngọn lửa rực hồng đem linh hồn ông về cùng Thiên Chúa.

    12-Thánh Tôma Toán, thầy giảng

    (1764-1840)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 27/6

    Thánh Tôma Toán sinh năm 1764, tại làng Cần Phán, thuộc xứ Quỳnh Lang, giáo phận Thái Bình. Vừa là hội viên Dòng Ba Đa Minh vừa là thầy giảng có uy tín làm việc truyền giáo ở Trung Linh, Bùi Chu. Cuộc tử đạo của thầy Toán được ghi dấu bằng hai lần chối đạo:

    • Lần thứ nhất, sau một tháng tra khảo, ngày 19/1/1840 thầy đã nhát sợ bước qua Thánh Giá.
    • Lần thứ hai, ngày 18/4 thầy Toán lại một lần nữa bước qua Thánh Giá.

    Nhưng cả hai lần, liền sau đó, ngài đã thống hối và tuyên xưng đức tin trở lại.

    Khi thấy thầy già yếu và vì đói mà thân hình như lả đi, quan liền cho dọn một mâm cơm rượu thịt thơm ngon và nói: “Ăn đi, rồi bước qua Thập Tự”, nhưng vị anh hùng đức tin thà chết đói hơn là phải bỏ đạo, thầy nói: “Nếu ăn mà phải xuất giáo, tôi không bao giờ ăn cả”. Quan tức mình tống giam thầy. Từ đó, thầy già Toán phải chịu đói kát hoàn toàn cho đến khi gục ngã và tắt thở trong tù ngày 27/6/1840.

    Thi hài thầy Toán được chôn cùng với các tù nhân. Bảy tháng sau, giáo dân cải táng và đem hài cốt thầy về an táng tại giáo xứ Lục Thuỷ chung với nhiều vị tử đạo khác.

    13-Thánh Giuse Tuân, linh mục

    (1821-1861)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 30/4

    Giuse Tuân chào đời khoảng năm 1811 tại họ Trần Xá, xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên. Từ thời niên thiếu, cậu đã được nhận vào Nhà Đức Chúa Trời, sau đó cậu được chọn vào Chủng viện rồi được thụ phong linh mục. Để có cơ hội cộng tác chặt chẽ hơn với công cuộc truyền giáo, năm 1857, cha Giuse Tuân xin vào Dòng Anh Em Thuyết Giáo, tuyên khấn năm 1858 và trở thành một tu sĩ gương mẫu đạo đức.

    Trước cơn bách hại tàn bạo của vua Tự Đức, vì lo lắng cho đoàn chiên bơ vơ, cha phải lẩn trốn để có thể âm thầm phục vụ cho con cái trong hoàn cảnh khó khăn này. Nhưng đầu năm 1861, cha bị bắt và bị cầm tù do sự tố cáo của một tên giáo gian.

    Tại công đường, dù bị cực hình tra tấn, cha vẫn hiên ngang trung thành với Thầy Chí Thánh. Cuối cùng người chiến sĩ anh dũng đã chạy tới đích. Sau nhiều cực hình trong mấy tháng trời, án trảm quyết cha Tuân được vua Tự Đức phê chuẩn. Ngày 29/4/1861, cha bị đem ra pháp trường Hưng Yên xử chém.

    14-Thánh Phêrô NGUYỄN BÁ TUẦN, Linh mục

    (1766 - 1838)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 15/ 7

    Chào đời năm 1766, tại làng Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên, thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần là người hiền lành, đạo đức, chăm chỉ học tập, dâng mình vào Nhà Chúa từ thuở nhỏ và học thêm chữ Nho.

    Lớn lên, ngài được gửi vào chủng viện. Nhưng khi vừa mới vào trường, gặp thời vua Cảnh Thịnh ra sắc chỉ cấm đạo, chủng viện phải giải tán. Khi Gia Long lên ngôi tại kinh thành Phú Xuân, thời thế yên bình, chủng viện mở cửa trở lại. Thầy Tuần nhập trường và học thần học. Năm 1807, thầy chịu chức linh mục.

    Năm 1838, vua Minh Mạng cấm đạo gay gắt. Khi đó cha Tuần đang coi xứ Lác Môn, tỉnh Nam Định. Nghe tin làng Quần Liêu sợ vạ lây, không chấp nhận cha chính Fernandez - Hiền về chữa bệnh tại đây, cha Tuần đến can thiệp và ở lại để dân làng yên tâm giúp đỡ cha chính.

    Sau vài ngày, hai cha trốn lên Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhưng tại đây, quan quân cũng truy nã gắt gao. Các tín hữu giấu hai cha ngoài vũng sình lầy. Sau đó, cha xứ Kim Sơn nhờ Bát Biên, một người thọ nhiều ân nghĩa với mình giúp đỡ hai cha. Bát Biên trở mặt, nộp hai cha cho quan tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh. Hai cha bị tống ngục. Cha Tuần đã 72 tuổi nhưng vẫn phải bị đánh đòn dã man và bị kết án tử hình.

    Ngày 15/7/1838, ba ngày trước khi bản án được châu phê về đến tỉnh đường Nam Định, vị chứng nhân đức tin đã hoàn tất cuộc đời tận hiến trong cảnh ngục tù, dưới triều vua Minh Mạng. Giáo hữu phải hao tốn tiền của mới nhận được thi hài của cha đưa về an táng trong nền nhà thờ Ngọc Đồng.

    Linh mục Phêrô Nguyễn Bá Tuần được nâng lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

    15 - Thánh Giuse Túc, thanh niên

    (1843-1962)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 01/6

    Thánh Giuse Túc sinh năm 1843 tại họ đạo Hoàng Xá, xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên (nay là Giáo xứ Tp. Hưng Yên), trong một gia đình nông dân đạo đức. Cậu Giuse Túc rất cần cù, hiền hoà và nghe lời cha mẹ chuyên chăm học chữ Nôm hầu theo đuổi nghiệp khoa cử.

    Nhưng do cuộc bách hại đạo dai dẳng và ngày càng khốc liệt của vua Tự Đức, vào đầu năm 1862, anh Giuse Túc đã bị bắt đang trong độ tuổi hoa niên vì là Kitô hữu.

    Tuy tuổi đời còn quá trẻ, nhưng lòng tin vào Thiên Chúa thật cao độ. Anh Giuse Túc luôn luôn trung thành với Đức Tin dẫu cho có rất nhiều người muốn đút tiền cho lính để anh trốn trở về, nhưng Giuse Túc trả lời: “Tôi sẽ không trốn bất cứ cách nào, vì nếu tôi trốn sẽ làm khổ người khác. Chúa muốn thế nào, tôi xin nhận như thế”.

    Cuối năm đó, anh Túc bị giải về Hưng Yên. Sau những lời dụ dỗ, doạ nạt và tra khảo nhiều lần không làm lay chuyển được lòng tin sắt đá của anh, các quan nhất trí kết án trảm quyết anh. Ngài bị đưa ra pháp trường ngày 01/6/1862. Thi hài người chiến sĩ Đức Tin được chôn tại chỗ, sau được cải táng và đem về nhà xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên.

    16-- Thánh Đa Minh Bùi Văn Úy, thầy giảng

    (1812-1839)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 19/12

    Thánh Đa Minh Bùi Văn Uý sinh năm 1812 tại họ Tiên Môn làng Kẻ Rèm, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ đã được gởi vào nhà xứ ở với cha Tự. Sau khi thành thầy giảng, thầy luôn phụ giúp cha tại xứ Kẻ Đanh rồi Kẻ Mốt (Bắc Ninh).

    Ngày 29/6/1838, lính đến vây làng Kẻ Mốt, đã bắt thầy Uý và cha Tự. Nhiều lần, quan dụ thầy chối đạo và chà đạp lên Thập Giá vì thấy thầy còn quá trẻ, nhưng thầy trả lời: “Thưa quan, quan có dám bước qua mặt đức vua không mà lại bảo tôi bước qua mặt Chúa tôi? Nhưng dù quan có bước qua mặt vua thì tôi cũng không bước qua mặt Chúa tôi được”. Sau hơn một năm dụ dỗ, tra tấn không có kết quả, quan liền xin triều đình ra án xử tử. Đêm 18/12/1839, án về đến nơi và ngay sáng hôm sau, thầy Đa Minh Uý đã bị xử giảo cùng các thầy khác.

    17 - Giuse ĐẶNG ĐÌNH VIÊN, Linh mục

    (1758 - 1838)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 21/ 8

    Thánh Giuse Đặng Đình Viên còn có tên là Lương, sinh năm 1785 tại làng Tiên Chu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Khi còn nhỏ, cậu sống và học tập ở quê ngoại, họ Vân, huyện Ân Thi. Khi cha mẹ qua đời, cậu theo giúp các cha và được giới thiệu vào chủng viện.

    Năm 1821, thầy Viên thụ phong linh mục và coi sóc giáo hữu làng Lục Thủy, Nam Định. Hai năm sau, cha được cử đi giúp các họ Đông Bài, Thiết Nham, Như Thiết, An Mỹ. Cha nổi tiếng là một linh mục đạo đức, siêng năng phục vụ, được mọi người yêu mến.

    Ngày 17/4/1838, thầy giảng Vũ Văn Lân được cha Viên cử đi lãnh Dầu Thánh ngày thứ Năm Tuần Thánh đã bị bắt cùng với sáu bức thư cha gởi cho hai Đức cha và các thừa sai. Không ngờ những lá thư trên đã làm bùng nổ cuộc bách hại đẫm máu của tổng đốc Trịnh Quang Khanh tại Nam Định và Hưng Yên, khiến hai Đức cha, nhiều linh mục và tín hữu chịu tử đạo.

    Tại Hưng Yên, để bắt cha Viên, quân lính mua chuộc hai người Công giáo có họ hàng với cha. Ngày 01/8/1838, cha Viên bị quân lính vây bắt ở họ Cầu Chay, xã Như Thiết. Cha đã kịp ẩn trốn trong vườn mía dày đặc, nhưng lại ra trình diện khi nghe tiếng kêu thảm thiết của đứa bé con chủ nhà bị tra tấn. Cha nói: “Tôi là đạo trưởng Viên các anh đang tìm bắt đây. Xin đừng làm khổ đứa trẻ này nữa”.

    Trước lời khuyên chối đạo để được tha về, cha Viên cương quyết trả lời: “Dù có chết tôi cũng không bước qua thập giá. Tôi là đạo trưởng mà bước qua thập giá, thì ai theo đạo nữa!”. Ngày 21/8, án xử trảm về đến tỉnh. Các quan cố thuyết phục cha lần cuối nhưng vô hiệu, nên tuyên đọc bản án và thi hành ngay hôm đó.

    Trên đường ra pháp trường, cha Viên xá tội cho hai người đã tiết lộ chỗ cha ẩn náu. Sau khi ăn chút cơm, cha quỳ trên chiếc chăn bông trải sẵn và ngước mặt lên trời cầu nguyện. Lý hình đưa vị chứng nhân Đức Kitô lên đài vinh quang. Thi hài cha được khoảng 300 tín hữu rước long trọng về an táng tại nhà thờ Tiên Chu.

    Linh mục Giuse Ðặng Ðình Viên được suy tôn lên hàng chân phước ngày 27/5/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/6/1988.

    18- Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, tá điền

    (1814-1839)

    Lãnh phúc tử đạo ngày 19/12

    Stêphanô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình. Sống trong một gia đình ngoại giáo rất nghèo, anh phải làm mướn ở Kẻ Mốt. Mọi người đều mến thương anh vì anh là người đơn sơ, chất phác và thật thà. Cho đến khi bị bắt anh vẫn là người độc thân và chưa hề rửa tội.

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ